Mô hình “thành phố trong thành phố" ở phía Bắc sông Hồng Hà Nội: Thận trọng với lộ trình thích hợp

11:07 - 26/11/2021

Hà Nội đang triển khai rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện điều chỉnh tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng đó, Thành phố cũng dự kiến nghiên cứu định hướng một số vấn đề mới trong xây dựng phát triển đô thị Thủ đô giai đoạn tới. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc sông Hồng.

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, phân tích từ nghiên cứu của Chương trình phát triển đô thị mà Viện đang thực hiện cho thấy, đến năm 2025 khi hoàn thành đề án lên quận của 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, sẽ có ưu điểm là tỷ lệ diện tích đất đô thị tăng lên khoảng 38% tổng diện tích toàn Thành phố. Đồng thời địa giới hành chính không có xáo trộn nên thuận lợi cho việc quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, nhược điểm là mật độ dân số sẽ loãng hơn, giảm xuống 24% còn 6.800 người/km2, chỉ bằng khoảng 50% chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 về mật độ dân số cho đô thị loại đặc biệt. Một hạn chế nữa là vốn đầu tư sẽ phải tập trung cho đô thị trung tâm (bao gồm cả phần mở rộng của các huyện nằm ngoài Vành đai 4), ước tính khoảng gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 26% tổng mức đầu tư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho các đô thị vệ tinh, thời gian hoàn thiện chất lượng đô thị cho hệ thống bị kéo dài, không tạo được các động lực trọng tâm cho các địa phương cũng như mất vai trò hỗ trợ của đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm.

Từ đó, ông Lưu Quang Huy cho rằng, việc phát triển khu vực Bắc sông Hồng gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với mô hình "thành phố trong thành phố" là một giải pháp có thể được xem xét. Đây được xem như là một bước trung gian để đưa giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập Thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hồng. Đây là đô thị cửa ngõ của Hà Nội trong cấu trúc hạt nhân của Vùng Thủ đô (gồm Hà Nội - Vinh Phúc - Bắc Ninh). Khu vực này có sân bay Nội Bài gắn với các hoạt động logistics, outlet… và nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hơn nữa, khu vực này có các dự án đô thị thông minh, trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã lấp đầy...

“Khi khu vực này được xây dựng là Thành phố sẽ tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tính độc lập tương đối so với đô thị trung tâm. Đồng thời giảm áp lực về việc phải đảm bảo trong thời gian ngắn đáp ứng các tiêu chí đối với đô thị đặc biệt và phân kỳ đầu tư theo lộ trình nâng cấp đô thị. Ngoài ra, tận dụng được cơ sở hạ tầng đã đầu tư như hệ thống đường giao thông, sân bay, khu công nghiệp, các khu đô thị mới như Vinhomes Reverside, Vinhomes Ocean Park… và sự hỗ trợ từ đô thị trung tâm do lợi thế về khoảng cách địa lý” – ông Lưu Quang Huy cho hay.

Việc đưa các quận, huyện lên Thành phố cũng nằm trong khái niệm đô thị hóa. Điều này sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy đây là định hướng phù hợp. Tuy nhiên, muốn để được gọi là Thành phố thì phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí và chỉ tiêu. Do vậy, Hà Nội cần thận trọng nghiên cứu và phải chọn bước đi thích hợp thì "thành phố trong thành phố" mới có thể trở thành hiện thực.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, "thành phố trong thành phố" là mô hình mới được Việt Nam chính thức công nhận từ năm 2016 theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua bài học thành lập Thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi hình thành các Thành phố mới thì khu vực này đã có cả một quá trình đô thị hóa và chứa đựng các yếu tố, tiêu chuẩn để hình thành một Thành phố.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đang có yêu cầu nâng tỷ lệ đô thị hóa cao, hiện nay đang là 40%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 62%. Để đạt mục tiêu này thì có thể mở rộng đô thị trung tâm và hình thành các đô thị loại II, III, IV, V… chứ không nhất thiết phải thành lập Thành phố, vì Thành phố là một đô thị đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chí đặc biệt. Hà Nội đang quyết tâm đưa 5 huyện lên quận, nghĩa là đô thị hóa, còn muốn đặt vấn đề quy hoạch đưa một số huyện phía Bắc sông Hồng lên Thành phố thì cần xem xét đến thực trạng các tiêu chí mà các huyện đang có hiện nay. Bởi tiêu chí thành quận khác rất nhiều so với tiêu chí thành lập Thành phố. Do đó, trong giai đoạn này Hà Nội nên đẩy mạnh đô thị hóa, cộng với đó tổ chức tốt chính quyền đô thị. Khi đạt được tỷ lệ đô thị, trên cơ sở đó nếu đạt tiêu chí sẽ hình thành các Thành phố.

Cùng băn khoăn về ý tưởng "thành phố trong thành phố", Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS. Tô Anh Tuấn cho rằng, đây là ý tưởng không mới, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập Hòa Lạc là Thành phố vệ tinh của Hà Nội. Tuy nhiên, trong điều chỉnh quy hoạch lần này Thành phố đề xuất việc thành lập Thành phố ở khu vực Bắc sông Hồng là vấn đề cần cân nhắc. Vị chuyên gia nhấn mạnh, khu vực Bắc và Nam sông Hồng gắn kết với nhau một cách hữu cơ, chặt chẽ, đi đôi với nhau mới tạo ra một đô thị trung tâm hoàn chỉnh. Nếu tách Bắc sông Hồng thành một Thành phố độc lập sẽ làm mất đi tính thống nhất của của đô thị trung tâm Thành phố.

“Trong khi nguồn lực các mặt của Thành phố còn hạn chế thì tính thống nhất trong phát triển khu vực Bắc và Nam sông Hồng là yêu cầu cần được đảm bảo. Lý lẽ đưa ra để thành lập "thành phố trong thành phố" ở khu vực Bắc sông Hồng mà Thành phố đưa ra hiện nay chưa đủ căn cứ xác đáng, chưa có nội hàm về kinh tế - xã hội một cách thuyết phục. Điều này khác với việc thành lập Thành phố Thủ Đức nằm trong Thành phố Hồ Chí Minh, đây là khu vực đã xác định được đặc tính rất rõ là Thành phố sáng tạo, khu công nghệ cao, khu đào tạo… ” – KTS. Tô Anh Tuấn nêu.

Định hướng chung xây dựng "thành phố trong thành phố" Hà Nội là rất đúng đắn cho một tầm nhìn xa. Còn vào thời điểm hiện nay, Thành phố nên tập trung vào đẩy mạnh đô thị hóa, đây cũng chính là tiền đề để chúng ta có thể xây dựng "thành phố trong thành phố" ở tương lai. Đô thị hóa là khung định hướng, trong đó có thể hình thành các quận, cũng có thể hình thành các Thành phố. Do đó, chưa nên vội tách riêng một vấn đề quá cụ thể là có "thành phố trong thành phố" để nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm

Theo đề xuất, khu vực TP phía Bắc sông Hồng dự kiến có tổng diện tích khoảng 700km2 (bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và một phần huyện Mê Linh, Gia Lâm); diện tích đất đô thị khoảng 250km2; quy mô dân số đô thị khoảng 2 triệu người. Đến năm 2025 đạt đô thị loại II, năm 2030 đạt đô thị loại I.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Kinh tế và đô thị)

Kiểm soát giá và đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu cho dự án quan trọng quốc gia (08:58 - 03/11/2022)
Hà Nội: chốt phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo (11:19 - 23/06/2022)
Thị trường bất động sản Đà Nẵng tăng nhiệt tín hiệu phục hồi của ngành Du lịch (11:44 - 12/04/2022)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng công trình (11:02 - 23/03/2022)
Hà Nội đề xuất hình thức đầu tư làm cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên (15:53 - 08/12/2021)