Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM

18:12 - 19/03/2024

Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM về các nội dung góp ý xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị mà Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo và yêu cầu Tổng hội Xây dựng khảo sát, tổng hợp và báo cáo góp ý.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam và lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM.

Sáng 18/3, tại TP HCM, đã diễn ra buổi làm việc giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM.

Về Phía Tổng hội Xây dựng Việt Nam có TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch, Trưởng đoàn công tác và các thành viên. Phía Sở Quy hoạch Kiến trúc có ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Sở.

Tại buổi làm việc, TS. Đặng Việt Dũng thông tin: Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Xây dựng về chuẩn bị nội dung xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định bất cập, vướng mắc ở 10 địa phương (trong đó có TP HCM).

Nội dung của Đoàn công tác tập trung vào các nội dung như: Phân loại đô thị (mô hình thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên trong cả nước); Mối quan hệ của Sở Kế hoạch Kiến trúc với UBND thành phố Thủ Đức; Định hướng phát triển đô thị nông thôn đến 2050; Đề án đưa 1 số quận, huyện lên thành phố trực thuộc; Mô hình xây dựng thành phố thông minh, thành phố tăng trưởng xanh; Vai trò của các đô thị vệ tinh, liên kết vùng; Triển khai Nghị quyết 98 trong việc xây dựng mô hình giao thông công cộng, thay đổi chỉ tiêu mật độ xây dựng, kiến trúc; Cơ chế kiểm soát quy hoạch của 3 cấp (chung, phân khu, chi tiết); Kiểm soát các khu vực phát triển dân cư ven đô, dân cư trong khu công nghiệp; Công tác chuyên môn, nhân sự, cơ cấu của Sở; Chương trình phát triển đô thị …

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM thông tin tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM cho biết: Hiện nay, chức năng và nhiệm vụ giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP. Thủ Đức vẫn chưa phân biệt độc lập được, TP. Thủ Đức vẫn gánh vác những chức năng đô thị của TP.HCM. Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục có những thành phố tương tự như TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, mô hình các thành phố sau này sẽ không thể giống như Thủ Đức, ví dụ như Bình Chánh diện tích nông nghiệp còn bạt ngàn, nhiều nông dân, trước mắt chưa đủ chỉ tiêu để lên được quận. Đồ án quy hoạch chung TP HCM sẽ xây dựng mô hình “đô thị đa trung tâm” chứ không phải chức năng “đô thị vệ tinh”. Ví dụ như, ngoài  TP Trung tâm, còn có TP phía Đông (TP Thủ Đức), TP phía Nam (huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ), TP Tây Bắc (quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) và TP Tây Nam (huyện Bình Chánh và một phần Bình Tân). Tuy nhiên, các ý kiến vẫn còn tranh luận, chưa đi đến thống nhất.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện toàn Thành phố có gần 600 đồ án quy hoạch phân khu. Riêng TP Thủ Đức có 131 phân khu nhưng thời gian tới sẽ đưa xuống còn hơn 30 phân khu, mục tiêu là tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều quy chuẩn của Bộ Xây dựng là áp dụng cho cả nước (ví dụ: diện trường mẫu giáo có phải 6.000m2)… lại không phù hợp với nội thành TP HCM, cần phải sửa đổi, điều chỉnh.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM cùng các thành viên đoàn chụp hình lưu niệm.

Về quản lý đô thị, dân cư ở vùng ven đô, trong khu công nghiệp hoặc ven kênh rạch hiện nay rất khó, vì số liệu thống kê không chính xác, thường xuyên biến động. Như quận Bình Tân có tới 600.000 người nhập cư, hạ tầng địa phương phải gánh. Theo đồ án quy hoạch chung, Thành phố đang giãn chức năng đô thị ra ngoài (như đưa trường học, bệnh viện ra ngoại ô…) để người dân không phải di chuyển nhiều vào nội đô.

Việc đánh giá mật độ cây xanh cũng đang có nhiều bất cập, tức là theo Luật hiện nay chỉ tính cây xanh trồng trong khu công cộng (công viên), còn các mảng xanh – không gian xanh ở vùng nông dân, dự án chưa triển khai (mà ở TP HCM rất lớn) lại không được tính vào mật độ cây xanh/đầu người.

 

Luật hiện nay đang quy định là phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, cấp dưới phải phù hợp với cấp trên. Tuy nhiên, chữ “phù hợp” cũng đang đa nghĩa, có nhiều cách hiểu khác nhau. Cần làm rõ cái gì quy định “cứng”, cái gì “linh hoạt”.

Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tham mưu cho Thành phố xây dựng tiêu chí phát triển riêng cho Thủ Đức là vùng nhạy cảm với môi trước nước, nguy cơ ngập lụt, thẩm thấu nước nên các công trình xây dựng chỉ được phép xây hầm dưới 80% diện tích, còn 20% để khoảng không cho nước mưa có thể thẩm thấu được… Hoặc, các dự án phát triển văn phòng, phải dành có 5% văn phòng giá rẻ (tương tự như nhà ở xã hội); Hướng dẫn thiết kế riêng cho bờ sông (cho các công trình nhạy cảm với môi trường nước, vùng đất dễ lún, ngập nước)…

Đại diện lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng cho biết thêm, tỷ lệ đô thị hóa tại Thành phố đang chậm lại, chất lượng cũng có vấn đề. Khi xây dựng Luật cần linh hoạt (lâu nay khá cứng nhắc, làm cho các địa phương lúng túng, nhất là các thành phố đô thị), cần tăng tính chủ động, tận dụng cơ chế thị trường ở đô thị phát triển.

Các đô thị nên thành lập tổ chức đầu tư công, đầu tư phi lợi nhuận hoặc có lợi nhuận (ví dụ như mô hình: Becamex ở Bình Dương, Tín Nghĩa ở Đồng Nai)… Hiện, TP. HCM đang bị động, đầu tư xong phải chờ doanh nghiệp. Thời gian tới, Luật có thể sử dụng giải pháp hiện đại hơn để các khu đô thị tham gia thi đua với nhau như: khởi nghiệp, sáng tạo, thu hút nhân tài. Cần xây dựng “ranh” phát triển đô thị (được nhà nước đầu tư công, ưu đãi), khi đã phủ đầy mới cấp “ranh” mới để không có dự án đô thị đầu tư, “đầu cơ” rồi “phơi nắng, phơi mưu”. Cần nâng cao vai trò của HĐND trong phát triển, quản lý và giám sát. Hiện có những quy hoạch phân khu để cả chục năm chưa điều chỉnh, vẫn phải chờ quy hoạch chung. Hiện nay, quy hoạch phân khu chỉ giới hạn trong “ranh” quận, huyện dẫn đến manh mún, không xuyên suốt, xé lẻ…

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, làm báo cáo góp ý gửi Bộ Xây dựng và Tổng hội Xây dựng Việt Nam về đề án xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm khi Luật đưa vào cuộc sống sẽ sát thực tế, giải quyết được những vấn đề cấp bách, đang vướng mắc hiện nay.

TS. Đặng Việt Dũng cho biết, sau buổi làm việc, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo góp ý gửi Bộ Xây dựng về đề án xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị.

Lê Phong

Sở Xây dựng Hà Nội hưởng ứng Vietnam Construction Awards 2024 (15:26 - 17/04/2024)
Khai mạc triển lãm Quốc tế Contech Vietnam và EL Vietnam 2024 (15:06 - 17/04/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Từ thực tế quản lý của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đến dự thảo luật Quy hoạch đô thị. (14:50 - 17/04/2024)
Góp ý về Dự án Luật Quy hoạch Đô thị và Quy hoạch Nông thôn tại Quốc hội (11:17 - 16/04/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (17:15 - 15/04/2024)