Xây dựng đô thị ven sông, biển: Cần đồng bộ, không vì lợi ích kinh tế trước mắt
10:39 - 27/06/2022
TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng khi quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sống cần đồng bộ, không vì lợi ích kinh tế trước mắt, không bỏ qua lợi ích cộng đồng.
Quang cảnh của hội thảo.
Ngày 25/6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông tỉnh theo hướng sinh thái và bền vững.
hiều vấn đề đặt ra tại hội thảo được các đại biểu góp ý, bàn bạc như thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven biển, ven sông, xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển của duyên hải miền Trung và Quảng Nam, định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, đề xuất các giải pháp quy hoạch không gian đô thị ven biển, sông…
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết hiện nay đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong nội dung quy hoạch có vấn đề rất quan trọng là quy hoạch phát triển đô thị.
Hội thảo bàn những vấn đề thời cơ, thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp đối với việc quy hoạch, phát triển đô thị tỉnh.
Theo ông, ở khu vực tiếp giáp với TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tỉnh có những đô thị hiện hữu mang tính chất đặc thù. Trong đó đô thị Điện Bàn tiếp giáp với Đà Nẵng, như một không gian mở rộng về phía Nam của đô thị Đà Nẵng, mở rộng về phía Bắc của đô thị Hội An.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có đô thị Hội An, một đô thị di sản văn hóa thế giới đang chịu áp lực đô thị, sức chịu tải của vùng lõi đô thị này vô cùng lớn.
Làm thế nào để duy trì, phát triển, bảo tồn đô thị di sản Hội An nhưng cũng phải giải quyết được những vấn đề cần thiết đối với cư dân phố cổ, cần thiết đối với sự phát triển tất yếu của nơi này?
"Đây là vấn đề cần nghiên cứu, đề xuất, nếu không thì chính sự phát triển du lịch, sự phát triển nội tại của Hội An sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại đô thị di sản" - ông Thanh nêu.
TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Không vì lợi ích kinh tế trước mắt
TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, sự phát triển của đô thị và đô thị biển luôn tạo ra động lực tăng trưởng.
“Đô thị du lịch biển đầu tư phát triển cần quan tâm xác định không gian phát triển hợp lý, không tạo ra sự chồng lấn, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngành kinh tế khác nhau...
Quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho du khách và người dân tiếp cận các dịch vụ du lịch, đảm bảo điều kiện tự nhiên của cảnh quan và trong sạch của môi trường...”, ông Dũng nêu.
Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình phát triển của các đô thị có biển ở một số địa phương hiện nay.
Hiện tượng “phân lô, bán nền” mặt tiền biển xuất phát từ tư duy tập trung cho kinh tế trước mắt. Tư duy “bán lúa non” đã xảy ra ở hầu hết các địa phương hiện đang là tâm điểm của du lịch biển.
“Hậu quả là không gian biển bị phá vỡ bởi hệ thống nhà cao tầng chắn ngang mặt biển, thiếu không gian công cộng cho cộng đồng, quyền sử dụng bãi biển của người dân ngày càng bị thu hẹp”, ông Dũng nêu rõ.
Tiếp đó, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình bất động sản, đặc biệt là sự hình thành của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng “lai ghép” như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch là loại hình kết hợp giữa căn hộ và phòng khách sạn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, cho thuê, một hình thức của nền kinh tế chia sẻ đã vượt qua khỏi các dự báo về dân số, về nhu cầu dịch vụ khi quy hoạch khu vực du lịch ban đầu, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng…
Thiếu sự kết nối với các khu vực khác trên địa bàn. Hệ lụy là bản thân ngành du lịch đã không khai thác được nguồn lợi từ văn hóa bản địa; hiệu quả đầu tư hạ tầng, nhất là phần kết nối không cao do không khai thác được công suất đường dẫn; gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân; và mất cân đối trong quy hoạch sử dụng đất...
Quảng Nam quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững. Ảnh: Trần Minh Trí
Hài hòa lợi ích cộng đồng
Từ đó, ông Dũng cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể, cần tính toán cân đối quy mô phát triển công nghiệp ở phân vùng phía Nam với quy mô phát triển du lịch ở phân vùng phía Bắc đảm bảo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau.
Khu vực phân vùng phía Nam xây dựng đô thị công nghiệp gắn với cảng và khu công nghiệp. Xem xét mở rộng chùm đô thị du lịch biển Hội An – Điện Bàn sang địa bàn Thăng Bình (xã Bình Minh) nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển khu vực này, xây dựng vùng đô thị du lịch lấy Hội An làm hạt nhân...
“Bên cạnh hình thành các phân khu chức năng cho đô thị nói chung, quy hoạch xây dựng đô thị du lịch biển Hội An – Điện Bàn cần có ưu tiên không gian phát triển du lịch, hài hòa lợi ích cộng đồng...
Xác định ngưỡng phát triển du lịch đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ được môi trường, bảo vệ được điều kiện sinh hoạt của người dân địa phương”, ông Dũng đề xuất.
Chung quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển.
Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển hay giao thương quốc tế... Nó có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển.
Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai.
Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, cần thực hiện một số giải pháp như cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo TC SKCĐ)
Cần có chế tài xử lý việc chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch (14:36 - 01/06/2022)
Quốc hội nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Luật Quy hoạch (20:56 - 30/05/2022)
Quy hoạch TPHCM phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế (11:24 - 27/05/2022)
Dự kiến quý III/2023 trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (11:13 - 27/05/2022)