Quảng trường Thái Bình: Quần thể kiến trúc độc đáo – niềm tự hào của quê hương “năm tấn”
11:03 - 13/07/2021
Công trình này nằm trong quần thể Quảng trường Thái Bình với những nét thiết kế kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa, tinh tế với các công trình hiện hữu, đã tạo ra một điểm nhấn, tô điểm thêm sắc thái cho bức tranh đô thị của thành phố. Nơi đây, thực sự trở thành điểm đến ấn tượng của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Quảng trường Thái Bình, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Quần thể kiến trúc độc đáo
Nhiều tháng nay, do dịch Covid-19 nên thành phố Thái Bình giống như các địa phương khác đều trở nên vắng vẻ. Ngày dịch chưa bùng phát, Quảng trường Thái Bình cứ mỗi sáng, chiều người dân lại đến đây thăm quan, đưa con cháu ra vui chơi. Ông Hoàng Công Chất - người dân phường Hoàng Diệu tự hào giới thiệu: “Năm 2014, khi dự án được triển khai, người dân chúng tôi rất phấn khởi và đến khi quần thể quảng trường cơ bản hoàn thành với những công trình như Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam; Núi cảnh quan; Đền thờ Bác Hồ… được xây dựng bề thế, kết hợp với cảnh quan, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Sau những giờ lao động, chúng tôi thường xuyên tản bộ, đưa các cháu ra vui chơi, hít thở không khí trong lành ở đây. Đặc biệt, công trình còn mang ý nghĩa sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhiều thế hệ hiểu về lịch sử, cội nguồn dân tộc và cũng là để người dân Thái Bình cùng với nhân dân cả nước được bày tỏ lòng kính yêu với Bác”.
Đền thờ Bác Hồ trên núi cảnh quan, công trình đậm nét kiến trúc mang bản sắc Việt Nam.
Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” (Quảng trường Thái Bình) được xây dựng trên diện tích 28ha tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Trong đó, núi cảnh quan 8,6ha; hạ tầng Quảng trường 19,4ha. Dự án gồm 4 công trình đó là: Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”; đền thờ Bác Hồ; san lấp mặt bằng, đắp núi cảnh quan (giai đoạn 1) khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu và hạ tầng Quảng trường Thái Bình. Trong đó, công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” là điểm nhấn nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình.
Bằng tất cả những đường nét hài hòa và tinh tế, hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu hiện lên như đang căn dặn các thế hệ nông dân về tăng gia sản xuất, đời sống sinh hoạt để xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, ấm no, hạnh phúc. Đáp lại tình cảm của Bác, nhóm tượng gồm các nhân vật đại diện các thế hệ người cao tuổi, trung niên, thanh niên, trẻ em nông thôn Việt Nam chăm chú lắng nghe lời dặn dò, chỉ bảo của Người... Mặt sau các mảng phù điêu là hình ảnh sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, Lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình.
Khu cảnh quan nghệ thuật thuộc Quảng trường Thái Bình.
Là người con của quê hương Thái Bình khi được giao trọng trách giám sát mỹ thuật công trình tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, bằng tất cả chuyên môn và tình cảm của mình nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, thành viên Hội đồng nghệ thuật đã bám sát quá trình thi công. Xác định phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ quê hương giao phó, để góp phần vào thành công của công trình, ông nhận xét: “Đây là công trình tượng đài rất độc đáo về bố cục “Thông thường, các quần thể tượng đài được chia làm 2 lớp rõ ràng. Nhưng Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, được tác giả tìm ra bố cục rất sáng tạo và độc đáo để hòa nhập giữa lớp phù điêu phía sau tượng và các nhóm tượng tròn phía trước. Bên cạnh đó, ở đây còn có sự kết hợp hài hòa giữa quần thể tượng và quy hoạch kiến trúc của Quảng trường Thái Bình. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là công trình được đánh giá đạt chất lượng cao cả về mỹ thuật và kỹ thuật”.
Hoàn thiện các hạng mục cuối cùng theo thiết kế để bàn giao
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt và ý nghĩa chính trị to lớn, giáo dục truyền thống, tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; lưu giữ trường tồn những tình cảm của Bác Hồ dành cho nông dân Thái Bình nói riêng, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung; thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nông dân cả nước đối với Bác Hồ. Bên cạnh đó, công trình công viên sinh thái với rất nhiều cây xanh đóng vai trò quan trọng trong điều hòa, bảo vệ môi trường không khí, hấp thụ khói bụi và các khí thải độc hại, giảm tiếng ồn... Công trình như tô điểm thêm sắc màu tươi tắn cho bức tranh đô thị của thành phố được hoàn hảo hơn; người dân có không gian vui chơi, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao.
Công nhân đang sửa chữa, hoàn thiện hạng mục cuối cùng để bàn giao.
Đến nay, các công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam và Đền thờ Bác Hồ đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; công trình san lấp mặt bằng, đắp núi cảnh quan, giai đoạn 1; khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu; công trình hạ tầng Quảng trường đang kiểm tra, hoàn thiện để chính thức bàn giao đưa vào sử dụng.
Để hoàn thiện đưa các công trình thuộc dự án Quảng trường Thái Bình vào sử dụng theo kế hoạch Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố mặc dù do dịch bệnh Covid-19 có nhiều hạn chế, nhưng vẫn gấp rút phối hợp với đơn vị thi công hoàn thiện hồ sơ, sửa chữa một số tiểu mục công trình đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật theo đúng hồ sơ thiết kế.
Ông Nguyễn Đỗ Chỉnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố cho biết: “Là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án Quảng trường Thái Bình, trong quá trình triển khai, Ban Quản lý đã căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước về xây dựng để hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Quá trình thi công các hạng mục công trình luôn căn cứ yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt làm cơ sở triển khai và kiểm tra.
Khu núi cây xanh rợp bóng mát nằm trong quần thể Quảng trường Thái Bình.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố đang phối hợp với đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa một số tồn tại thuộc công trình hạ tầng Quảng trường bảo đảm đúng thiết kế để đưa vào sử dụng. Đối với công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Ban Quản lý chủ động cùng đơn vị thi công thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình trong quá trình bảo hành, có biện pháp xử lý ngay những hiện tượng phát sinh.
Đối với công trình san lấp mặt bằng, đắp núi cảnh quan (giai đoạn 1) khu công viên sinh thái, đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình cơ quan chuyên môn kiểm tra để chính thức hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Công trình hạ tầng Quảng trường đã được đơn vị thi công cơ bản hoàn thành năm 2017, một số hạng mục thuộc khu vực lễ đài, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... phải chờ công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam xong và các hạng mục phát sinh được triển khai cuối năm 2020. “Trong quá trình thi công công trình, chúng tôi đã thực hiện đúng hồ sơ thiết kế, bảo đảm chất lượng theo quy định và đã được đơn vị chuyên môn xác nhận. Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố hoàn thiện hồ sơ thủ tục, kiểm tra, sửa chữa, khắc phục những tồn tại, để sớm bàn giao đưa vào sử dụng chính thức công trình. Sau khi bàn giao, chúng tôi vẫn có trách nhiệm bảo hành, bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng” - ông Nguyễn Văn Đàm, Chỉ huy trưởng công trường, đơn vị thi công bày tỏ.
Hồ nước trước Quảng trường Thái Bình đang được kiểm tra lại, sau khi nghiệm thu đi vào hoạt động hồ không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn điều hòa không khí làm dịu những cơ nắng gắt giúp thành phố mát mẻ hơn.
Giờ đây, các công trình nằm trong quần thể Quảng trường Thái Bình như Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Đền thờ Bác Hồ đã trở thành điểm đến, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và là niềm tự hào của mỗi người dân Thái Bình, thể hiện tình cảm của nông dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh làm tốt nhiệm vụ quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên công trình để nơi đây thực sự trở thành điểm đến ấn tượng của người dân, du khách trong và ngoài nước mỗi khi về thăm Thái Bình.
Theo Báo Xây dựng
Công trình Nhà Bát Tràng ở Hà Nội giành giải thưởng 'Nhà đô thị của năm' của Dezeen (10:32 - 26/10/2021)
Cận cảnh phong cách 'xứ Đông Dương' cầu Trần Hưng Đạo gần 9.000 tỉ đồng (16:31 - 25/09/2021)
Kiến trúc ấn tượng những cây cầu vượt sông Hồng sắp xây dựng (15:18 - 18/09/2021)
Căn nhà nghỉ độc đáo đặt giữa hồ mang hình dạng một quả tim (16:08 - 11/09/2021)