Tổng hội Xây dựng kiến nghị Thủ tướng nhiều vấn đề về việc Xây dựng đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân
16:54 - 03/03/2022
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Xây dựng đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị nhiều vấn đề, như: Sửa đổi thống nhất quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN đang có mâu thẫn giữa các văn bản luật...; Bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để công nhân các KCN vay mua, thuê mua hoặc xây dựng nhà ở...
Cụ thể, với mục tiêu đảm bảo ổn định đời sống cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm phát triển công nghiệp và kinh tế xã hội bền vững trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng các nội dung, gồm: chính thức hóa khái niệm “Đô thị công nghiệp” trong các văn bản qui phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Xây dựng mô hình “Đô thị công nghiệp” và mô hình chính quyền cho “Đô thị công nghiệp”.
Vào giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân Khu chế xuất Tân Thuận chen chúc nhau ra về. Khu chế xuất này nằm tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM với diện tích 300 ha. Nơi đây có khoảng 100 nhà máy hoạt động với hàng chục nghìn công nhân.
Liên quan đến các văn bản luật, Tổng hội Xây dựng kiến nghị sửa đổi thống nhất quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN đang có mâu thẫn giữa các văn bản luật. Theo Luật Nhà ở năm 2014 (tại Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 56) thì khi quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở trong quy hoạch, nhưng theo Luật Đất đai 2013 (tại Điều 149), Luật Đầu tư 2020 (tại Khoản 9 Điều 77) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (tại Khoản 4 Điều 32) thì việc bố trí quỹ đất này phải thực hiện bên ngoài khu công nghiệp.
Sửa đổi điều chỉnh Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25.11.2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN; Bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê, để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại; Sửa đổi các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân như ưu đãi trong sử dụng đất đai, huy động nguồn vốn, quy hoạch phát triển hạ tầng, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân KCN.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quản lý KCN theo hướng xây dựng KCN phải đồng thời xây dựng đô thị công nghiệp gắn với việc bảo đảm các tiện ích xã hội phục vụ đời sống của công nhân lao động như nhà ở cho công nhân, hệ thống dịch vụ thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Các KCN chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo bố trí quỹ đất phát triển nhà ở và các công trình dịch vụ thiết yếu dành cho công nhân, coi việc đảm bảo nhà ở công nhân là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm tại KCN, đưa chi tiêu phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Về vấn đế kinh phí, Tổng hội Xây dựng kiến nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để công nhân các KCN vay mua, thuê mua hoặc xây dựng nhà ở; Bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 100/2015/ND-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ.
Tổng hội Xây dựng cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát các KCN đã có trên địa bàn, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp, đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Trường hợp diện tích đất công nghiệp không còn, phải chủ động tìm quỹ đất có vị trí gần các KCN quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước và có chế tài đối với các địa phương không hoàn thành mục tiêu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Ngoài ra, cần ban hành các tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở cho công nhân và gia đình công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động.
Cho phép cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nhà ở, nhất là về nhà ở cho công nhân tại các KCN; bổ sung các chuyên mục thông tin về nội dung này trên các trang thông tin điện tử, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về chính sách, về nhà ở của người lao động.
Tổng hội Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao tổ chức này phối hợp với Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hàng năm tiến hành đánh giá, bình chọn các KCN tiêu biểu có mức độ đáp ứng đảm bảo điều kiện sống cho công nhân KCN, góp phần hình thành đô thị công nghiệp phát triển bền vững.
Hội thảo "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân" đã diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia gần 150 đại biểu, gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư cũng như đại diện các bộ ngành, đại diện quản lý các khu công nghiệp địa phương… Ảnh: BTC
Trước đó, ngày 31.12.2021 tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Bộ Xây dựng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, cùng đại diện của các cơ quan: Bộ Xây dựng, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, các Hội nghề nghiệp, các Viện nghiên cứu, các Sở xây dựng, các địa phương, trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc, các doanh nghiệp Quốc tế, các Tổng công ty, các Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.
Hội thảo với 08 báo cáo tham luận trực tiếp, 24 báo cáo đăng trong kỷ yếu và đặc biệt là các ý kiến trao đổi thảo luận sôi nổi với trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu, đã làm rõ thực trạng quá trình phát triển các KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao (KCNC), cụm công nghiệp (CCN) (sau đây gọi chung là KCN) với việc đảm bảo điều kiện sống, làm việc, sinh hoạt cho công nhân.
Các báo cáo tại hội thảo chỉ rõ, tính đến 2.2021, trên địa bàn cả nước có 370 khu công nghiệp (KCN), trong đó 284 KCN đã đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 57,8%, tạo việc làm cho khoảng 7 triệu lao động chiếm khoảng 14% lao động trên toàn quốc, đóng góp 14% GRDP. Tính đến cuối tháng 9.2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2, đạt khoảng 39% mục tiêu đề ra.
Hội thảo đã làm rõ nguyên nhân chính việc thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các KCN; trao đổi về kinh nghiệm đầu tư xây dựng KCN của các nước tiên tiến trên thế giới; trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp đảm bảo nhà ở và các dịch vụ thiết yếu nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định cho công nhân tại các KCN của Việt Nam.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Người đô thị)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)