Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp

08:59 - 10/10/2022

Báo cáo này sẽ trao đổi, thảo luận và làm rõ thêm một số nội dung cơ bản trong phạm vi các hồ chứa trong dự án WB8: một số vấn đề về lập bản đồ ngập lụt,  tổ chức bộ máy thực hiện EPP, các tình huống khẩn cấp, các cấp báo động…

I.             ĐẶT VẤN ĐỀ

      Dự án Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập (WB8) nhằm nâng cao an toàn kết cấu của chính bản thân đập và hồ chứa, cùng với yêu cầu an toàn trong vận hành để bảo vệ người dân có nguy cơ rủi ro và cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở hạ du.

      Theo số liệu thống kê thì dự án WB8  có 447 hồ đập (đập đầu mối hầu hết là đập đất), trong đó có 118 hồ đập đã và đang được lập kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp (EPP).

      Đã có một số tài liệu dùng để tham khảo lập EPP, tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị tư vấn chưa bám sát nội dung tài liệu hướng dẫn cũng như chưa hiểu rõ một số nội dung lập EPP. Vì vậy trong báo cáo này sẽ trao đổi, thảo luận và làm rõ thêm một số nội dung cơ bản trong phạm vi các hồ chứa trong dự án WB8: một số vấn đề về lập bản đồ ngập lụt,  tổ chức bộ máy thực hiện EPP, các tình huống khẩn cấp, các cấp báo động…Từ đó lấy làm cơ sở để xây dựng tài liệu hướng dẫn lập EPP để các đơn vị tư vấn thuận tiện cho việc áp dụng.

II.         MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG VIỆC XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGẬP LỤT

      Hiện nay các đơn vị tư vấn đang sử dụng TCKT03:2015 (Công trình thủy lợi – Hướng dẫn xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa nước trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập) để xây dựng bản đồ ngập lụt. Nội dung hướng dẫn tương đối chi tiết, tuy nhiên một số đơn vị tư vấn vẫn chưa bám sát nội dung của Tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó cũng có nội dung chưa được tiêu chuẩn làm rõ.

      Cụ thể một số vấn đề sau:

- Điều 5 (Kịch bản lập bản đồ ngập lụt ứng với các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập) đã có lưu ý: “Đối với hồ có đập phụ không có cùng khu vực hạ du với đập chính, cần tính toán bài toán thủy lực và lập bản đồ ngập lụt riêng cho các khu vực hạ du của đập phụ”. Tuy nhiên nhiều đơn vị tư vấn chưa chú ý đến vấn đề này khi đề cập đến tình huống vỡ đập phụ (mới tính cho kịch bản vỡ đập chính)

- Điểm 11.4.12 của điều 11: “Khi lập bảng kê cần có các thông số: số nhà /hộ dân, số dân bị ảnh hưởng theo độ sâu ngập của từng thôn, xã, huyện…; đơn vị: nhà và tài sản trong nhà (kê nhà cấp 4 trở lên): cái; hộ dân: hộ; số dân: người

      Có nhiều ý kiến của đơn vị tư vấn nêu là không cần thiết lập đến cấp thôn, Tuy nhiên việc lập bảng kê càng chi tiết thì thì sẽ thuận tiện cho việc sơ tán khi các tình huống khẩn cấp xảy ra, vấn đề là cần kinh phí để điều tra thực hiện là hoàn toàn có thể thực hiện được.

- Phụ lục A.11 “Trên một con sông có hai hay nhiều hồ/đập (hệ thống đập bậc thang), nếu khi một/nhiều đập ở thượng lưu bị vỡ có thể gây ảnh hưởng xấu hoặc gây vỡ đập ở hạ du thì cần phải đánh giá để xác định các ảnh hưởng tổng thể khi có hai/nhiều đập vỡ trên cùng một tuyến sông. Đối với các trường hợp vỡ đập trong điều kiện thời tiết bình thường, khả năng vỡ của đập thượng lưu cần được xem xét đến khả năng gây ra vỡ của đập hạ du trong cùng điều kiện. Đường quá trình lưu lượng do vỡ đập thượng lưu cần được tính truyền xuống hạ lưu theo quá trình diễn toán dòng chảy đến hồ hạ lưu”

      Nhiều đơn vị tư vấn chỉ quan tâm đến hồ đang lập hồ sơ EPP, không đề cập đến ảnh hưởng như phụ lục A.11 đã nêu.  Khi tính các kịch bản xả lũ hoặc vỡ đập hồ dưới thì các hồ trên ảnh hưởng như thế nào? Cần phải xem xét kỹ vấn đề này.

-  Một số điểm cần lưu ý khác

+ Đối với những hồ chứa có lũ của sông ảnh hưởng vùng hạ du thì TCKT03 : 2015 chưa được đề cập rõ ràng

+ Cần phải xét đến các mối liên quan đối với các hồ có chung vùng ảnh hưởng hạ du (ví dụ việc xả lũ các hồ có chung lưu vực…)

III.      PHÂN TÍCH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LẬP EPP

Lập EPP có rất nhiều nội dung (như mục II đã nêu về bố cục thuyết minh EPP). Trong báo cáo này tác giả chỉ tập trung một số vấn đề mà các đơn vị tư vấn còn chưa thống nhất, thực hiện còn mang tính chung chung (các hồ khác nhau nhưng nội dung vẫn giống nhau), cụ thể như đã nêu trong phần đặt vấn đề: tổ chức bộ máy thực hiện EPP, các tình huống khẩn cấp, các cấp báo động.

EPP là bản kế hoạch khung làm cơ sở cho cơ quan phòng chống lụt bão địa phương chỉ đạo chủ đập, các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị liên quan và nhân dân ở khu vực hạ du thực hiện công tác chuẩn bị sẵn sàng về các mặt tổ chức, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất và biện pháp tiến hành nhằm:  (1) Chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện, đối phó với các trình huống khẩn cấp xảy ra tại hồ chứa;  (2) Thực hiện các hành động kịp thời để ngăn chặn, đi đến triệt tiêu các sự cố tại công trình và các hoạt động ở khu vực hạ du để hạn chế tối đa tác hại khi sự cố xẩy ra.

4.1. Tổ chức bộ máy thực hiện EPP

1) Ban điều hành EPP

Nhiều hồ sơ lập EPP, các đơn vị tư vấn đều đưa ra tổ chức bộ máy thực hiện EPP giống nhau, trong khi phạm vi ảnh hưởng phía hạ du của các hồ chứa lại khác nhau. Vì vậy khi lập EPP thì cần căn cứ vào quy mô hồ và phạm vi ảnh hưởng, các quy định hiện hành về phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), cơ cấu bộ máy tổ chức thực hiện tại địa phương để đưa ra tổ chức bộ máy thực hiện EPP. Cụ thể: tại khoản 3, điều 44 của luật Phòng chống Thiên tai năm 2013 quy định: “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban”. Vì vậy, việc chỉ huy thực hiện EPP nên để Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN địa phương đảm nhận.

Tại điều 5, NĐ 114-2018 (thẩm quyền phê duyệt ứng phó thiên tai vùng hạ du đập) đã nêu rõ: Hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn 1 xã thì UBND xã phê duyệt;  Hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn 2 xã trong 1 huyện thì UBND huyện phê duyệ; Hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn 1 tỉnh (thuộc 2 huyện trở lên) thì UBND tỉnh phê duyệt; liên quan đến 2 tỉnh thì lấy ý kiến của tỉnh có liên quan

      Như vậy với các hồ có khu vực ảnh hưởng thuộc phạm vi một số huyện, thị xã hoặc thành phố trong 1 tỉnh thì Trưởng ban điều hành EPP là Trưởng ban PCTT-TKCN của tỉnh; các hồ chỉ có phạm vi ảnh hưởng trong 1 huyện thì do Trưởng ban PCTT-TKCN huyện, thị làm Trưởng ban...Tổ chức bộ máy thực hiện EPP cũng có thể được lồng ghép trong tổ chức phòng chống thiên tai địa phương. Việc này đơn vị tư vấn lập EPP cần tham vấn, xin ý kiến địa phương (có biên bản kèm theo) để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì vậy cần nêu rõ căn cứ pháp lý, kết quả tham vấn các cấp chính quyền địa phương và đơn vị quản lý hồ

2) Danh sách những đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện EPP

      Đây là những đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện EPP. Thông thường có thể xem xét các cơ quan, đơn vị sau đây chịu trách nhiệm thực hiện EPP (tùy theo quy mô và phạm vi ảnh hưởng của đập).

      Thông thường danh sách gồm các đơn vị: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN địa phương (tỉnh hoặc huyện tùy phạm vi ảnh hưởng); Sở NN&PTNT; Doanh nghiệp quản lý, khai thác đập (chủ đập); Các cấp chính quyền huyện, xã; Trung tâm (trạm) khí tượng, Thủy văn; Các ban ngành các cấp ở hạ lưu (điện lực, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, vv…); Các cấp chỉ huy quân sự tỉnh, (huyện, xã); Bộ đội biên phòng và các đơn vị bộ đội chủ lực đóng trong địa bàn (nếu có); Công an các cấp; Các cơ quan truyền thông; Các cơ quan y tế, bệnh viện; Một (hoặc một số) công ty xây lắp, cung ứng vật tư đóng gần đập cần huy động để cứu hộ đập trong trường hợp khẩn cấp…

3) Danh sách người nắm giữ EPP:  bao gồm thành viên Ban Điều hành EPP và thủ trưởng các đơn vị tham gia thực hiện EPP.

4.2. Phát hiện, đánh giá và phân mức độ nguy hiểm

1) Tình huống khẩn cấp:

      Tình huống (hay trường hợp, tình trạng) khẩn cấp (nguy hiểm) là một sự kiện bất thường xảy ra trên hồ chứa hoặc trên một hay một vài hạng mục công trình đầu mối có nguy cơ đe dọa an toàn công trình, dẫn đến nguy cơ vỡ đập; hoặc trường hợp xả lũ lớn bất thường có khả năng gây ngập lụt, tác động xấu đến khu vực hạ du. Để có kế hoạch chuẩn bị và ứng phó, EPP cần:

- Dự kiến tất cả các tình huống nguy hiểm có thể xẩy ra đối với đập và khu vực hạ du của hồ chứa đang nghiên cứu,

- Trong mỗi tình huống nguy hiểm, dựa trên xu thế phát triển từ thấp đến cao để phân thành các mức độ nguy hiểm khác nhau, từ đó đưa ra các biện pháp đối phó, khắc phục, đồng thời tiến hành các biện phòng tránh cho khu vực ảnh hưởng ở hạ du. Đây là một cơ sở để khi tình huống nguy hiểm xẩy ra, ban điều hành EPP và chủ đập đối chiếu với tình hình thực tế, phân tích, nhận định tình hình và xu thế phát triển để đánh giá nguy hiểm của tình huống đang xảy ra và đưa ra mức báo động phù hợp.

2) Cách xác định tình huống khẩn cấp:

  1. Căn cứ đưa ra tình huống khẩn cấp:

- Đơn vị tư vấn lập EPP cần căn cứ vào đặc điểm công trình và khu vực hạ du mà dự báo được tất cả các tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra với hồ đập                  

- Thảo luận với chủ đập (người hiểu biết công trình) để dự kiến các tình huống cho phù hợp.

  1. Các tình huống khẩn cấp:

- Trường hợp xả lũ lớn (đập không vỡ): Đó là trường hợp lũ trên hồ rất lớn, tràn phải xả tối đa, hoặc vì một lý do nào đó phải xả nhanh mực nước hồ.

+ Thường thì tình huống này xảy ra là tình huống xả lũ vượt thiết kế (theo điểm 10, điều 2 của NĐ 114/2018/NĐ-CP)

+ Tuy nhiên cũng cần xem xét mức độ ngập lụt phía hạ du, cụ thể trường hợp ngay cả khi lũ chưa phải lũ vượt thiết kế, mặc dù Q lũ nhỏ nhưng kết hợp với mưa ở hạ du dẫn đến ngập lụt, phải sơ tán khu dân cư thì có thuộc tính huống khẩn cấp hay không? Vấn đề này phải dựa vào kết quả tính toán bản đồ ngập lụt ứng với kịch bản có xét đến mưa để đưa ra quyết định.

- Trường hợp có nguy cơ vỡ đập (trường hợp vỡ đập) có các tình huống sau:

+ Thấm tập trung (qua thân hoặc nền hoặc vai đập, qua mang hoặc nền cống, thấm qua các vết nứt ngang hoặc các mạch rò rỉ tiềm tàng trong thân đập vv…) gây sụt lún dẫn đến nguy cơ vỡ đập.

+ Đập chịu tác động gián tiếp (lũ rất lớn hoặc tràn bị kẹt cửa van, xuất hiện sạt lở bờ hồ khối lớn, kênh thượng lưu tràn bị lấp, vv…) làm cho mực nước hồ dâng cao xuất hiện nguy cơ nước tràn qua đỉnh đập gây vỡ đập

      Lưu ý: Tình huống này đơn vị tư vấn cần phải xem xét tràn có cửa van hay không, có kênh dẫn thượng lưu tràn hay không mới đưa sự cố “kẹt cửa van”, “kênh thượng lưu tràn bị lấp”…vì thực tế có nhiều hồ không là tràn tự do nhưng đơn vị tư vấn vấn đưa sự cố kẹt cửa van.

+ Đập chịu tác động trực tiếp (sạt mái, nứt, sụt lún, bị phá hoại, động đất...) làm mặt đập bị biến dạng, đỉnh đập hạ thấp, nước tràn qua dẫn đến nguy cơ vỡ đập…

      Đối với những hồ chứa có đập phụ thì khi xác định THKC cũng phải kể đến trường hợp đập phụ bị vỡ (đối với hồ có đập phụ không có cùng khu vực hạ du với đập chính)

  1. Phân loại khẩn cấp:

 - Nguyên tắc phân loại khẩn cấp:

 + Sau khi xác định được các THKC, cần đánh giá và phân mức độ nguy hiểm cho từng tình huống. Dựa trên xu thế phát triển từ thấp đến cao để phân thành các mức độ nguy hiểm khác nhau;

+ Mỗi THKC được phân thành 4 cấp độ nguy hiểm: báo động cấp 1 (BĐ1), báo động cấp 2 (BĐ2), báo động cấp 3 (BĐ3), báo động cấp 4 (BĐ4) (Theo Sổ tay an toàn đập 2012)

+ Khi lập EPP, các đơn vị tư vấn cần đưa ra tiêu chí phân loại khẩn cấp và cần thảo luận với chủ đập để phân cấp mức độ nguy hiểm

- Lưu ý khi phân loại khẩn cấp:

 + Nhiều đơn vị tư vấn khi phân loại khẩn cấp (các cấp báo động) chưa đề cập đến mức độ ngập lụt ở hạ du.

+ Mục đích của việc phân cấp báo động là để đưa ra cơ chế, sơ đồ thông báo, kế hoạch sơ tán cho phù hợp, trong đó cấp 4 là cấp cần sơ tán dân để tránh thiệt hại do ngập.

      Như vậy khi phân cấp báo động, ngoài việc mô tả các diễn biến sự cố đầu mối thì cần phải căn cứ vào kết quả tính toán lập bản đồ ngập lụt, tốc độ truyền lũ, lưu lượng xả lũ, mức ngập tại một vị trí nào đó trong vùng ngập hạ du theo diễn biến từ thấp đến cao của biến cố để phân cấp nguy hiểm cho từng tình huống

- Trường hợp xả lũ lớn: Theo điểm 10, điều 2 của NĐ 114/2018/NĐ-CP thường thì tình huống này xảy ra là tình huống xả lũ vượt thiết kế, tuy nhiên tùy từng trường hợp cụ thể mà phân cấp BĐ cho phù hợp:

+ Cần lấy MN hạ lưu (tại một điểm cố định nào đó làm đại diện) làm tiêu chí cho BĐ4. Đó là trị số MN sắp sửa làm ngập khu dân cư (nhà dân), theo kết quả lập BĐ ngập lụt.

+ Các cấp BĐ 1, 2 và 3 nên lấy MN hồ làm tiêu chí cho đơn giản, tuy nhiên lưu ý MN hồ ở cấp BĐ3 phải luôn nhỏ hơn NM hồ tương ứng với MN hạ lưu ứng với BĐ4 (cũng cần trao đổi, phải tham vấn)

- Trường hợp có nguy cơ vỡ đập:

+ BĐ1: khi sự cố ở đầu mối xuất hiện;

+ BĐ4: bắt buộc phát lệnh báo động 4 khi bắt đầu vỡ đập hoặc khi MN hạ lưu theo tính toán bắt đầu ngập khu dân cư (đưa cả hai tiêu chí để chọn tiêu chí nào xuất hiện trước).

+ BĐ 2 và 3 tùy theo diễn biến sự cố, mực nước hồ và mực nước hạ du để xác định (cũng cần trao đổi, phải tham vấn)

Lưu ý: khi lập bản đồ ngập lụt cần lập mốc cảnh báo ở hạ du để biết mức độ ngập lụt phía hạ du (mốc có đánh dấu cao độ)

IV.       KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1) Kết luận

- Để lập hồ sơ kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp (EPP) cho hồ chứa có nhiều nội dung.

- Trong phạm vi báo cáo này tác giả chỉ tập trung một số vấn đề về lập bản đồ ngập lụt, các vấn đề về tổ chức bộ máy thực hiện EPP; tình huống khẩn cấp và phân loại khẩn cấp (Đây cũng là các nội dung mà nhiều đơn vị tư vấn khi lập EPP còn vướng, chưa thống nhất).

- Đơn vị tư vấn lập EPP cần căn cứ vào điều kiện cụ thể từng hồ (quy mô, phạm vi ảnh hưởng), căn cứ cơ cấu tổ chức bộ máy PCTT-TKCN cụ thể của địa phương, tham vấn chính quyền địa phương và đơn vị quản lý hồ chứa để xác định cho phù hợp trên cơ sở phân tích các nội dung ở trên.

2) Kiến nghị

  1. Hiện đã có một số tài liệu hướng dẫn lập EPP:

- Hướng dẫn về kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp cho dự án VWRAP (2007)

- Sổ tay an toàn đập 2012 (Chương 10: kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp)

- TCCS 06:2015/TCTL: Công trình thủy lợi – Hướng dẫn lập kế hoạch sẵn sàng, ứng phó trong tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập

- Tài liệu hướng dẫn Lập kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp các hồ chứa thuộc dự án WB8 do CPO phát hành 2019…

      Tuy nhiên khi áp dụng các tài liệu hướng dẫn này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần trao đổi. Vì vậy cần biên soạn một tài liệu hướng dẫn cụ thể hơn, thuận tiện cho các đơn vị tư vấn.

  1. Một số kiến nghị khác:

- Trong dự án WB8 có nhiều hồ ảnh hưởng hạ du không lớn, ví dụ có hồ chỉ 1 hộ dân bị ngập (hồ Ia Năng – Gia Lai), 3 hộ dân (hồ Kon Tu Zop – Kon Tum) nhưng vẫn lập EPP (thành lập ban điều hành EPP, lập kế hoạch sơ tán…).

- Vì vậy các đơn vị quản lý nhà nước cần có quy định mức độ ảnh hưởng phía hạ du bao nhiêu thì cần lập EPP, tránh lãng phí, tốn kém.

- Sau khi hồ sơ lập phương án EPP được phê duyệt thì cần có qui trách nhiệm các địa phương về việc lưu trữ, phát hành tài liệu EPP.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Ban Quảng lý Trung Ương các dự án. Hướng dẫn lập kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp (EPP) các hồ chứa thuộc dự án WB8
  • Quốc Hội (2013). Luật phòng, chống thiên tai. Luật số: 33/2013/QH13
  • Chính phủ (2018). Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Số 114/2018/NĐ-CP
  • Ban Quảng lý Trung Ương các dự án Thủy lợi (2012). Sổ tay an toàn đập.
  • Các phụ lục và Thuyết minh, tính toán lập EPP hồ Ia Năng, hồ Kon Tu Zop.

PGS.TS. Lê Xuân Khâm

B môn Thy công – Khoa Công trình – Trường Đại hc Thy li

Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 (09:40 - 01/11/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
4 đô thị được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 (10:54 - 15/12/2021)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)