Khuyến khích áp dụng mô hình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình

10:41 - 10/11/2021

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM), thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Chiều 9/11 tại Bộ Xây dựng đã diễn ra cuộc họp về việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trường Bùi Hồng Minh cho rằng, việc đưa BIM vào cuộc sống, hoạt động triển khai và thực hiện trong ngành Xây dựng là rất quan trọng. Các nước trên thế giới đã áp dụng BIM vào trong cuộc sống. Tại cuộc họp cần tập trung bàn thảo để đưa vào triển khai như thế nào?

Việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đồng thời, việc áp dụng BIM sẽ giảm thiểu giấy tờ, bản vẽ, hỗ trợ trao đổi thông tin kịp thời giữa các chủ thể. Áp dụng BIM sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đơn giản hóa và đẩy mạnh các thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép cho các công trình xây dựng. Sử dụng các thuật toán, công cụ tự động kiểm tra trên cơ sở của các cấp có thẩm quyền.

Giai đoạn trước khi có đề án BIM, khu vực kinh tế tư nhân đã chủ động trong việc áp dụng BIM cho hoạt dộng quản lý thi công xây dựng của các nhà thầu cũng như hoạt động quản lý dự án của chủ đầu tư.

Trên thực tế, môi trường pháp lý cũng như công cụ chuyên môn nghiệp vụ để áp dụng BIM đang tập trung cho hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình nhưng chưa đề cập đến hoạt động quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Do vậy, cần thiết bổ sung cơ chế, chính sách áp dụng BIM cũng như các hướng dẫn, tiêu chuẩn để áp dụng BIM trong hoạt động lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Để nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Xây dựng có kết quả thì cần phải gắn việc áp dụng BIM trong quá trình này. Theo đó, việc áp dụng BIM sẽ góp phần thúc đẩy quá trình áp dụng các thành tựu công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các công việc trong hoạt động xây dựng từ khâu thiết kế đến thi công xây dựng, quản lý khai thác vận hành công trình.

Việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Trong đó, chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10% (trong đó giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%); giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt; giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%; giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.

BIM là quy trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các khâu thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình. Với vai trò là một cơ sở dữ liệu bao trùm toàn vòng đời của công trình, BIM bao hàm các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu, và các đặc tính của các bộ phận công trình. Khả năng kết hợp thông tin các bộ phận công trình với các thông tin về định mức, đơn giá, tiến độ thi công, chế độ vận hành bảo dưỡng... ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của ngành Xây dựng để tối ưu hoá việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Xây dựng)

Hội thảo tham vấn ý kiến về nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (10:45 - 16/11/2023)
Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị (15:33 - 09/11/2023)
Đô thị xanh hướng đến phát triển bền vững (12:28 - 16/09/2023)
Đô thị hóa nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (12:26 - 02/09/2023)
Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông (12:19 - 02/09/2023)