Đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” theo định hướng mới
10:32 - 27/10/2021
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục biên soạn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng theo quy hoạch định hướng mới.
Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 9/2/2018 về Phê duyệt đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng gồm 17 thành viên với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch. Theo đó, các nhiệm vụ chính của đề án đã được tập trung triển khai nhanh chóng. Sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt định hướng, mục tiêu và yêu cầu chất lượng của đề án.
Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bao gồm 12 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) liên quan đến các lĩnh vực xây dựng đã được hệ thống lại. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được ban hành đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn xây dựng; Lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế; đảm bảo phủ kín các điều kiện đặc thù trên toàn quốc.
Cùng đó, đề án đã hoàn thành mục tiêu định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng và xác định danh mục cốt lõi của Bộ Xây dựng; hoàn thiện quy trình phổ biến thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất cho mọi đối tượng tham gia hoạt động xây dựng; Đổi mới hệ thống tài liệu giảng dạy có lồng ghép các nội dung mới trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cho các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành xây dựng.
Để hoàn thành các mục tiêu của đề án, thời gian tới, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan đến quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sẽ tiếp tục hoàn thành biên soạn Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đồng thời, tiếp tục biên soạn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng theo quy hoạch định hướng mới; Ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý chất lượng tiêu chuẩn cơ sở trong hoạt động xây dựng; hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu, đổi mới thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lập kế hoạch, biên soạn, thẩm tra, thẩm định, công bố hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng thông qua việc hoàn thiện thể chế; tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động xây dựng; Đổi mới giáo trình trong hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của ngành xây dựng theo định hướng tiêu chuẩn và Bộ Quy chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt. Đến nay, đề án này đạt được nhiều kết quả tích cực, đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành các mục tiêu của đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) khẩn trương đề xuất kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Đề án; Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo chính thức về việc thực hiện các nhiệm vụ được theo Quyết định số 198/QĐ-TTg để Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.
Liên quan tới vấn đề trên, hồi đầu năm 2021, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thực hiện Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”.
Trong các nhiệm vụ của đề án, có nhiệm vụ “Lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng tới năm 2030”, cụ thể: Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng; Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng và danh mục tiêu chuẩn cốt lõi lĩnh vực xây dựng.
Theo Văn bản số 5456/BXD-BXD-KHCN ngày 11/11/2020 của Bộ Xây dựng gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện tại tổng số tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng là 1594 tiêu chuẩn, trong đó Bộ Xây dựng biên soạn 809 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, các bộ ngành khác biên soạn 785 tiêu chuẩn, trong đó có một số bộ ngành chủ trì, biên soạn các tiêu chuẩn quốc gia không đúng thẩm quyền hoặc do chưa phân định rõ thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật.
Qua kiểm tra cho thấy, có khoảng 150 các tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng nhưng do các Bộ, ngành khác biên soạn nên Bộ Xây dựng kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét giao lại cho Bộ Xây dựng quản lý về mặt chuyên môn hoặc chỉ đạo trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong quá trình thẩm định để các tiêu chuẩn này có chất lượng và quản lý tốt hơn.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, sắp xếp lại hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng hiện có thành 11 nhóm để dễ tra cứu và quản lý như: nhóm I: Những vấn đề chung (bao gồm Thuật ngữ; Ký hiệu; Số liệu, kích thước dùng trong thiết kế xây dựng; Thông tin); nhóm II: Tiêu chuẩn thiết kế (bao gồm Quy hoạch, Khảo sát, Những vấn đề chung về thiết kế: nhóm IIII: Tiêu chuẩn thiết kế (bao gồm Kết cấu xây dựng); nhóm IV: Tiêu chuẩn thiết kế (bao gồm: Nhà ở và công trình công cộng; Công trình công nghiệp);
Nhóm V: Tiêu chuẩn thiết kế (bao gồm: Công trình nông nghiệp; Công trình giao thông; Công trình thủy lợi; Kho tàng, trạm và đường ống dẫn xăng dầu); nhóm VI: Tiêu chuẩn thiết kế (bao gồm: Hệ thống kỹ thuật cho nhà ở và công trình công cộng); nhóm VII: Quản lý chất lượng, thi công và nghiệm thu;
Nhóm VIII: Vật liệu xây dựng và sản phẩm cơ khí xây dựng (bao gồm: Xi măng, vôi, thạch cao; Cốt liệu xây dựng; Gốm sứ xây dựng; Bê tông, hỗn hợp bê tông; Gỗ; Vật liệu lợp; Vật liệu chịu lửa; Chế phẩm xây dựng; Sản phẩm gốm sứ; Sản phẩm cơ khí xây dựng); nhóm IX: Bảo vệ công trình, an toàn, vệ sinh môi trường (bao gồm: Bảo vệ công trình; An toàn trong xây dựng; Đất xây dựng; Nước; Không khí);
Nhóm X: Phương pháp thử (bao gồm: Xi măng, vôi, thạch cao; Cốt liệu xây dựng; Bê tông, hỗn hợp bê tông; Gốm sứ xây dựng; Gỗ; Kim loại); nhóm XI: Phương pháp thử (bao gồm: Thủy tinh, kính xây dựng; Vật liệu lợp và chất dẻo; Vật liệu chịu lửa; Đất xây dựng; Nước; Không khí).
Tại Văn bản 5456/BXD-KHCN, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt định hướng mới hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng theo hướng tiêu chuẩn tiên tiến của châu Âu, kèm theo văn bản là 144 tiêu chuẩn cốt lõi (quan trọng), kế hoạch biên soạn, soát xét trong 10 năm với trên 1000 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét cấp mã số mới cho hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia mới, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia mới sẽ xong hành với hệ thống cũ để các chủ đầu tư, các nhà tư vấn tham khảo vận dụng.
Dự kiến đến năm 2030 hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng (cũ) được ban hành dựa trên các tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay hay của các nước khác mà thiếu sự đồng bộ, lạc hậu sẽ được hủy, khi đó hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia mới sẽ có hiệu lực chính thức.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trong việc kết nối và đàm phán với các nước châu Âu cũng như các tổ chức liên quan trong việc sử dụng bản quyền các tiêu chuẩn châu Âu để tham khảo khi biên soạn mới hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Với mục tiêu tổng quát của đề án là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động quản lý trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”.
Theo Việt Q