Đô thị hóa nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
12:26 - 02/09/2023
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn có vai trò, ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng đường lối cho quá trình phát triển đô thị và nông thôn, đảm bảo tính ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp.
Ngày 31/8, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc - Bộ Xây dựng chủ trì Hội thảo. Dự hội thảo có TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện một số Bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế…
Báo cáo tại Hội thảo cho biết, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng tổ chức lập là một trong 39 quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Toàn cảnh hội thảo.
Trên cơ sở Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24/02/2020, Bộ Xây dựng đã giao Cục Phát triển đô thị là cơ quan lập quy hoạch; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia được lựa chọn là tổ chức tư vấn lập quy hoạch.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến góp ý của các địa phương, Bộ, ngành, hội, hiệp hội và các chuyên gia vào tháng 12/2022 và tháng 4/2023. Cơ quan lập quy hoạch và tổ chức tư vấn đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã trình Hội đồng thẩm định tại Tờ trình số 33/TTr-BXD ngày 26/7/2023 về việc thẩm định Quy hoạch.
Ngày 14/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan làm thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng về một số nội dung thẩm định đối với dự thảo Quy hoạch.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (ngồi thứ ba từ trái qua phải) và KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (ngồi thứ hai từ trái qua phải) tham dự hội thảo.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng đường lối cho quá trình phát triển đô thị và nông thôn đảm bảo tính ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp; sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, đất đai hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch được phê duyệt sẽ là một trong các công cụ quản lý quan trọng của ngành Xây dựng; hướng tới hình thành tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn trên toàn quốc phát triển có trọng tâm, trọng điểm; có mối quan hệ hữu cơ, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng; phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế; tăng cường mối liên kết đô thị - nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ quốc phòng an ninh phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước.
Thông qua Hội thảo, để làm sâu sắc thêm các nội dung của Quy hoạch, hỗ trợ cơ quan thường trực, Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan có thêm các cơ sở để đánh giá đầy đủ, khách quan, bảo đảm tính khả thi đối với Quy hoạch.
Từ đề nghị của Ban tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung:
Đặc điểm phân bố, sử dụng không gian của hệ thống đô thị, hệ thống dân cư nông thôn (phân bố dân cư, lao động, đất đai, hạ tầng đô thị...); không gian kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị: nhận dạng xu hướng đô thị hoá giai đoạn 2010-2020, các thuận lợi, khó khăn và vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch thời kỳ này.
Đề xuất về dự báo, xu thế phát triển, kịch bản phát triển tại được nêu tại dự thảo Quy hoạch; sự phù hợp với các định hướng của Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 và mục tiêu Quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sự tương thích, đồng bộ của các dự báo, đề xuất phát triển với các quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, lĩnh vực và khả năng, tính khả thi trong bối cảnh thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các chiến lược (đột phá) trọng tâm và định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; giải pháp liên kết phát triển giữa các đô thị, giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Chú trọng đến định hướng phát triển các “vùng đô thị lớn”; mạng lưới đô thị trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; mạng lưới đô thị chuyên ngành quốc gia; vùng nông thôn có mức độ đô thị hóa cao là những vấn đề mới cần quy hoạch và quản lý từ cấp Trung ương đến cấp địa phương trong thời kỳ 2021-2030.
Các đề xuất định hướng hạ tầng đô thị, nông thôn; phương án khai thác sử dụng và bố trí đất cho phát triển hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích; liên kết vùng và liên kết ngành.
Quan điểm về xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư và luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án quan trọng của ngành về phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
BTV
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: ‘Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là nơi hợp tác của các doanh nghiệp xây dựng’ (11:16 - 05/10/2024)
TS. Đặng Việt Dũng đề xuất với Thủ tướng nhiều giải pháp trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia (16:53 - 03/10/2024)
Công bố thông tin chính thức về VIETNAM CONSTRUCTION AWARDS 2024 (17:44 - 25/09/2024)
Hai nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam được tôn vinh trí thức KHCN tiêu biểu 2024 (16:56 - 28/08/2024)