Đô thị mới Hòa Vang - Tầm nhìn và thách thức
16:07 - 31/05/2024
Sáng nay 31/5/2024 tại Hội trường Huyện ủy Hòa Vang đã diễn ra buổi hội thảo khoa học: “ Đô thị mới Hòa Vang – Tầm nhìn và thách thức” Do Ban Đô thị - HĐND; UBND huyện Hòa Vang và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng đồng tổ chức. Về tham dự buổi hội thảo hôm nay có, Đại diện lãnh đạo Viện Quy hoạch Kiến trúc – Bộ Xây dựng; Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng; Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng; Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam; TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Sư Việt Nam. Cùng các chuyên gia là GS, PGS, TS. KTS trong các lĩnh vực Quy hoạch, kiến trúc, Xây dựng, Giao thông Thủy lợi; Kinh tế đô thị; môi trường.
Về phía địa phương có Ông Nguyễn Thành Tiến, Thành ủy viên, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP. Đà Nẵng; Ông Tô Văn Hùng, Thành ủy viên - Bí thư Huyện uỷ Hòa Vang; Ông Phan Văn Tôn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang. Đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, các Viện, các trường Đại học, các Hội Quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhà doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng.
Huyện Hòa Vang là khu vực đất liền phía Tây của thành phố Đà Nẵng, là khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng, với địa hình và điều kiện tự nhiên phong phú, là khu vực tập trung nhiều khu chức năng của thành phố Đà Nẵng.Cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ; nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái; đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả khả quan; Hiện trạng Hòa Vang còn nhiều dư địa để phát triển đô thị và mở rộng không gian thành phố về phía Tây theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 và các định hướng lớn tại quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Hòa Vang được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/7/2021, về xây dựng và phát triển huyện Hoà Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng, trong đó xác định Hòa Vang sớm đạt các tiêu chuẩn, điều kiện để hình thành đô thị.
Hội thảo đã tiếp nhận 30 bài tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý dưới nhiều góc nhìn khoa học khác nhau, nhưng cũng đều có điểm chung là đóng góp ý kiến để Hòa Vang sớm hình thành đô thị. Ban tổ chức đã biên tập thành kỷ yếu của Hội thảo được đọc giả đánh giá là có chất lượng cao. Các tham luận thể hiện được sự tâm huyết và lòng mến yêu về vùng đất Hòa Vang, về thành phố Đà Nẵng; Nội dung của bài viết đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, hàm lượng khoa học chuyên sâu về đô thị, phát triển kinh tế, xã hội và tính bền vững cho Hòa Vang. Nhiều đề xuất mô hình đô thị, giải pháp hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách cho đô thị Hòa Vang. Đồng thời cũng quan tâm nhiều đến vai trò, tính chất và sự kết nối giữa đô thị Hòa Vang với khu vực Trung tâm thành phố.
Tuy thời gian còn hạn chế nhưng Hội thảo đã lắng nghe được 08 bài tham luận với 03 Chuyên đề chính về Mô hình phát triển đô thị, về khả năng thích ứng của hạ tầng và kết hợp phát triển kinh tế, xã hội cho Hòa Vang, trong đó có những vấn đề được chuyên gia thảo luận, phân tích khá sôi nổi, thẳng thắng, đánh giá thực chất hiện trạng, nhận diện được các khó khăn, tồn tại của Hòa Vang hiện nay. Đồng thời cũng chỉ ra được nhiều cơ hội, các thách thức mà Hòa Vang sẽ đón nhận và đối diện; Nhiều nội dung tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, có ý nghĩa vận dụng, áp dụng cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực thực hiện… rất cần được tiếp thu, nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn.
Tại Chuyên đề 1: Những mô hình phát triển đô thị mới Hòa Vang.
Kết quả thảo luận có nhiều mô hình được đề xuất:
*Thứ nhất: Mô hình Thị xã Hòa Vang – Đô thị loại IV
Hầu như các nghiên cứu đều tiếp cận trên nền tảng định hướng phát triển đô thị Hòa Vang theo hướng là Thị xã - Đô thị loại IV. Mô hình này sẽ tiệm cận với các tiêu chí về nông thôn mới mà Hòa Vang đang có được và tiếp tục phấn đấu lên đô thị. Theo đó đã bổ sung một số giải pháp cho mô hình này:
Một số ý kiến cho rằng: Để Hòa Vang trở thành thị xã, trong thời gian đến cần tập trung phát triển toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội phù hợp với định hướng chính trị và quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng; Phải có lộ trình, giải pháp và cần hài hòa giữa xây dựng đô thị và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Có ý kiến: Để Hòa Vang phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu sâu hơn về tổ chức kiến trúc cảnh quan, nhận diện những bất cập từ thực tiễn, từ bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước, trên cơ sở những dự báo tác động đối với mọi mặt của xã hội, có những bước đi thận trọng hơn, giải pháp nghiên cứu cần toàn diện hơn, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và hướng đến sự cân bằng sinh thái đô thị trong tương lai.
Thứ hai: Mô hình đô thị vệ tinh – Thành phố trong Thành phố:
- Nhiều ý kiến cho rằng, Hòa Vang đang là vùng dư địa thuận lợi về phát triển đô thị. Nền hiện trạng là quỹ đất nông nghiệp, thuận lợi trong công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư; thuận lợi áp dụng các tiêu chí vượt trội về đô thị để phát triển đồng bộ hạ tầng, thu hút dân cư và như vậy việc hình thành đô thị cấp độ cao hơn như: Đô thị loại III là hoàn toàn có nhiều điểm thuận lợi; Một số Mô hình:Thành phố trong Thành phố như thành phố Thủ Đức của Việt Nam; hay nhiều thành phố mới trên thế giới như: Thẩm Quyến, Phật Sơn, Đông Quản, Thiên Tân... của Trung Quốc; hay các thành phố: Jeju, Gwangju, Daejeon của Hàn Quốc... là các mô hình tham khảo tốt. Khi đó, Hòa Vang sẽ có nhiều cơ hội trong phát triển và sẽ đóng vai trò vệ tinh cho khu trung tâm của TP Đà Nẵng.
Có chuyên gia cho rằng: Hòa Vang là một điểm nút quan trọng trong chuỗi đô thị phía Tây, Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng gắn kết với các địa phương lân cận và hệ thống đô thị khu vực trọng điểm miền Trung. Hòa Vang cần được đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, Một số mô hình khác:
- Một số đề xuất cần phải nghiên cứu, xác định tỷ lệ hợp lý giữa quy mô diện tích khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang nhằm hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai. Việc phát triển đô thị gắn liền với đảm bảo chức năng là vùng đệm an toàn cho thành phố, hài hòa giữa phát triển đô thị và bảo vệ giá trị truyền thống nông thôn, giá trị bền vững, sinh thái trong sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.
- Nhiều ý tưởng mong muốn Hòa Vang sẽ là Đô thị có đầy sức hấp dẫn để thu hút dân số mới và kéo giãn dân số tại khu vực trung tâm thành phố vốn dĩ đang quá tải về mật độ và hạ tầng đô thị.
- Phát triển đô thị sinh thái kết hợp du lịch cũng được quan tâm đề xuất. Theo đó, Hòa Vang có nhiều tài nguyên du lịch để phát triển hình thức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn, nhà vườn vốn đang trở thành xu hướng mới hiện nay và khả năng kết nối trở thành một điểm đến trong tour du lịch thành phố Đà Nẵng.
Hòa Vang có vị trí giao thương thuận lợi, có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics, kho bãi, các dịch vụ vận tải, trung chuyển hàng hóa của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Do đó, cần xây dựng các giải pháp phát triển đô thị kịp thời để đưa Hòa Vang trở thành đô thị phù hợp trong tương lai.
Nhìn chung, các mô hình đều phân tích các ưu điểm, nhược điểm và các giải pháp khả thi để thực hiện. Là những nội dung có giá trị tiếp thu để nghiên cứu vận dụng cao.
Tại Chuyên đề 2: Phát triển đô thị mới Hòa Vang – Thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng có xu hướng cực đoan, mạnh mẽ. Hòa Vang là vùng “cửa ngõ” iếp nhận các hành lang thoát lũ, có thực trạng là vùng “tụ thủy” lớn của thành phố. Để phát triển đô thị Hòa Vang một cách bền vững và thích ứng với BĐKH đang diễn biến phức tạp,qua các nghiên cứu và thảo luận của Hội thảo đã nhận diện các điểm yếu, tồn tại và nhấn mạnh một số lưu ý, giải pháp về hạ tầng đô thị cho Hòa Vang như sau:
Một số nghiên cứu đã nhận diện được các nguyên nhân chính gây lũ lụt, đánh giá thực trạng quy hoạch đô thị gắn với tần suất ngập lụt; có ý kiến cho rằng Hòa Vang là khu vực yếu thế, chịu nhiều tác động bởi thiên tai, bão lũ, sạt lỡ đất, dòng chảy mùa lũ xu hướng tăng lên, một số thời điểm đạt lũ đặc biệt lớn, nguy cơ gây vỡ hồ đập làm ngập hạ lưu, thay đổi của thảm phủ rừng và phương thức khai thác rừng còn nhiều hạn chế; Các nghiên cứu cũng đã đề xuất các nhóm giải pháp ứng phó với: Mưa lớn, ngập lụt; Lũ quét, sạt lỡ đất đá; sạt lỡ bờ sông; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và cókhuyến nghị cụ thể cho Đô thị Hòa Vang.
Có nghiên cứu quan tâm nhiều về vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH, đã đánh giá khách quan các kết quả đạt được của Hòa Vang trong quá trình xây dựng nông thôn mới hướng tới các tiêu chí về đô thị; Đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là việc kiểm soát rác thải sinh hoạt, khai thác tài nguyên thiên nhiên và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, cần tiếp thu, ghi nhận.
Tại Chuyên đề 3: Kết hợp khai thác du lịch sinh thái trong đô thị.
Nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế tự nhiên vốn riêng có của Hòa Vang như hệ sinh thái núi đồi, sông suối xen lẫn đồng bằng, nhiều nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kết hợp khai thác du lịch sinh thái phù hợp cho Đô thị Hòa Vang:
Khi Hòa Vang trở thành Đô thị sinh thái, với việc sở hữu nhiều di sản văn hóa đa dạng, thì việc kết hợp khai thác du lịch cùng quá trình đô thị hóa tại Hòa Vang là rất khả thi và hiệu quả.
Một số nghiên cứu cho rằng Hòa Vang là địa phương giàu tài nguyên du lịch, với hệ sinh thái đa dạng, hệ văn hóa bản địa phong phú. Trong quá trình đô thị hóa, Hòa Vang cần thiết xác lập đầy đủ các khu chức năng về du lịch trên địa bàn kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để hấp dẫn du khách và tạo không gian mới cho ngành du lịch thành phố.
Có Nhóm tác giả còn đề xuất mô hình du lịch cộng đồng gắn với ứng dụng công nghệ số cho Hòa Vang với nhiều giải pháp sáng tạo.
Nhìn chung, các nghiên cứu, các phát biểu tại Hội thảo đều tập trung đánh giá, phân tích chuyên môn về thực trạng, các điều kiện, tiềm năng, cơ hội của Hòa Vang và đề xuất nhiều giải pháp, nguồn lực để hướng đến hình thành đô thị mới Hòa Vang trong thời gian sớm nhất (và hầu hết đều mong muốn trước năm 2030).
Kết quả Hội thảo cũng đã phác họa được bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội đầu tư phát triển tại Hòa Vang trong thời gian đến.
Một số khuyến nghị: Hội thảo đã thống nhất một số khuyến nghị quan trọng để thành phố tham khảo như sau:
I. Một số vấn đề chung:
(1) - Đối với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030: Cần rà soát và điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất đối với Hòa Vang theo hướng sớm đưa đất dự trữ, đất nông nghiệp vào sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, để mở rộng không gian phát triển đô thị trước năm 2030.
(2) - Giữa đô thị mới Hòa Vang và trung tâm thành phố Đà Nẵng nên hình thành một vùng đệm xanh, phù hợp nhằm tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho Hòa Vang, mặt khác nhằm hạn chế việc phát triển đô thị trung tâm theo dạng “phình to” làm suy giảm hạ tầng; Tăng cường tính kết nối thông minh giữa Đô thị vệ tinh Hòa Vang với Trung tâm thành phố, đảm bảo tính tiện ích và hiện đại.
(3) - Hiện nay, thành phố đang tích cực trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng với nhiều nội dung đột phá. Các chính sách này rất phù hợp, cần áp dụng mạnh mẽ tại Hòa Vang.
II.Khuyến nghị đối với thành phố:
(1) -Từ phương châm: “Phát triển đô thị là động lực phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội” mà trong những năm trước đây đã rất thành công với Đà Nẵng, Lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo tổng rà soát các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất; nghiên cứu các tiêu chí nâng cao về đô thị, để làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển Hòa Vang đúng định hướng, đúng quy hoạch và quy định pháp luật; Mô hình phát triển các khu đô thị mới tại Hòa Vang cần hướng đến mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, các tiêu chí về đô thị cần vượt trội, nhất là các tiêu chí về môi trường về cây xanh, tiện nghi đô thị và hạ tầng xã hội.
(2) - Để Hòa Vang sớm hình thành đô thị, không chỉ riêng chính quyền và nhân dân Hòa Vang vào cuộc, mà phải huy động toàn hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc, theo đó: Các Sở, ban, nghành thành phố cần tích cực hỗ trợ về thủ tục, chuẩn bị kỹ thuật, bố trí nguồn lực, chuyên môn,... để tập trung thực hiện, trong đó cần sớm lập quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên vượt trội, các chính sách thu hút đầu tư và môi trường phát triển đô thị thuận lợi cho Hòa Vang nhằm sớm đạt các tiêu chí cơ bản.
III. Về nhiệm vụ Hòa Vang:
Lộ trình để nâng cấp Hòa Vang lên đô thị không còn nhiều thời gian. Chính quyền và nhân dân Hòa Vang cần khẩn trương một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) - Công tác chuẩn bị các điều kiện, rà soát các quy hoạch cấp trên và xây dựng các tiêu chí để phát triển đô thị cần tranh thủ nhiều sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tham vấn chuyên gia. Việc xây dựng các tiêu chí phát triển đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần linh hoạt và nên có cơ chế đặc thù.
(2) - Ngay từ bây giờ, chính quyền huyện Hòa Vang cần có quy chế, cơ chế quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng; Hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ các lô đất, thửa đất theo mô hình “nhà ống” với hệ thống hạ tầng thấp kém; Khu vực Lõi trung tâm Hòa Vang cần chấm dứt ngay việc đầu tư, phát triển các dự án chia lô đất nền, nhà liền kề, mà phải hướng đến mô hình đô thị nén, phương thức ở cao tầng; Khu vực nông thôn, khu vực còn lại của Hòa Vang cần kiểm soát phát triển, giữ gìn hình thái không gian truyền thống, xác định khu vực sản xuất phù hợp và quản lý tốt các khu chức năng du lịch, các làng nghề trên địa bàn.
(3) - Hòa Vang cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong công tác ĐBGT đã được áp dụng trước đây như: Chủ trương “Bốn tại chỗ”; “Nhà nước và nhân dân cùng làm”…; Công tác tái định cư cần phải chủ động, làm tiền đề, cơ sở để đẩy nhanh tiến độ các dự án,
Cửu Loan
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)