Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ ngành Xây dựng

18:02 - 23/12/2022

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, đầy đủ, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo chuyển biến tích cực cho ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng.

Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự và chủ trì Hội nghị; Cùng dự còn có Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh; đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các Sở Xây dựng các địa phương trên toàn quốc; TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Ngành Xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực

Thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, ông Đậu Minh Thanh - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp trong Ngành đã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ đã ban hành để triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó có công tác chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất: Bộ Xây dựng đã thực hiện trách nhiệm giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm của ngành Xây dựng như: nhà ở, thị trường bất động sản, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng...

Thứ hai: Bộ Xây dựng xác định hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Bộ Xây dựng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua chính sách, báo cáo và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình và lấy ý kiến Thành viên Chính phủ.

Thứ ba: Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị.

Thứ tư: Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, ban hành văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ… Đến nay, các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực, trong năm 2022 các địa phương đã khởi công được 19 dự án với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.802.932 m2.

Thứ năm: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" bất động sản trong những tháng đầu năm 2022 và sự suy giảm của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022.

Thứ sáu: Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng tăng giá đột biến của các loại vật liệu xây dựng chủ yếu và những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư xây dựng; song song công tác hoàn thiện thể chế, rà soát các quy định pháp luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, Bộ Xây dựng đã chủ động, kịp thời thành lập các tổ công tác, đoàn làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tăng cường hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Bước đầu các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực, một số điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư xây dựng đã từng bước được tháo gỡ. 

Thứ bảy: Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ các quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao, trong đó có Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng theo tiến độ chung.

Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Đề ra mục tiêu năm 2023, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung, cố gắng cao độ để tổ chức thực hiện hiệu quả. 

Trong đó, ngành Xây dựng phấn đấu đạt Tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5% - 7%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42.6%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53.9%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người; Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành Xây dựng. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2023 và các giải pháp ngành Xây dựng sẽ triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chung, trong đó cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; Quyết liệt cao hơn nữa trong công việc; chủ động sáng tạo linh hoạt, đề xuất các giải pháp; Bám sát các nội dung hoạt động của Bộ; Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; Đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ luật kỷ cương, quy chế thực hiện phối hợp; Phối hợp nhịp nhàng công việc giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, các Bộ, ngành, các hội, doanh nghiệp; Quản lý tốt nội bộ cán bộ tăng cường trách nhiệm đạo đức công vụ; Quan tâm công tác xây dựng đảng, đoàn thể, tổ chức sinh hoạt đảng; Tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý các sai phạm; Quan tâm hơn nữa, thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông định hướng giải thích chính sách.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong năm 2023 cần tiếp tục hoàn thể chế pháp luật; Tập trung cho công tác quy hoạch phát triển đô thị; Tăng cường công tác quản lý nhà nước phát triển nhà ở, BĐS, phát triển quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các Sở Xây dựng địa phương, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có tham luận nêu ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong năm 2023.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc đặt hàng các nhiệm vụ khoa học

Cũng tại hội nghị, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có báo cáo với đại biểu các công tác cơ bản của Tổng hội năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh đến đóng góp tích cực của các nhà khoa học vào công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực xây dựng. Các nhà khoa học của Tổng hội đã tham gia nhiều Hội thảo tại Quốc hội nhằm tư vấn, phản biện việc triển khai Luật Quy hoạch, Luật Đất đai (sửa đổi)…

TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

TS. Đặng Việt Dũng cũng nói về khó khăn của công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng – chủ đề chính tại hội thảo “Chuyển đổi số - nền tảng xây dựng đô thị thông minh” mới đây do Tổng hội tổ chức.

Hội thảo đã nêu ra nhiều khó khăn: Khó khăn trong nguồn nhân lực triển khai, khó khăn về thẩm định các dự án, khó khăn về việc trao đổi - hỗ trợ thông tin giữa các địa phương và khó khăn về thiếu quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu dùng chung. Ngoài ra, Chủ tịch Tổng hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng cụ thể hóa chương trình hợp tác, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học với Tổng hội.

 

Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Hội thảo tham vấn ý kiến về nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (10:45 - 16/11/2023)
Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị (15:33 - 09/11/2023)
Đô thị xanh hướng đến phát triển bền vững (12:28 - 16/09/2023)
Đô thị hóa nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (12:26 - 02/09/2023)
Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông (12:19 - 02/09/2023)