Đối thoại từ chính sách đến thực tiễn
08:47 - 18/11/2022
Ngày 3/10/2022, Ban Kinh tế-Tổng hội Xây dựng và Tổng Công ty Cổ phần FECON đã phối hợp tổ chức cuộc đối thoại, chia sẻ từ chính sách tới thực tiễn.
Ban Kinh tế-Tổng hội Xây dựng và Tổng Công ty Cổ phần FECON đã phối hợp tổ chức cuộc đối thoại, chia sẻ từ chính sách tới thực tiễn. (Ảnh minh họa).
Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của Ban với Doanh nghiệp kể từ khi có Quyết định số 21/2022/ QĐ-THXDVN ngày 19/9/2022 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam về việc kiện toàn nhân sự Ban Kinh tế trực thuộc Tổng hội nhiệm kỳ 2022-2027.
Tại cuộc đối thoại này, về phía Ban Kinh tế có sự tham gia của Trưởng Ban Kinh tế và 3 thành viên thuộc Ban; về phía doanh nghiệp có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty, Tổng giám đốc và bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Tổng Công ty.
Cuộc họp diễn ra từ 16h-19h trên tinh thần cởi mở, hợp tác, cùng chia sẽ về các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về quy định pháp luật hiện hành có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động xây dựng.
Tổng hợp kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp được gửi chính thức bằng văn bản số 424/2022/CV- KTĐT FECON ngày 5/10/2022 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần FECON tới Ban Kinh tế - Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Các nội dung kiến nghị, đề xuất được tập trung vào lĩnh vực định mức xây dựng, mẫu hợp đồng xây dựng, quy định về đấu thầu với các vấn đề chính như sau:
Về Định mức xây dựng: Đề xuất rà soát, sửa đổi một số định mức dự toán xây dựng (Như: Công tác thi công móng cấp phối đá dăm; Đổ bê tông móng bằng máy; Gia cố nền đất yếu rải vải địa kỹ thuật làm nền đường, mái đê, đập; Khoan cọc nhồi…) định mức chi phí chung với công trình trong đô thị, thu nhập chịu thuế tính trước (Tăng định mức chi phí chung (tính trên chi phí trực tiếp) cho các dự án thuộc loại công trình giao thông nói chung và giao thông đô thị nói riêng; tăng tỷ lệ lợi nhuận định mức của nhà thầu do chi phí phát sinh chi phí tài chính khi chủ đầu tư giữ lại 5-10% giá trị thanh toán qua các lần thanh toán…)
- Về đơn giá xây dựng: Bổ sung đơn giá máy, thiết bị thi công công nghệ mới
- Về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng: Một số quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng; một số nội dung hướng dẫn mẫu hợp đồng tổng thầu EPC, mẫu hợp đồng Thi công xây dựng công trình; bổ sung trong các mẫu hợp đồng xây dựng quy định về “Trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản” và nêu rõ đây là một trong các cơ sở để các bên trong hợp đồng có thể yêu cầu gia hạn tiến độ và điều chỉnh giá; doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung tiêu chí áp dụng công nghệ thi công tiên tiến là một tiêu chí quan trọng khi xét kinh nghiệm nhà thầu thi công xây dựng trong đấu thầu xây lắp …
Các đề xuất của doanh nghiệp là hết sức thiết thực, là cơ sở cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chi phí đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng. Toàn bộ nội dung giải trình vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được gửi kèm tại Phụ lục của công văn này.
Kết quả cuộc đối thoại này là bước khởi đầu thuận lợi của Ban Kinh tế - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhằm triển khai Kế hoạch hành động của Ban thực hiện chủ trương, định hướng đồng hành, kết nối doanh nghiệp với nhà nước, chính sách với thực tiễn theo chỉ đạo của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại văn bản số 92/CV-THXDVN, ngày 6/10/2022.
Ban Kinh tế - Tổng hội Xây dựng Việt Nam