Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương đăng tải công khai các đồ án quy hoạch
14:00 - 29/10/2021
Nhằm hạn chế nạn “sốt đất” tại các địa phương, Bộ Xây dựng có yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn còn rất nhiều hạn chế, có những địa phương chưa thựa hiện hoặc đăng tải với số lượng rất ít.
Nhiều địa phương chỉ mới đăng tải 1 đồ án quy hoạch.
Thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Ngày 25/10/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký Công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử.
Công văn 4363 của Bộ Xây dựng gửi đến các tỉnh, thành phố.
Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 2/3/2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 854/BXD-QHKT về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn).
Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thựa hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Thống kê số đồ án trên toàn quốc đã được đăng tải.
Cụ thể, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Đồng thời, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải.
Trong khi đó, nhiều được phương đăng tải với số lượng rất hạn chế chỉ 1 đồ án quy hoạch như: An Giang, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Sơn La…
Trên thực tế, những động thái của Nhà nước hay địa phương về quy hoạch… đều đã và đang bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất tạo các cơn sốt đất ảo. Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Cần Giờ, Phú Quốc. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn.
Cũng dọc từ Bắc vào Nam ngay từ đầu năm có thể kể đến những quy hoạch điển hình tác động đến thị trường bất động sản. Ví như Hà Nội dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021 nhưng chưa đầy 1 tuần, giá đất tại các khu vực ven sông Hồng đã tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó. Trong khi đó, quy hoạch này đã được đề xuất từ hơn 20 năm trước, và sau mỗi lần điều chỉnh ý tưởng quy hoạch, giá đất cũng được điều chỉnh theo.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, không thể phủ nhận rằng, những khu vực có quy hoạch trung dài hạn thì sốt đất xảy ra là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch liên tục thì đó là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các cơn sốt ảo. Điều này gây nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả nhà đầu tư cũng như người bán. Đồng thời xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo, căng biển, tư vấn rao bán trên cả những khu đất không phải của mình sở hữu…
Theo Báo Xây dựng