Quản lý chất thải rắn hướng tới mục tiêu đô thị xanh
17:13 - 15/08/2024
Từ mục thực tế quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường các chuyên gia đã cùng tìm giải pháp góp phần kiến tạo môi trường đô thị xanh, thân thiện và bền vững hơn cho tương lai.
Toàn cảnh tọa đàm.
Ngày 15/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco đồng tổ chức buổi tọa đàm “Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh - Hướng đến đô thị xanh, bền vững”.
Dự buổi tọa đàm có PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT; TS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT; Ông Hà Huy Hồng - Trưởng ban khoa học công nghệ Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam; Ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc URENCO. Ngoài ra, Toạ đàm còn có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các các tổ chức quốc tế, các chuyên gia môi trường cùng đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, bền vững cho tương lai.
Ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) phát biểu tại tọa đàm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đô thị hoá nhanh chóng và các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các đô thị lớn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, thách thức này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), trên thế giới chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2012, lượng chất thải này đã đạt mức 1,3 tỷ tấn và dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025.
Tại Việt Nam, CTRSH đang gia tăng nhanh chóng ở mức đáng lo ngại kể cả về khối lượng phát sinh và mức độ nguy hại. Năm 2010, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày, thì đến năm 2019 đã tăng lên hơn 64.000 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần khoảng 92.000 tấn/ngày CTRSH phát sinh.
Tổng Giám đốc Urenco cho rằng, hiện nay, hầu hết CTRSH ở Hà Nội đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên do lượng CTRSH gia tăng nhanh chóng, phần lớn CTRSH phát sinh trên địa bàn chưa được phân loại tại nguồn. CTRSH có khả năng tái chế, tái sử dụng đều được thu gom, vận chuyển chung với chất thải thực phẩm và chất thải khác gây khó khăn trong việc phân loại, điều này đã và đang gây áp lực lớn đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và ngân sách dành cho CTRSH của Thủ đô…
PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT chia sẻ các đề xuất hướng tới mục tiêu đô thị xanh.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, thuật ngữ "xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bên vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị.
Viện NCĐT&PTHT đã và đang tổ chức chuỗi tọa đàm về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh trong đô thị giai đoạn 2023 - 2024. Thông qua chuỗi toạ đàm đã từng bước hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần xanh của hạ tầng xanh một cách toàn diện, từ đó kiến tạo đô thị xanh qua nhiều giải pháp.
Trên cơ sở các toạ đàm đã được tổ chức trước đó, PGS.TS. Lưu Đức Hải đã đề xuất 9 khái niệm xanh: Đô thị xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thoát nước xanh, cấp nước xanh, công viên xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh.
Tại toạ đàm, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời đề xuất các giải pháp công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Những sáng kiến và cam kết từ Toạ đàm với “Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh - Hướng đến đô thị xanh bền vững” được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai thực tế, góp phần kiến tạo môi trường đô thị xanh, thân thiện và bền vững hơn cho tương lai.
BBT
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: ‘Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là nơi hợp tác của các doanh nghiệp xây dựng’ (11:16 - 05/10/2024)
TS. Đặng Việt Dũng đề xuất với Thủ tướng nhiều giải pháp trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia (16:53 - 03/10/2024)
Công bố thông tin chính thức về VIETNAM CONSTRUCTION AWARDS 2024 (17:44 - 25/09/2024)
Đoàn thiện nguyện Tổng hội Xây dựng Việt Nam thăm và trao quà cho đồng bào vùng lũ tại tỉnh Thái Nguyên (09:22 - 17/09/2024)