Góp ý vào Dự thảo Báo cáo tại kỳ họp thứ VIII hội nghị Ban chấp hành khóa VIII tình hình hoạt động năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022

16:07 - 21/12/2021

Năm 2021 là năm cuối thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 của BCH khóa VIII Tổng hội xây dựng Việt Nam. Được sự quan tâm của Lãnh đạo Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các Bộ ngành Trung ương, Bộ Xây dựng, mặc dầu còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID kéo dài, các hoạt động của Tổng hội vẫn diễn ra sôi nổi, thiết thực với nhiều cách làm mới vừa huy động được đội ngũ trí thức tham gia tích cực trong công tác tư vấn phản biện các dự án Xây dựng, pháp luật và các dự án đầu tư phát triển đất nước

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC NĂM  2021

1. Công tác tập hợp trí thức, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng:
Năm 2021, Cán bộ, đảng viên thuộc Tổng hội đã gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương  XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tham gia tích cực các lớp phổ biến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các lớp học chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đầy đủ, nhiệt tình tại các cơ sở Đảng mà đảng viên sinh hoạt. Nghiên cứu triển khai thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về giám sát, kỷ luật trong Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng và chỉ thị, nghị quyết khác.
2. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức:
Năm 2021 là năm có nhiều biến động, các hoạt động đều khó khăn do dịch bệnh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã triển khai nhiều việc về tổ chức. Nhằm gắn kết mối quan hệ chặt chẽ giữa các Hội thành viên với Tổng hội. Nhiều hoạt động có hiệu quả trong công tác tư vấn phản biện và nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ biến kiến thức. Hiện nay cả nước còn 19 địa phương chưa có tổ chức Hội cần có sự vận động để thành lập. Tuy nhiên, trong cả năm qua tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, đoàn công tác của Tổng hội XDVN dự kiến công tác tổ chức tại Thành phố Hồ chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam làm việc với sở Xây dựng, sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân để xúc tiến lập Hội  vào tháng 5/2021 nhưng phải hoãn chưa thực hiện được. Nghiên cứu tổ chức, kiện toàn một số trung tâm KH&CN để hoạt động thiết thực hơn, có hiệu quả hơn.
Một số Hội đã đến kỳ đại hội nhưng bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp nên có Hội không tổ chức được Đại hội. Một số hội phải tổ chức Đại hội vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Hội Kết cấu và cộng nghệ xây dựng Việt Nam đã tổ chức  Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 01/2021 bầu Chủ tịch và các phó chủ tịch, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên tiếp tục giữ chức chủ tịch Hội. Hội Môi trường xây dựng đã tổ chức Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2021-2025, Đại hội đã bầu được Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch và 73 Uỷ viên BCH, GS Nguyễn Hữu Dũng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Đại hội đại biểu Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TP. Hồ Chí Minh dự kiến Đại hội nhiệm kỳ VIII (2020 – 2025) để bầu ban chấp hành và lãnh đạo mới nhưng do tình hình dịch bệnh chưa tổ chức được. Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật  có hơn 300 hội viên chính thức, trong năm 2021 các công tác phát triển hội viên vẫn được cập nhật và duy trì. Hội Xây dựng Hà Nội đã cử Ông Đỗ Xuân Anh làm chủ tịch Hội thay Ông Nguyễn Văn Khôi, kết nạp thêm 4 Chi hội xây dựng trực thuộc và đề cử Ông Võ Nguyên Phong Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tham gia Uỷ viên BCH Tổng hội XDVN thay ông Nguyễn Đức Dục. 
Trong năm 2021, Tổng hội tăng cường mối quan hệ sẵn có với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, với Bộ Xây dựng và các Bộ có liên quan, với một số Uỷ ban của Quốc Hội nhằm thực hiện tốt hơn chức năng của Tổng hội. Tăng cường phối hợp với các Hội KTS, Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Nhà thầu, Hội QHPT Đô thị Việt Nam và một số tổ chức có liên quan đến xây dựng. Tổng hội đã tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Qui hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội nhà thầu Việt Nam nhằm tranh thủ đội ngũ chuyên gia, tạo tiếng nói chung trong công tác tư vấn phản biện và phối hợp chuyên môn giữa các Hội và Hiệp hội. Thông qua chương trình hợp tác, Tổng hội và Hiệp hội nhà thầu đã có ý kiến với các cơ quan nhà nước về biến động giá thép nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với nhà thầu xây dựng.
Lãnh đạo Tổng hội đã tổ chức các buổi làm việc với các Cục, Vụ, Viện  của Bộ Xây dựng về công tác phối hợp hoạt động về nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện các văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng, phát triển đô thị, kiến trúc quy hoạch, ... đồng thời đề xuất các nội dung hợp tác mới bổ sung vào nội dung chuẩn bị cho cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng hội đã tổ chức nhiều buổi làm việc với hầu hết các Hội chuyên ngành của Tổng hội  như Hội Vật liệu xây dựng, hội Bê tông Việt Nam, Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hội kết cấu xây dựng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước, Hội Cảng đường thuỷ và thềm lục địa, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Tin học Việt Nam, Hội Kỹ sư  trẻ Việt Nam ... và một số hội địa phương để nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị và đưa ra các định hướng hoạt động trong thời gian tới. Chủ tịch cũng đã thường xuyên làm việc với các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Tổng hội để kiểm tra đôn đốc nhiệm vụ trong năm. Duy trì chế độ giao ban định kỳ hàng tuần, hàng tháng, 6 tháng theo đúng qui chế đã ban hành. Các cuộc giao ban đều có thông báo kết luận giao nhiệm vụ làm cơ sở cho các đơn vị triển khai. Tổng hội cũng đã tiến hành cập nhật nhân sự, bộ máy thuộc các hội chuyên ngành, địa phương nhằm cập nhật, đánh giá tình hình hoạt động, đồng thời nhắc nhở các đơn vị tổ chức Đại hội cũng như bổ sung nhân sự thay thế kịp thời.
Về công tác phát triển hội viên mới, trong thời gian qua, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã kết nạp thêm Hội viên  mới là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, nâng số hội viên tập thể lên 76 hội viên. 
Về công tác kiểm tra, thực hiện chương trình công tác, Ban Kiểm tra của Tổng Hội XDVN thực hiện công tác kiểm tra theo đơn khiếu nại, tố cáo đối với Tạp chí Người Xây dựng và đã có báo cáo Đoàn Chủ tich Tổng hội Xây dựng Việt Nam. (có báo cáo kiểm tra kèm theo)
3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn:
3.1. Công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội: 
Nhằm làm tốt công tác tư vấn phản biện, gần đây Tổng hội đã xây dựng xong quỹ chuyên gia gồm hơn 100 các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu đến từ các hội chuyên ngành, các Viện, trường Đại học. Các chuyên gia đều được quản lý thông qua các hoạt động khoa học và là các hạt nhân nòng cốt tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHKT, tư vấn phản biện của Tổng hội. 
Công tác tư vấn phản biện là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Trong thời gian qua, Tổng hội XDVN đã có nhiều ý kiến tham gia với Bộ Xây dựng, VUSTA cho một số dự án Luật quan trọng điển hình là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư,... phản biện cho các Nghị định, Thông tư của Bộ Xây dựng như: Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng, Nghị định 42 quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định 32 về chi phí quản lý xây dựng và Nghị định 37 về hợp đồng xây dựng, Thông tư hướng dẫn Nghị định 15 về cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, Nghị định 49 sửa đổi nghị định 100 v.v. một số nhiệm vụ như góp ý cho hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, quy hoạch hệ thống giao thông Quốc gia, Quy chuẩn 02;2009 của Bộ Xây dựng, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, phản biện 3 dự thảo Quy hoạch lớn của ngành giao thông vận tải theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, đó là:“Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cùng với Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam có kiến nghị với Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phú về “Giải pháp bình ổn giá thép xây dựng”, tham gia một số Hội đồng Quy hoạch - kiến trúc của các Bộ, ngành. Đặc biệt, Tổng hội đã có cuộc toạ đàm về cầu “Trần Hưng Đạo” đã có những đóng góp, kiến nghị cho Hà Nội khi xây dựng công trình tại Thủ đô và đã nhận được phản hồi tích cực từ chính quyền thành phố và dư luận. Tham gia Đề án "Tổ chức bộ máy, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam".
Tổng hội đã phối hợp với UBND Tỉnh Quảng Nam tổ chức rất thành công Hội thảo “ Thiên tai lũ quyét, sạt lở đất tại khu vực Miền Trung– nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” tại Hội An với hơn 250 khách mời bao gồm lãnh đạo các tỉnh khu vực Miền Trung Tây nguyên, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ NN PTNN, Bộ Công thương và đông đảo các nhà khoa học tham gia. Hội thảo đã nêu bật được những vấn đề có tính thời sự và đề xuất hàng loạt biện pháp giải quyết trong ngắn hạn và dài hạn, tầm vi mô và vĩ mô nhằm phòng, tránh và đẩy lùi hậu quả thiên tai. Hội thảo đã được truyền hình VTV1 phổ biến 2 phiên, được hơn 50 tở báo đưa tin, được dư luận đánh giá rất cao.
3.2. Công tác khoa học công nghệ:
Bên cạnh việc tổ chức thành công Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Miền Trung– nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” tại Hội An vào tháng 1/2021, Tổng hội các các hội thành viên đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên ngành, như đã tổ chức giới thiệu cơ bản về chuyển đổi số và những việc cần làm để chuyển đổi số trong nghành xây dựng có 40 các nhà khoa học, tổ chức buổi Tọa đàm "Thực trạng công tác quản lý và phát triển không gian công cộng tại các khu đô thị mới theo quy hoạch đã được duyệt" trong khuôn khổ đề tài thực hiện với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Hội thảo đổi mới “Tổ chức giải thưởng Loa Thành”.
Do tình hình dịch bệnh không tổ chức được hội thảo, hội nghị, vì vậy trong tháng 9 tháng vừa qua, Tổng hội XDVN đã tổ chức 5 toạ đàm trực tuyến với chủ đề “ĐÔ THỊ CÔNG NGHIỆP VỚI NHÀ Ở CÔNG NHÂN” để  tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà đầu tư về  thuận lợi cũng như bất cập về quy hoạch các khu công nghiệp trong quá trình đô thị hoá và tình hình nhà ở công nhân trong điều kiện dịch covid chuẩn bị tổ chức hội thảo chính thức vào tháng 12/2021.
Kế thừa kết quả hội thảo tại Quảng Nam hiện Tổng hội chỉ đạo các đơn vị tham gia 4 đề tài KH với Quảng Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, hiện đã được phê duyệt 02 đề tài. Đồng thời đề xuất LHH cho nghiên cứu 03 đề cương và đề xuất Bộ Xây dựng cho nghiên cứu 03 nhiệm vụ khoa học. 
Tổng hội đề xuất và được Bộ Xây dựng giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam tại các địa phương”, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đánh giá thực trạng sử dụng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tại các địa phương đề xuất các điều cần sửa đổi, loại bỏ, thay thế, điều chỉnh tiến tới xây dựng hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tiến tới xây dựng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
3.3. Về công tác đào tạo: 
Tổng Hội Xây dựng Việt Nam được  Bộ Xây dựng cho phép cấp chứng chỉ hành nghề loại II, loại III cho hội viên của Tổng Hội XDVN, trong năm qua triển khai cấp chứng chỉ cho hàng trăm Hội viên của Tổng hội. Tham gia Hội đồng xét cấp chứng chỉ của Bộ Xây dựng. Tổng hội đã làm việc với các hội chuyên ngành để nắm bắt năng lực đào tạo của các Hội thành viên, tham gia hội thảo về công tác đào tạo nguồn nhân lực với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tham gia BTC cùng với Hiệp hội nhà thầu Việt Nam và các tổng công ty  tổ chức hội thi thợ giỏi ngành xây dựng. Tham gia góp ý chương trình đào tạo ngành Xây dựng và Kiến trúc các trường theo mô hình mới của luật giáo dục sửa đổi do Bộ GDDT tổ chức. Phối hợp với trường ĐHXD và Hội Kết cấu và công nghệ Việt Nam tổ chức toạ đàm về Mô hình đào tạo mới. Phối hợp  với Hội Cấp thoát nước tổ chức khoá đào tạo ‘‘Tập huấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Luật sửa đổi bổ xung một số điều Luật xây dựng ngày 17/6/2020” cho khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
3.4. Công tác thông tin và phổ biến kiến thức:
Trong bối cảnh dịch bệnh, các đơn vị truyền thông thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam, đặc biệt là báo in, online ( không tính các trang Wb) bị ảnh hưởng nặng nề do phải tiếp tục duy trì  chi phí sản xuất nhưng thiếu hụt doanh thu. Các đơn vị Tạp chí Người Xây dựng, Vật liệu Xây dựng, Ánh sáng & Cuộc sống, Người Đô Thị, các  trang Wb Tổng hội XDVN, Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước VN, Hội Tin học Xây Dựng …đều  tuân thủ nội dung hoạt động đã được cấp phép, khai thác tối đa tuyến bài ở từng lĩnh vực chuyên môn cho cộng đồng bạn đọc riêng của mỗi báo, đồng thời bám sát, phát hiện các vấn đề nóng, thời sự phục vụ và định hướng dư luận xã hội. Các đơn vị truyền thông hợp tác, sử dụng bài, tin của nhau để truyền thông kịp thời các sự kiện và hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Các tạp chí trong đó có tạp chí Người đô thị đã truyền thông kịp thời các sự kiện và hoạt động của Tổng hội XDVN về Hội thảo "Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung - nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu"; Toạ đàm về “ Đô thị công nghiệp và nhà ở công nhân” . Toạ đàm trực tuyến “Góp ý về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo”; Giá thép biến động bất thường: Tổng hội đề xuất giải pháp “kìm cương”; Bộ Xây dựng phản hồi Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Về một số kiến nghị kiểm soát phát triển đô thị biển.
3.5. Về hoạt động đối ngoại và Hợp tác Quốc tế:
Tổng hội Xây dựng Việt Nam là thành viên của Hội đồng điều phối kỹ sư xây dựng Châu Á (The Asian Civil Engineering Coordinating Council viết tắt là ACECC), đây là tổ chức có 14 Quốc gia thành viên, năm nay do điều kiện dịch bệnh Tổng hội chỉ tham gia các cuộc họp trực tuyến với ACECC theo các nhóm vấn đề về đào tạo, về phát triển bền vững, về biến đổi khí hậu. Tổng hội cử cán bộ tham gia vào Ủy ban giám sát về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN do Bộ Xây dựng chủ trì, Hội đồng đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp Châu Á do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam chủ trì. Bên cạnh đó, các hội chuyên ngành của Tổng hội XDVN có các hoạt động hợp tác Quốc tế rất mạnh mẽ như  Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam tham gia Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật công trình thế giới (ISSMGE). Hiện nay Hội có đại diện tại 13 trong số hơn 37 tổ chức của Hội Thế giới. Tham gia các hoạt động của Hội quốc tế ISSMGE và AGSSEA (Hiệp hội các Hội Địa kỹ thuật Đông Nam Á). Hội cũng có quan hệ hợp tác quốc tế song phương với: Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản (JGS), Hội Địa kỹ thuật Đài Loan (CTGS), Hội Địa kỹ thuật Hàn Quốc (KGS), Hội Địa kỹ thuật Hồng Kong và nhiều tổ chức quốc tế khác. Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đã kết nối với Hội Kinh tế xây dựng Nhật Bản (BSIJ) và Viện Công nghệ Shibaura (Nhật Bản) phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và một số trường đại học của Việt Nam nhằm trao đổi mở ra hướng hợp tác và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức. Hội Vật liệu xây dựng làm việc trực tuyến với một số đoàn chuyên gia nước ngoài: CHLB Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, v.v… với nội dung trao đổi thông tin về các sản phẩm VLXD mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; các giải pháp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng. Hội chiếu sáng Việt Nam Tiếp tục giữ quan hệ với các tổ chức cá nhân, tập thể và các hiệp hội Chiếu sáng nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc, Nga, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hiệp hội Chiếu sáng rắn quốc tế, Hiệp hội Chiếu sáng Châu Á – Thái Bình Dương thông qua công tác hợp tác quốc tế đã thúc đẩy cơ hội hợp tác, các doanh nghiệp trong ngành. Hội mở rộng quan hệ hợp tác đối tác trong nước và ký kết hợp tác với 5 Hội bao gồm Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hội Điện lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng Việt Nam; Hội Tự động hóa Việt Nam; Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam.                                                                                                                                                                                                              
3.6. Giải thưởng Loa Thành:
Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng các đồ án xuất sắc cho sinh viên các trường đại học chuyên ngành Xây dựng, Kiến trúc, Giao Thông, Thủy lợi.. có bề dày hoạt động đến nay là 33 năm và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tích cực của LHH. Mặc dầu có nhiều khó khăn về dịch bệnh, về tài chính, năm nay giải thưởng vẫn tiếp tục được tổ chức. Tổng hội XDVN là thường trực giải Loa Thành  tích cực thực hiện công tác chuẩn bị như thành lập Hội đồng và tổ chức chấm giải theo hình thức, tổ chức tọa đàm về giải theo đề nghị của LHH, phối hợp Hội KTS tổ chức thành công Lễ trao giải thành công vào  ngày 12/12/2021 tại văn Miếu Quốc Tử Giám phù hợp với tình hình dịch bệnh và trao 64 giải thưởng, trong đó có 5 giải nhất. 
4. Hoạt động của các Hội chuyên ngành:
Các Hội chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng đã tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện, nghiên cứu khoa học về các vấn đề môi trường, hạ tầng, chất lượng công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn...về xây dựng. Các hội chuyên ngành tham gia trong các hội thảo trực tuyến do Tổng hội tổ chức góp ý về các VB pháp quy của Bộ XD và góp ý về phương án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, các toạ đàm về Phát triển khu công nghiệp, nhà ở công nhân các khu Công nghiệp. Một số hoạt động nổi bật của các hội:
Hội khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam: đã có đóng góp cho Bộ GTVT về các vấn đề về cảng hàng không, về sân bay, quy hoạch hệ thống sân bay ... Hội cảng đường thuỷ và Thềm lục địa tham gia với Bộ GTVT, Cục HHVN, Cục Đường thủy nội địa VN để hoàn  thiện các thông tư, quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của ngành cảng và hàng hải.
Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước: tham gia tư vấn phản biện cũng như NCKH... về Công trình Thủy lợi, thủy văn, thoát lũ, về nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu  thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội Môi trường xây dựng Việt Nam: đã tập hợp các nhà khoa học cả trong và ngoài Hội thực hiện các Đề tài NCKH của Bộ Xây dựng,  phối hợp với Hội phụ nữ thành phố HCM triển khai nhiều hoạt động về môi trường có ý nghĩa như : Chương trình “Không gian xanh trong khu dân cư; “Đổi rác nhựa nhận quà”: Chương trình “Tặng cây xanh”  Trao học bổng và tặng quà cho Giáo viên và Học sinh khó khăn nhân ngày 20/11/2020; Tham gia các hoạt động về môi trường cùng các tổ chức khác và được xã hội đón nhận và tạo được tiếng vang tốt trong xã hội. Năm 2021, Hội Môi trường Xây dựng đã  Thành lập « Viện khoa học công nghệ Đô thị xanh » thành lập « Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng » (moitruongxaydngvn.vn).
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: tập trung vào các hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội tập trung vào các nội dung: góp ý cho các dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật; tư vấn nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 như Góp ý với Bộ Tài chính về  tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản về thuế tài nguyên; Góp ý Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; Góp ý Dự thảo NĐ-CP về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các ý kiến tư vấn về các tiêu chuẩn về Vật liệu xây dựng, các thông tư liên quan đến vật liệu xây dựng của các Bộ ngành và được đánh giá cao trong xã hội.
Hội Tin học Việt Nam: Do ảnh hưởng của dịch Covid nên hầu như các hoạt động tập thể của Hội dự kiến trong năm 2021 cho các đơn vị, địa phương đều bị hủy bỏ. Hội tham gia nhóm xây dựng 02 đề án « Xây dựng Thành phố thông minh » cho 2 địa phương: Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Phối hợp với CDC Đà nẵng đề xuất với Sở XD xây dựng đề án về chuyển đổi số ngành XD trên địa bàn. Chia sẻ cho các thành viên của Hội thông tin và tham gia các hội thảo trực tuyến liên quan đến việc ứng dụng BIM trong thực tế, Xây dựng Thành phố thông minh, Chuyển đổi số nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Đăng tải 1 số các bài viết liên quan đến nội dung Chuyển đổi số trên website của hội và trên Fanpage facebook. Hội Tin học xây dựng thành lập Trung tâm Tư vấn Pháp luật (đã đươc Sở Tư pháp Hà Nội cấp giấy phép hoạt động từ 06/2021).
Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật: Các công tác của Hội như phát triển Hội viên, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế vẫn được triển khai nhưng qua hình thức online. Các hoạt động trao đổi chuyên môn, hội nghị hội thảo quốc tế các thành viên của Hội vẫn tham gia viết bài, nộp bài bình thường thông qua hình thức online. Các thành viên của Hội đã tập trung chuyên môn để phát triển các đề tài nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá . xuất bản  bản tin VSSMGE Bulletin No.1 June 2021, trong số này đưa nhiều tin hoạt đông của Hội.
Hội Chiếu sáng Việt Nam: chủ động, tích cực tham gia tư vấn, phản biện, góp ý các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chiếu sáng; Các Vấn đề Cổ phần hóa; Thực hiện NĐ 130/2013; Định mức duy trì hệ thống chiếu sáng các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến Chiếu sáng. Hoạt  động KHCN ứng dụng và chuyển giao được quan tâm đặc biệt. Tổ chức các Hội Nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc kết hợp triển lãm sản phẩm chiếu sáng với sự tham gia của các đơn vị trong nước và nhiều tổ chức quốc tế (UNDP, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Hội đã có sự quan tâm đến công tác đào nâng cao năng lực với các hoạt động như Phối hợp với dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” do UNDP tài trợ. Phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp chiếu sáng Nhật Bản tổ chức 2 khóa đào tạo về “quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các công nghệ mới trong sản xuất thiết bị chiếu sáng”.
Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam: dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022 - 2027) vào đầu tháng 01 năm 2022 tại Hà Nội. Thực hiện chức năng tư vấn phản biện xã hội, Hội đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo các dự án Luật, cơ chế, chính sách quản lý ngành và lĩnh vực theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng về  Hướng dẫn phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện Quy chế Quản lý kiến trúc (Văn bản số 139/VACE ngày 19/ 4/ 2021). Hướng dẫn về hợp đồng xây dựng và đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế (Văn bản số 147/VACE ngày 29/ 9/ 2021). Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đã có ý kiến bằng văn bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, góp ý đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) cả về thành phần trong hồ sơ trình cũng như những nội dung được nêu trong dự thảo (Văn bản số 153/VACE ngày 10/ 11/ 2021). Trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động tham vấn, phổ biến pháp luật mới trong đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng bị hạn chế nhiều.
Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam đã hoạt động rất tích cực trong công tác tư vấn phản biện, đóng góp nhiều các văn bản quản lý ngành như lấy ý kiến các hội viên về “ Dự thảo Kế hoạch tổng kiểm tra rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”; Dự thảo sửa đổi QCVN 02:2009/BXD về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng. Đã tổ chức thành công buổi tạo đàm về QCVN 02:2009/BXD về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng. Tổ chức thành công buổi tọa đàm về Đào tạo thí điểm chương trình theo mô hình mới của luật giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung). Phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Miền Tây tham gia đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện khí hậu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long”.
5. Hoạt động của các Hội Xây dựng các địa phương:
Các Hội xây dựng địa phương trong phạm vi của mình đã tham gia tư vấn phản biện các văn bản quản lý, các quy hoạch phát triển và các dự án đầu tư của Địa phương, điển hình là các Hội Xây dựng Đà nẵng, Hội Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội xây dựng Hà Nội, Hội xây dựng Hải Dương, Hội xây dựng Đồng Nai, Hội xây dựng Quảng Ngãi, Hội xây dựng Thái Bình, Hội Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội Xây dựng Bình Định, Hội Xây dựng Thanh Hoá, Hội Xây dựng Bình Phước, Hội Xây dựng Bắc Ninh, Hội Xây dựng Phú Thọ, Hội Xây dựng Gia Lai ,Hội Xây dựng Hải Phòng, Hội Xây dựng Lâm Đồng, Đồng Tháp… Các hội thực hiện tốt các quy chế phối hợp với các Hội của địa phương như LHH, Hội KTS, Hội QHPTĐT … và đã có nhiều hợp tác trong hoạt động tư vấn phản biện tại các địa phương. Nhiều chuyên gia thuộc các Hội địa phương đã tham gia các Hội đồng thẩm định dự án, đồ án thiết kế các Khu dân cư, Khu đô thị mới, Khu du lịch, Cụm công nghiệp ở địa phương. Các Hội địa phương cũng tích cực đóng góp ý kiến khi có các hội nghị hội thảo do địa phương của mình cũng như Tổng hội tổ chức, đồng thời tham gia tích cực vào các đề tài nghiên cứu do các cơ quan quản lý nhà nước, các viện trường thực hiện. Trong đó như  Hội Xây dựng Hà Nội phối hợp với Hội QHPTĐT Hà Nội và Hội cầu đường tổ chức các hội thảo, hành tháng có các hội thảo với trường Đại học xây dựng Hà Nội giới thiệu các kỹ thuật mới, tiên tiến. Tổ chức cho hội viên thăm quan các công trình xây dựng đường sắt, các danh lam thắng cảnh Việt Nam. Hội Xây dựng Đồng Nai, Thanh Hoá, Lâm Đồng, Đồng Tháp ... tham gia là thành viên của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch tỉnh và Hội đồng xét duyệt cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, giám sát công trình xây dựng của Sở Xây dựng. Tổ chức đội ngũ chuyên gia có trách nhiệm, năng lực để chuẩn bị tốt cho công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội khi có yêu cầu. Hội xây dựng Quảng Ngãi từ đầu năm 2021 đã trao đổi và tham gia xây dựng cho cơ quan quản lý ngành; công tác phát triển hội viên,  phổ biến các quy định mới, văn bản về hoạt động xây dựng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, một số tồn tại, hạn chế cần được kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Thường trực hội tham gia các cuộc họp, hội thảo, do Liên hiệp Hội tổ chức. Tham gia và kêu gọi các đơn vị, địa phương tham gia và tham luận Hội thảo của Tổng hội “Thiên tai lũ quét, sạt lỡ đất ở khu vực miền trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” ngày 16/01/2021. Hội Xây dựng Thanh Hoá triển khai 05 Đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa năm 2020 - 2021. Tham gia Tư vấn phản biện và giám định xã hội, tham gia đào tạo, phổ biến kiến thức tuyên truyền các Nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước của tỉnh trong năm 2021. Hội xây dựng Thái Bình phát huy hiệu quả hoạt động của các chi hội thành viên theo các lĩnh vực như Chi hội dân dụng và công nghiệp, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Giao thông, điện lực …để thực hiện các tư vấn phản biện từng lĩnh vực , thực hiện các tham vấn chính sách cho các ban ngành của Thành phố và Tỉnh một cách hiệu quả. Hội Xây dựng Thành phố Đà Nẵng trong năm 2021, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng BCH Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng đã vận dụng sáng tạo bằng nhiều hình thức: trực tuyến, tận dụng những thời gian không có dịch để triển khai  tổ chức hoặc phối hợp tổ chức được nhiều hội thảo có ý nghĩa thực tiễn cao như tham gia hội thảo “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại việt Nam giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức (16/4/2021). Hội thảo “Phương án giao thông an toàn, thân thiện gắn với sự kiện, dịch vụ tại khu vực hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung ( dự kiến tổ chức 04/12/2021). Tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng, các Sở ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng BIM, vật liệu mới trong xây dựng  và hỗ trợ hoạt động của Văn phòng Đại diện của Tổng hội tại Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Hội xây dựng lâm Đồng đã phát huy thế mạnh về tư vấn phản biện để đóng góp vào các văn bản sửa đổi các luật, các nghị định, các vấn đề về Nhà ở và thị trường BĐS….Cử chuyên gia tham gia ngân hàng dữ liệu Chuyên gia của Tổng hội XDVN, tham gia phối hợp với Tổng hội XDVN đề tài “ Đánh giá  việc thực hiện QCXD Việt Nam tại các địa phương…” hỗ trợ Viện NCĐT& PTHT của Tổng hội thực hiện đề tài “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô”. Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh là Hội hoạt động rất mạnh trên mọi phương diện, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục hội viên chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời kiến nghị, góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển ngành của Hội. Website của Hội: www.hoixaydunghcm.vn hoạt động ổn định. Hội đã tổ chức các sinh hoạt học thuật, chuyên đề khoa học, tham gia phổ biến kiến thức, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của hội viên như  Tổ chức 02 Báo cáo “Mô hình nền đất và các phương pháp mới tính toán các kết cấu xây dựng trên nền đất phi tuyến” và “Giải pháp ngăn chặn sạt lở ở mọi địa hình”. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thuộc lĩnh vực liên quan đến Hội khi được yêu cầu như “ Góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển VLXD Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam đăng ký với Bộ Xây dựng xin thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tại các Địa phương”. Tham dự 07 Hội nghị, Hội thảo, Chuyên đề “Xây dựng Thành phố Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển Vùng kinh tế 4.0 phía Nam” Hội thảo “Phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
6. Hoạt động của khối các Viện, các Trung tâm Khoa học công nghệ:
Các Viện nghiên cứu và các Trung tâm trong thời kỳ dịch bệnh cũng đã rất nỗ lực trong mọi hoạt động. 
Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng vào tháng  02/2021 Viện thành lập Trung tâm số 5 là Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng miền Trung có trụ sở  tại Đà Nẵng. Thành lập Trung tâm Trung tâm Thông tin và Tư vấn Phát triển đô thị. Trung tâm Thông tin và Tư vấn Phát triển đô thị đã triển khai các thông tin mang tính phổ biến kiến thức về phát triển đô thị và phát triển hạ tầng trên các kênh Youtube, Facebook và đã giới thiệu được 22 video clip về giới thiệu các đồ án Phát triển đô thị . Viện đang tham gia thực hiện 2 đề tài: Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô” do Văn phòng Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng. Đề tài khoa học công nghệ do Bộ Xây dựng đặt hàng: “Nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Viện tiếp tục thực hiện các công trình năm 2020 chuyển tiếp một số công trình về quy hoạch và phát triển đô thị ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Cần Thơ, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Kiên Giang …Thực hiện một số công việc về đề án phân loại đô thị  cho một số huyện thuộc Hà Giang, Hải Dương, Thành phố Cần Thơ …Lập một số đồ án quy hoạch QHPK một số khu vực của Bắc Giang , TP. Rạch Giá đến năm 2040 .. và một số tỉnh như An Giang, Đồng Nai, Quảng Nam… Tạp chí Người đô thị tạp chí in xuất bản đúng định kỳ hàng tháng, đúng số trang cấp phép.Số lượng Tạp chí in Người đô thị bán được tính đến 10.2021: 33.200 cuốn (tăng 200 cuốn so với năm 2020). Một số nội dung đã phản ánh được bạn đọc quan tâm. Người đô thị online với số lượt truy cập của Người đô thị online từ ngày 1/1/2020 - 1/11/2021 (theo Google Analytics): 1.598.041 (tăng 9,36% so với cùng kỳ 2020). Người dùng: 1.031.689 (tăng 4,83%). Viện đã tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học “Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất gợi ý định hướng chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Viện thường xuyên tham gia các Hội đồng thẩm định về quy hoạch, phát triển đô thị và hạ tầng, tham gia các hội đồng khoa học của các Bộ, ngành và góp ý một số văn bản pháp quy do Tổng hội XDVN giao, viết bài tham luận các hội thảo trong nước và quốc tế cũng như trả lời phỏng vấn, viết bài đăng trên báo chí, truyền hình, tạp chí về các vấn đề quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đô thị, hạ tầng… như Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng), Báo Kinh tế Trung ương, Tạp chí Người Xây dựng, Người Đô thị, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng, Kiến trúc Việt Nam… tham gia công tác đào tạo đại học, trên đại học tại các trường Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Phương Đông, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Viện Kiến trúc Quốc gia…Viện đã tiếp tục kết nối với các tổ chức quốc tế Heath Bridge (Canada), Spacion Dicision (Ấn Độ)… về phát triển đô thị…
Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị  tiếp tục thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hướng dẫn sử dụng công nghệ viễn thám đánh giá thực trạng hệ thống không gian xanh đô thị để lồng ghép mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” của Bộ Xây dựng chuyển giao từ năm 2020 và 01 đề tài “Ứng dụng công nghệ trong quản lý khu đô thị mới theo quy hoạch được duyệt” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam giao. Thực hiện một số hợp đồng về định mức, đơn giá, chỉ số giá và quy hoạch phát triển đô thị của địa phương do Viện và Chi nhánh phía Nam của Viện thực hiện. Tháng 11/2021 đã tổ chức Hội thảo của đề tài Bộ Xây dựng “Công nghệ viễn thám và trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý không gian xanh hướng đến đô thị tăng trưởng xanh”.
Trung tâm Đào tạo Khoa học Xây dựng và Chuyển giao Công nghệ Xây dựng, trong năm qua liên kết với trường Đào Duy Từ đào tạo các lớp học cho khối THPH và THCS. Liên kết với một số cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn,cấp chứng chỉ về đấu thầu, quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng. Đã thực hiện Tư vấn đấu thầu, LCNT cho một số công trình. Tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán cho một số dự án, công trình như dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật chung - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô Hà Nội, thẩm tra dự án và thiết kế, dự toán xây dựng cho Dự án đầu tư xây dựng Nhà ở cao tầng NO3-T7 Khu Đoàn Ngoại Giao, P. Xuân Đỉnh, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội;
Các Trung tâm Khoa học công nghệ khác trước đây đã khó khăn về vốn, về năng lực thiết bị khi dự thầu tìm kiếm công việc trong năm 2020 và 2021 càng khó khăn hơn khi dịch bệnh kéo dài.
7. Hoạt động của khối Hội viên tập thể:
Tình hình đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khối Hội viên tập thể, vì thế hoạt động hội cũng trầm lắng. Khối các viện trường tuy vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về đào tạo, nghiên cứu theo kế hoạch song trong trạng thái bình thường mới nên các hội nghị hội thảo được triển khai theo hình thức trực tuyến hạn chế tập trung đông người.
8. Các hoạt động khác:
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam về ủng hộ Quỹ vắc xin và phòng chống dịch Covid-19, Tổng hội đã phát động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng hội tham gia đóng góp. Theo báo cáo tổng kết của LHH, Tổng hội trở thành một trong các đơn vị có số tiền tham gia đóng góp tích cực nhất. Ngoài ra, Tổng Hội đang tích cực giải quyết các thủ tục về đất tại trụ sở 625 La Thành – Ba Đình – Hà Nội để có phương án Xây dựng lại trụ sở cũ, sử dụng có hiệu quả tài sản đất đai.
Đánh giá chung
Năm 2021, tình hình hoạt động Tổng hội nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bênh COVID, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo của Tổng hội phải hoãn hoặc phải tổ chức trực tuyến, nhiều chương trình công tác không thể thực hiện theo kế hoạch đề ra. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của người trí thức, tính tự nguyện vì sự nghiệp phát triển của đất nước, toàn thể anh chị em hội viên của Tổng hội đã có nhiều nỗ lực để khắc phục khó khăn trở ngại, chủ động thay đổi cách làm việc, thích ứng với tình hình mới, phấn đấu, đạt được kết quả hoạt động đồ sộ. Kết quả hoạt động của Tổng hội không chỉ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật mà còn góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông qua công tác tư vấn phản biện, tuyên truyền phổ biến kiến thức, công tác đào tạo và hoạt động khoa học.
II. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2022:
Trong tình hình đại dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, với phương châm vừa chống dịch vừa phát triển, Tổng hội Xây dựng Việt Nam dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm 2022 như sau:
1. Tổng hội chuẩn bị tích cực cho việc tổ chức Đại Hội lần thứ IX và kỷ niệm 40 năm thành lập Tổng Hội  vào Quý III năm 2022. Các Hội thành viên đã chuẩn bị Đại Hội nhiệm kỳ 2020-2025 xếp lịch tổ chức Đại hội bằng hình thức online kết hợp offline. Các Hội đến kỳ Đại hội có kế hoạch báo cáo Bộ Nội vụ với chính quyền địa phương có chương trình cụ thể để tiến hành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ ngay khi điều kiện cho phép.
2. Chuyển đổi số trong các lĩnh vực xây dựng; Thí điểm Xây dựng đô thị thông minh tại một vài địa phương. Hoàn thành đề tài Thực trạng và định hướng sửa đổi Quy chuẩn Việt Nam phục vụ công tác quản lý tại các địa phương...
3. Tiếp tục tham gia và hoàn thành tư vấn phản biện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ xây dựng như chiến lược phát triển ngành Xây dựng, chiến lược phát triển đô thị quốc gia, chiến lược phát triển nhà ở, v.v...Bên cạnh đó tham gia tư vấn phản biện các đề tài dự án khác do VUSTA hoặc các ngành khác yêu cầu.
4. Hoàn thành các đề tài nhiệm vụ khoa học năm 2022 với Bộ Xây dựng, với Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam, các đề án tư vấn, các nghiên cứu khoa học hợp tác với các địa phương. Đồng thời chuẩn bị đề xuất các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cho các năm tiếp theo.
5. Đổi mới việc xét trao giải thưởng Loa Thành, giải thưởng công trình chất lượng , công trình xanh ... Đề nghị người cấp Giải Loa Thành trở thành giải Quốc gia cho các ngành kiến trúc và Xây dựng.
6. Phát triển quan hệ hợp tác Quốc tế với các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực xây dựng . Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác sẵn có với các Hội KTS, Hội QHPTĐT, Hiệp hội nhà thầu , Hiệp hội Bất động sản và mở rộng hợp tác với các Hội, Hiệp hội khác. 
7. Đẩy mạnh công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho các Hội viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị giao cho Tổng hội cấp chứng chỉ cả 3 bậc I, II và III.
Trên đây là báo cáo các hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam năm 2021 và dự kiến đề xuất một số định hướng chính năm 2022. Kính trình Ban chấp hành nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp để báo cáo đầy đủ, hoàn thiện hơn và có chương trình cho năm 2022 góp phần thúc đẩy phát triển ngành xây dựng Việt Nam lớn mạnh bền vững, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của Đất nước.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam 

Đô thị Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Nền tảng cho sự phát triển bền vững (11:18 - 11/11/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (11:56 - 07/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị (16:49 - 05/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong Quý III năm 2024 (10:50 - 23/10/2024)
Đại Hội Xây dựng tỉnh Đồng Nai lần thứ VI: Ông Đinh Ngọc Thuận được bầu làm Chủ tịch (16:44 - 11/10/2024)