Góp ý về Dự án Luật Quy hoạch Đô thị và Quy hoạch Nông thôn tại Quốc hội

11:17 - 16/04/2024

Chiều 15/4, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn. TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học được mời đến dự và đóng góp ý kiến.

Toàn cảnh phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Quốc hội.

Chủ trì phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành; cùng đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo Luật có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Đại diện các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số địa phương và chuyên gia, nhà khoa học.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Luật Xây dựng năm 2014. Trong đó, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành đã được thực tế chứng minh không còn phù hợp, qua đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn trình bày dự án Luật.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 Điều, quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật) và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật đã có những quy định nhằm tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới theo hướng: phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị; trước khi phê duyệt cần có ý kiến thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh; bổ sung chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với một số cơ quan nhà nước như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp…; phân cấp về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh…

Tại dự thảo Luật cũng quy định rút gọn trình tự lập quy hoạch theo hướng không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã); không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng).

Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm soát, giám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Về tên gọi của dự án Luật, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Ngày 09/4/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 133/TTr-CP về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

 Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho ý kiến về tên gọi của dự án Luật.

Các đại biểu cho rằng việc xác định tên gọi của dự án Luật là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn” hay “Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn” không ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật cũng như định hướng gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn, nhưng cần cân nhắc để bảo đảm sự thống nhất với nội dung dự án Luật cũng như các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính khoa học, tính hợp lý, khả thi của việc quy định thời hạn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn khác với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; mối quan hệ, tính thứ bậc giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đóng góp ý kiến cho dự án Luật.

Phát biểu đóng góp ý kiến, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra những điểm bất cập, chồng lấn giữa các luật và Dự án luật, đồng thời cho rằng điều này cần phải được xem xét kỹ.

Theo người đứng đầu Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong khi Luật Quy hoạch 2017 quy định phân cấp hành chính lãnh thổ thì dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vừa theo hành chính lại có phần kỹ thuật, chuyên ngành.

So sánh giữa 2 luật lại có các quan điểm khác nhau. Chúng tôi đề xuất là sẽ phân hẳn ra quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuyên ngành…”, TS. Đặng Việt Dũng nêu ý kiến.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến tâm huyết trách nhiệm của các đại biểu tại Phiên họp. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban soạn thảo dự án Luật để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Quốc Hùng

Đô thị Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Nền tảng cho sự phát triển bền vững (11:18 - 11/11/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (11:56 - 07/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị (16:49 - 05/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong Quý III năm 2024 (10:50 - 23/10/2024)
Đại Hội Xây dựng tỉnh Đồng Nai lần thứ VI: Ông Đinh Ngọc Thuận được bầu làm Chủ tịch (16:44 - 11/10/2024)