Dự thảo Đề án Phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng giai đoạn 2022 - 2030

10:26 - 30/09/2021

Ngày 29/9/2021, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến cho dự thảo Đề án Phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng giai đoạn 2022 – 2030, theo hình thức trực tuyến. Hội thảo tổ chức dưới sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB).

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Xây dựng một số địa phương, các đơn vị tư vấn thuộc Bộ, các tổ chức tư vấn về công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng và chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế.

Hiện nay, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng ngày càng được các quốc gia trên thế giới chú trọng, đặt ở vị trí ưu tiên trong các chiến lược xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nếu như công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã được xây dựng từ lâu trên thế giới, song tại Việt Nam, loại công trình này nhìn chung còn khá mới mẻ, cần sự chung tay hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội, người dân.

Công trình xanh (Green Buildings), theo định nghĩa của Hội đồng công trình xanh thế giới, là tòa nhà, trong quá trình thiết kế, xây dựng hoặc vận hành, làm giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực và có thể tạo ra các tác động tích cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên. Công trình xanh bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Hệ thống tiêu chí công trình xanh bao gồm: Hiệu quả năng lượng; hiệu quả tài nguyên vật liệu xây dựng; hiệu quả tài nguyên nước; chất lượng môi trường không khí trong nhà; môi trường sinh thái tự nhiên xung quanh; quản lý vận hành.

Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức xây dựng hệ thống tiêu chí, công cụ đánh giá và chứng nhận công trình xanh như: LEED (Hoa Kỳ), Green Star (Úc), Casbee (Nhật bản), Green Mark (Singapore), GBI (Malaysia)…

Trong khi đó, công trình hiệu quả năng lượng là công trình xây dựng được đánh giá và chứng nhận về hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về đánh giá, chứng nhận hiệu quả năng lượng tòa nhà, gồm: ISO 17741:2016 (Đo lường, tính toán, thẩm định hiệu quả năng lượng); ISO 50001:2017 (Đánh giá hiệu quả năng lượng tòa nhà. Quy trình ISO 50003:2017 (Đánh giá hiệu quả năng lượng tòa nhà. Yêu cầu, xếp hạng, chứng nhận).

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Hòa - Cố vấn cao cấp Dự án EECB cho biết, mục tiêu của Đề án là hoàn thiện cơ chế chính sách, hình thành và phát triển thị trường công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong xây dựng và vận hành các công trình nhà ở, tòa nhà văn phòng của các cơ quan Nhà nước, văn phòng cho thuê, tòa nhà thương mại và dịch vụ, khách sạn và các công trình công cộng khác.

Dự thảo Đề án nêu lên những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bao gồm: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, các cơ chế huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Chương trình phát triển, chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Nghiên cứu, sản xuất và áp dụng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng; Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ xây dựng Công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng đề cập các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thiết kế, thẩm định thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu trong lĩnh vực xây dựng và vận hành tòa nhà; Xây dựng quy trình, nội dung và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả của Đề án;

Cùng với việc phân chia các mốc thời gian thực hiện, dự thảo Đề án cũng nêu lên những nội dung về kinh phí và nguồn vốn, tổ chức thực hiện.

Tham dự hội thảo, đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng Bình Định các chuyên gia, đại biểu khách mời đánh giá cao chất lượng dự thảo Đề án, đồng thời nhấn mạnh dự thảo Đề án đã nêu bật được các nhiệm vụ và giải pháp cần thiết nhằm đưa công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng vào cuộc sống.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Đề án, ThS. Nguyễn Sơn Lâm, đại diện Viện Khoa học công nghệ và xây dựng góp ý, dự thảo Đề án nên đưa ra thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; bổ sung phụ lục, trong đó nêu cụ thể đơn vị thực hiện, tiến độ, nguồn lực và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

Nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án, PGS.TS. Phạm Thúy Loan - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, dự thảo Đề án cần bổ sung quy định bắt buộc công khai mức tiêu thu năng lượng của các công trình, từ đó đánh giá chính xác mức độ tiêu thụ năng lượng của các công trình, làm cơ sở để xây dựng các giải pháp phù hợp trong quản lý, tiết kiệm năng lượng, đồng thời chú trọng phát triển dự án, chương trình thí điểm về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.


Toàn cảnh hội thảo.

Đại diện IFC cũng như đại diện GIZ cho biết thêm, Việt Nam cần chú trọng xây dựng khung pháp lý về công trình xanh; xanh hóa các công trình đầu tư công và có các hoạt động biểu dương, tổ chức các giải thưởng về công trình xanh. Đề án cần đề ra các chỉ tiêu số lượng, tỷ lệ m2 sàn xây dựng được cấp chứng nhận công trình xanh, cụ thể hóa lộ trình thực hiện; làm rõ hơn cơ chế tài chính, nguồn lực thực hiện Đề án.

Kết luận hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cảm ơn các chuyên gia, đại biểu khách mời đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng giai đoạn 2022 – 2030.

Ông Thịnh cho biết: Ban Tổ chức hội thảo sẽ xem xét, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao chất lượng dự thảo Đề án, đồng thời sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn rộng rãi ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo Xây dựng

Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
4 đô thị được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 (10:54 - 15/12/2021)
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam: Quan điểm và những nhiệm vụ trọng tâm (11:40 - 24/09/2021)
Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đại dịch và định hướng tương lai (14:21 - 09/09/2021)
Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Giải bài toán lợi ích (10:10 - 08/09/2021)