Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Xây dựng TP HCM
18:22 - 19/03/2024
Chiều 18/3, Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam có buổi làm việc với Ban lãnh đạo, đại diện các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Xây dựng TP HCM về nội dung góp ý xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và kinh nghiệm quản lý xây dựng, đô thị của TP HCM.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Sở Xây dựng TP HCM.
Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam có TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội, Trưởng đoàn và các thành viên. Phía Sở Xây dựng TP HCM có ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở; ông Lê Trần Kiên - Phó giám đốc Sở và các trưởng, phó phòng chuyên môn của Sở Xây dựng.
Tại buổi làm việc, TS. Đặng Việt Dũng nêu các nội dung làm việc như: Vai trò, mỗi quan hệ giữa Sở Xây dựng và TP. Thủ Đức; Phân cấp, phát triển hạ tầng; Mô hình đưa quận, huyện lên “thành phố đa trung tâm” và đề xuất mô hình trong tương lại; Phân loại đô thị, tỷ lệ cây xanh, chiếu sáng; xây dựng Chương trình phát triển đô thị…
Đại diện phía Sở Xây dựng cho biết, hiện TP.HCM đang “nợ” chương trình phát triển đô thị vì phải đợi quy hoạch chung Thành phố. Đầu tháng tháng 3 vừa rồi, TP. Thủ Đức thành lập thanh tra xây dựng và Sở Xây dựng đang lập lại quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng với TP. Thủ Đức.
Về Chương trình phát triển đô thị, do quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố vẫn chưa được phê duyệt nên Sở Xây dựng chỉ mới cập nhật thông tin, số liệu liên quan thực trạng phát triển hệ thống đô thị vào dự thảo Chương trình, còn thiếu các nội dung về chỉ tiêu, định hướng.
Hiện, UBND TP. Thủ Đức đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của Bộ Xây dựng theo Công văn số 3891/BXD-QHKT ngày 28/8/2023 dự kiến hoàn thiện hồ sơ Đồ án quy hoạch, trình Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thẩm định vào Quý 1/2024.
Về chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị, từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã hoàn thành dự án chiếu sáng mỹ thuật Tòa nhà Kho bạc Nhà nước TP.HCM, dự án chiếu sáng kiến trúc các công trình bảo tồn: Cột cờ Thủ Ngữ, Cầu Móng, Nhà thiếu nhi Thành phố, Chợ Bến Thành, Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Từ tháng 11/2023, Sở Xây dựng đã cải tạo được 1.047 tủ điều khiển kết nối trung tâm; Hạ tầng đường dây cấp điện chiếu sáng đô thi: 36.323m…
Trong tháng 11/2023, tổng số cây xanh được trồng mới, cải tạo là 10.147/6.000 cây xanh, diện tích mảng xanh tăng thêm 13,6ha, diện tích công viên tăng thêm 3,22ha. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã phát triển được 24,92ha/150ha công viên công cộng, tương ứng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị đạt 0,57m2/người (đạt 17% kế hoạch); đã phát triển được 29,6ha/10ha mảng xanh công cộng (đạt 296%), đã trồng mới và cải tạo 26.132 cây xanh công cộng (đạt 87%).
Về nước sạch, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ thất thu thất thoát nước sạch là 14,13% và đang duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch.
Về đề án chống ngập và xử lý nước thải, từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã giải quyết được 5/18 điểm ngập do mưa – đạt 27,78% (các tuyến đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát, Nguyễn Hữu Cảnh).
Về Chương trình di dời nhà trên sông và ven kênh rạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố đặt ta chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn, tập trung thực hiện 02 nhóm ưu tiên thuộc 17 dự án, gồm: 03 dự án thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị; 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016-2020. Kết quả, tính đến hết Quý III/2023 đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn.
Nhóm dự án xã hội hóa, giai đoạn 2021- 2025, Thành dự kiến mời gọi nhà đầu tư đối với 07 tuyến kênh rạch, tổng quy mô di dời dự kiến 9.138 căn.
Việc đưa các huyện lên quận thì phải đánh giá theo tiêu chí đô thị đặc biệt nên sẽ khó đạt, do đó trước mắt sẽ lên thành phố (đô thị loại 3).
Hiện, Thành phố đang triển khai 02 dự án chỉnh trang đô thị là: Bình Quới (Thanh Đa, quận Bình Thạnh), dự án triển khai 30 năm nhưng vẫn còn vướng về quy hoạch, đấu thầu tìm chủ đầu tư;
Khu Mả Lạng nằm ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi, Trần Đình Xu. Trước năm 1975, nơi đây là nghĩa địa, sau đó trở thành nơi quay trở về sống của những người đi kinh tế mới. Năm 2000, TPHCM chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng. Tuy nhiên sau đó dự án này đã treo đến nay là 18 năm. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế huy động vốn, vẫn phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Ngoài ra, TP.HCM còn có chương trình di dời nhà ở trên kênh rạch (khoảng 50.000 hộ). Trong 20 năm qua, TP. đã thực hiện di dời, tái định cư cho 30.000 hộ dân, còn khoảng 20.000 hộ nữa. Tới thời điểm này, số lượng dân cư tập trung quá đông, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đầu tư công, việc xã hội hóa thì không khả thi.
Sở Xây dựng cũng cho biết, về lĩnh vực mật độ cây xanh đang tính theo Quy chuẩn 01 của Bộ Xây dựng thì cây xanh trong công viên công cộng mới được tính, còn mảng không gian xanh ko được tính nên TP.HCM có tỷ lệ thấp. TP.HCM hiện có khoảng 560ha công viên nhưng lại chưa có quy định về đầu tư, xây dựng công viên.
Phát triển nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Xây dựng, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác định đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức… do đó, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Hiện chưa có thông tư hướng dẫn việc xác định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ hầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xât dựng nhà ở xã hội, cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.
Trong quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung, công tác quy hoạch và bố trí đất xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân chưa gắn liền với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như trung tâm sinh hoạt công nhân, trung tâm y tế, khu thương mại, nhà giữ trẻ…
Còn đối với dự án không có quỹ đất nhà ở xã hội, doanh nghiệp nộp tiền vào ngân sách, nhưng sau không tách ra được để đầu tư nhà ở xã hội. Ngoài ra, khi đầu tư nhà ở xã hội, ngân hàng buộc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nhưng nhà ở xã hội lại không thể thế chấp được…
Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam ghi nhận các ý kiến góp ý của lãnh đạo Sở và phòng, ban chuyên môn của Sở Xây dựng và sẽ tập hợp, làm báo cáo gửi Bộ Xây dựng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với thực tiễn địa phương.
Lê Phong
Thông báo kế hoạch tổ chức Vietnam Construction Awards 2025 và Diễn đàn Triển vọng ngành Xây dựng Việt Nam (lần 2) (15:31 - 16/01/2025)
Hội thảo “Công nghệ thi công cầu bản bê tông cường độ cao trên cọc BRC cho đường cao tốc” (15:38 - 14/01/2025)
Tạp chí Người Xây dựng tặng quà Tết cho đồng bào nghèo tại Lào Cai (11:17 - 13/01/2025)
Danh sách cấp chứng chỉ đợt 5 năm 2024 (10:24 - 12/01/2025)