Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
14:13 - 10/12/2021
Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 33, sẽ được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 12/12/2021. Là giải thưởng dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích sinh viên học tập và say mê nghiên cứu khoa học.
Năm nay, giải thưởng có 20 trường trong toàn quốc tham gia, số lượng dự thi theo chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch; Kỹ thuật & Công nghệ xây dựng với 188 đồ án, trong đó có 5 giải Nhất; 13 giải Nhì; 23 giải Ba; 23 giải Khuyến khích.
Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid 19, các trường đều gặp khó khăn trở ngại trong đào tạo. Nhưng với phương thức đổi mới đào tạo thích ứng với điều kiện dịch bệnh, thầy và trò đều cố gắng từ tìm ý tưởng lên mục tiêu bám sát các tiêu chí của cuộc thi đề ra rồi tổng hợp hệ thống kiến thức, áp dụng công nghệ hiện đại có tính sáng tạo, độc lập.
Kết quả nhiều trường có đồ án dự thi đạt cao như: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (37 đồ án), Đại học Xây dựng Hà Nội (34 đồ án), Đại học Kiến trúc TP.HCM (25 đồ án). Tổng số đồ án của các trường đều đoạt (giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích) lần lượt là 17, 13 và 9.
Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt Răng cưa Đà Lạt-Phan Rang
Các đồ án dự thi khối Kỹ thuật & Công nghệ xây dựng, được Hội đồng chuyên ngành (HĐCN) đánh giá, nhiều đồ án thực hiện sự nghiêm túc, công phu trong nghiên cứu tìm tòi đề tài, đảm bảo tính thực tiễn về giải pháp và mang tính khả thi cao. Các đồ án đã áp dụng những tiến bộ về công nghệ khoa học, cập nhật được phần mềm tính toán, quản lý mới.
Các đồ án khối Kiến trúc & Quy hoạch, theo đánh giá của HĐCN, chất lượng được tăng lên so với các năm trước ở các mặt: chọn đề tài, nghiên cứu tạo lập ý tưởng, nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài sự tiến bộ về kỹ năng cập nhật theo khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số của môi trường hội nhập, còn thể hiện một điều rõ ràng là tâm huyết và trí tuệ của người thực hiện.
Với dạng đồ án Công trình công cộng, đó là việc “mở’’ và “gói’’ vấn đề của mỗi sinh viên. Ở các đồ án đoạt giải cao, việc này đã được làm rất tốt. Đồ án thể loại Nhà ở; quy hoạch và thiết kế cảnh quan là một lĩnh vực ở Việt Nam không dễ làm vì tính bất ổn định của dữ liệu đầu vào. Nhưng năm nay đã có những đồ án chọn cách làm rất khéo, để hoàn thành một ý tưởng lãng mạn khổng lồ trong giới hạn đồ án ngắn ngủi.
Đồ án Thập Tam trại - Không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội
Một số đồ án tiêu biểu:
Thiết kế cầu Sông Bồ của SV Đoàn Xuân Hưng (ngành Công trình Giao thông, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - giải Nhất, GVHD TS Lê Bá Danh). Đồ án được đánh giá cao trong HĐCN, là đồ án xuất sắc của ngành đạt được điểm cao về tính tổng hợp, ứng dụng tiến bộ KHKT. Các giải pháp về kết cấu nhịp, móng, trụ, mố, mối nối liên tục nhiệt, biện pháp thi công trên sông đều hợp lý thể hiện hệ thống kiến thức theo mục tiêu đào tạo của sinh viên.
Tổ hợp TMDV chung cư cao tầng PANORAMA Hà Nội của SV Dương Văn Vinh (ngành XDDD&CN, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - giải Nhất, GVHD ThS Lê Thế Anh). Phần tính toán cấu kiện bê tông của đồ án được thực hiện theo tiêu chuẩn EC2, tải trọng - EC1, động đất - EC8. Phần thi công: có đầy đủ các biện pháp về thi công nền móng và thân công trình, kết hợp với tiến độ và tổ chức thi công đã thể hiện kiến thức toàn diện của kỹ sư;
Thập Tam trại - Không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội của SV Vi Thị Minh Nguyệt (ngành Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - giải nhất, GVHD TS.KTS Trần Minh Tùng). Đồ án là góc nhìn đương đại về lịch sử của một vùng đất văn hiến, cảm hứng từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ nhiều làng nghề truyền thống văn đô Thăng Long xưa. Tác giả không tập trung phục dựng lại những hình thức hoạt động trong quá khứ mà chỉ muốn truyền tải một tinh thần xưa qua một không gian đương đại.
Chủ đích của tác giả kéo gần các không gian trong quá khứ vốn rải rác, khu biệt, thành một nơi chốn tập trung - liên hoàn, đưa cả 13 làng và các nghề thủ công vào một không gian văn hóa giải trí đương đại. Nhìn từ tổng thể đến chi tiết, đồ án có được sự sáng tạo và đạt hiệu quả từ việc lựa chọn đề tài, đến việc đề xuất ý tưởng và sử dụng kiến trúc trong vai trò một nghệ thuật sắp đặt không gian.
Tổng mặt bằng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của đồ án được nghiên cứu và chắt lọc từ các không gian truyền thống, có tính logic trong việc lựa chọn bố cục và đường nét. Các thủ pháp trình bày, thể hiện sáng tạo, công phu, tinh tế. Các giải pháp kiến trúc không sa đà vào việc phục dựng hay chi tiết hóa mà chỉ dừng lại ở việc tạo ra những không gian trống để trưng bày giới thiệu các hoạt động, có tính điển hình, khái quát cao, nhưng vẫn có ngôn ngữ và sắc thái riêng, không lệ thuộc vào những hình thức truyền thống.
Đồ án đã có sự thành công nhất định khi làm mới những giá trị truyền thống, trong những không gian đương đại, đề xuất truyền tải nội dung với nhiều hình thức của thời đại như công nghệ số, công nghiệp văn hóa sáng tạo. Nếu có thể tổ chức trong một không gian rộng lớn hơn, đồ án sẽ có thể khai thác được nhiều hơn về bối cảnh, cân bằng giữa không gian cảnh quan với các kiến trúc vật thể.
Trung tâm Thiền định Thiên Cẩm Sơn của SV Vũ Hoàng Vinh (ngành Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM - giải nhất, GVHD THS.KTS Phạm Quang Diệu). Đồ án có khối lượng lớn thể hiện khả năng nghiên cứu sâu và năng lực triển khai của sinh viên. Tác giả đã biết khai thác những dữ liệu và thông tin từ Phật giáo khá sâu sắc qua phân tích, đánh giá, để rồi chọn lọc chuyển hóa thành nội dung, ý tưởng chủ đạo cùng các chi tiết với ngôn ngữ sáng tạo hiện đại.
Các ý tưởng thiết kế là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn về mặt tinh thần và tâm linh với bối cảnh hiện trạng khu vực thiết kế (An Giang). Đồ án tận dụng địa hình và thế đất, tôn trọng tối đa cảnh quan thiên nhiên để khéo léo sắp xếp bố cục các khối công trình. Việc sử dụng các ngôn ngữ kiến trúc cô đọng, tương phản mà hài hoà với thiên nhiên là một giải pháp tinh tế, thể hiện tài năng của sinh viên.
Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt Răng cưa Đà Lạt-Phan Rang của SV Lê Tấn Chung (ngành Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM - giải nhất, GVHD ThS.KTS Hồ Viết Vinh). Phục hồi, tái tạo không gian cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang là một đề tài hấp dẫn, mang tính cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế, với mũi nhọn là phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.
Đồ án tạo nên những dấu ấn nơi chốn, kí ức, cảm xúc đem lại sức hấp dẫn cho môi trường phát triển dịch vụ du lịch, mang tính khả thi. Các giải pháp đề xuất được dựa trên nền tảng phân tích thấu đáo lịch sử phát triển đường sắt Răng cưa Đà Lạt - Phan Rang và tôn trọng những giá trị của môi trường văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, nơi tuyến đường sắt răng cưa được hình thành. Đồ án đã chuyển tải những thông điệp hết sức nhân văn từ ý tưởng đến cách biểu đạt của hệ thống các bản vẽ, sơ đồ minh họa.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Tạp chí bxd)