Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị rà soát pháp lý quy hoạch khu đồi Dinh, Đà Lạt

16:14 - 06/12/2021

Cần cân nhắc kỹ lưỡng khu vực đồi Dinh để chọn giải pháp chuẩn mực, hướng tới giữ được diện tích khoảng xanh và làm thế nào để ký ức không bị vỡ vụn. “Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn”, công văn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa có công văn số 173 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh, thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hoà Bình, thành phố Đà Lạt. Theo đó, Hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần có sự nghiên cứu rà soát lại thật thận trọng, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý để quyết định giải pháp hợp lý nhất.

Góp ý trực tiếp cho 3 phương án kiến trúc tại đồi Dinh, trong đó có phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết đã có văn bản số 86 ngày 15.9.2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng (đề nghị không xây công trình khách sạn trên đồi Dinh - PV).

Trong hồ sơ của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Hội kèm công văn số 7689 ngày 27.10.2021, về việc góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hoà Bình, các phương án vẫn như Hội đã có văn bản. Vì vậy, Hội chưa đủ cơ sở nghiên cứu để tham gia ý kiến mới.

Theo phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn, Dinh Tỉnh trưởng sẽ nâng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đưa ra là 7.675 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đồi Dinh là 751 tỷ đồng

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung số 704 ngày 12.5.2014. Đặc biệt là tinh thần thể hiện tại các điều I, mục 6, mục 8.

Ngoài ra, Quyết định số 229 ngày 12.2.2019 về phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hoà Bình có nội dung tại mục 3, 3.1, Phân khu III là chưa phù hợp. Vì việc lập và phê duyệt quy hoạch này yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ Luật Di sản văn hoá hiện hành.

Dinh Tỉnh trưởng và khu đồi Dinh thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hoá bảo tồn theo Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo quy định, công trình chỉ có thể chuyển đổi trạng thái sau khi đã có quyết định thay đổi mới của chính cấp đã phê duyệt xếp loại.

“Tiến trình lập quy hoạch – kiến trúc không gian khu vực này cần rà lại thủ tục chọn đấu thầu hay thi tuyển theo luật định. Vì ngoài quy định quy mô và mức kinh phí tư vấn, tính chất đặc biệt về yêu cầu kiến trúc tại đây đã được đặt ra từ đầu, trong quyết định phê duyệt các cấp về quy hoạch cho khu vực”, công văn của Hội đề nghị.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ: “Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm Hòa Bình cần rà soát lại trước khi thực hiện, nhất là việc di dời Rạp Hòa Bình, Dinh Tỉnh trưởng và khu vực xung quanh; phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đảm bảo theo quy định..."

Đới với công trình khách sạn đồi Dinh, nếu thực hiện, Hội cho rằng cần một quy trình chuẩn các bước theo Luật Xây dựng và Luật Kiến trúc hiện hành, dù phương thức tuyển chọn hay thi tuyển. Với quy mô, tính chất và đặc biệt là tầm quan trọng về đóng góp không gian cho khu vực đặc biệt của đô thị Đà Lạt, thì phương án thi tuyển bài bản là một hướng đi phù hợp để tuân thủ đúng pháp lý và chuyên môn. Cuộc thi nên gắn kết cùng quy hoạch kiến trúc chung khu vực Hoà Bình thành một hệ thống nghiên cứu.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Dinh Tỉnh trưởng tuy là một công trình về mặt kiến trúc không có đặc sắc, cũng không tiêu biểu cho Kiến trúc xưa Đà Lạt; về mặt lịch sử cũng chưa phải là di tích nằm trong tiêu chí di tích lịch sử văn hoá theo Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, về mặt giá trị lịch sử tồn tại, tinh thần nơi chốn thì đã mang một ý nghĩa hiện hữu không thể phủ nhận. Do đó việc ứng xử tiếp theo cần bài bản thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy trình pháp lý.

“Khu vực đồi Dinh càng có vị trí đặc biệt, đây là đỉnh đồi cao nhất ở trung tâm thành phố, đó cũng là nơi hội tụ nhiều yếu tố đắc địa. Vì vậy mà khi quyết định xây dựng Đà Lạt thành một đô thị, người Pháp đã chọn đỉnh đồi này để đặt “trụ sở cai quản”. Màu xanh và hình dáng “đồi Dinh” đã đóng vai là một viên ngọc quý giá, kiến tạo không gian đặc sắc.

Dù giờ đang dường như bị lãng quên trong sự trở mình vươn tới của đô thị, do một thời gian quá dài không được quan hữu. Việc đánh thức cần cân nhắc kỹ lưỡng để chọn giải pháp chuẩn mực, hướng tới giữ được diện tích khoảng xanh và làm thế nào để ký ức không bị vỡ vụn. Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt, nơi hệ thống di sản đã trở thành linh hồn nơi chốn”, công văn của Hội bày tỏ.

 

Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh

Với riêng phương án kỳ vọng của tỉnh Lâm Đồng, về khía cạnh chuyên môn, Hội cho rằng cần cân nhắc xem xét: Việc định đưa một công trình xưa không hội tụ tiêu biểu về mặt phát triển lịch sử - kinh tế - chính trị - xã hội – văn hoá lên cao như “một đền thờ tôn vinh” tại ngay trung tâm đô thị là khó thoả đáng.

Chưa nói, việc đó không đúng pháp lý về cách ứng xử công trình định bảo tồn, lại tốn kém, lãng phí đầu tư nếu muốn giữ nguyên bản. Ngọn đồi nhân tạo mới, dạng ruộng bậc thang cũng là một hình ảnh chưa mang tính bản địa sâu xa ở vùng đất. Không dễ giữ cho hồn cốt đô thị khu vực được nguyên lãng, an nhiên.

“Cùng sự tải gánh quy mô cao rộng, đồ sộ như nhiệm vụ đặt ra cho đồ án đồi Dinh có phải là quá sức? Làm khó cho các nhà chuyên môn kỹ thuật xây dựng kiến trúc? cũng là một yếu tố cần có mặt trong nhìn lại và suy ngẫm để đưa đến giải pháp. Nên chăng, nghiên cứu thêm tính khả thi, khai thác hài hoà, tính đến yếu tố ngầm hoá, nhất là các không gian lớn như hội nghị, quán ăn… kết hợp với chiều cao có thể dung nạp, không tranh chấp với công trình hiện hữu (khi cần giữ lại) với cách chọn phương án phân tán hoặc biến ảo phản chiếu”, công văn của Hội cho biết.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc giữ gìn truyền thống, kết hợp với phát huy làm mới đối với mỗi đô thị là vấn đề sống còn nếu muốn phát triển.

“Truyền thống xây dựng kiến tạo nơi cư trú và hoạt động của ông cha ta, đời sau xếp lớp lên đời trước ở những vùng linh kiệt là lẽ thường. Tuy nhiên, khi tiến hành từng vị trí, khu vực cụ thể cần có một bài toán cân bằng nhiều thông số giải quyết thoả đáng, phù hợp nguyện vọng nhân dân, đáp ứng hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là phải hướng tới tăng trưởng giàu mạnh và bền vững”, văn bản của Hội bày tỏ.

 

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, về mặt giá trị lịch sử tồn tại, tinh thần nơi chốn thì Dinh Tỉnh trưởng đã mang một ý nghĩa hiện hữu không thể phủ nhận. Ảnh: Bùi Văn Hải

Phần lớn các đề nghị nói trên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng là những vấn đề Người Đô Thị đã từng đặt ra, khi thông tin về phương án kiến trúc khu đồi Dinh và quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt.

Trong các bài viết đăng trên Người Đô Thị mới đây, các kiến trúc sư, cán bộ đang làm công tác quy hoạch đô thị đã chỉ ra những khuất tất về pháp lý của quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình cần phải được rà soát lại:

Thay đổi mục đích sử dụng đất từ “xây dựng cơ sở văn hóa” sang “hỗn hợp” trong quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình là không có cơ sở pháp lý; Biến khu đất đồi Dinh thành công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và giao tư nhân quản lý là trái quy định pháp luật; Công tác lập quy hoạch chưa thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 của nghị định số 37 ngày 7.4.2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị: “Các khu vực trong thành phố, thị xã phải được lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết”…

Ngoài ra, cần ra soát lại phương thức đầu tư khu Hòa Bình. Kết luận thanh tra đã yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu thấu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nên cần thiết phải làm rõ tư cách pháp lý của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh khi tham gia vào Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình ngay từ đầu.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Người đô thị)

Công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 (09:14 - 06/07/2022)
Xây dựng đô thị ven sông, biển: Cần đồng bộ, không vì lợi ích kinh tế trước mắt (10:39 - 27/06/2022)
Cần có chế tài xử lý việc chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch (14:36 - 01/06/2022)
Quốc hội nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Luật Quy hoạch (20:56 - 30/05/2022)
Quy hoạch TPHCM phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế (11:24 - 27/05/2022)