Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông
12:19 - 02/09/2023
Chiều 31/8, tại Hải Phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông”.
Diễn đàn nằm trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” được ký ngày 28/07/2022 giưa VCCI và 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Theo đó, 4 tỉnh, TP thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Việc liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động. Đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hiện đại…
Toàn cảnh Diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía đông”.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng, diễn đàn mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp cho thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh khắc phục những khó khăn cục bộ, tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương, mà còn tạo sự liên kết thế mạnh của các địa phương, góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng.
Đồng thời, diễn đàn cũng tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp; giải quyết hài hòa hơn các bất cập về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội giữa các địa phương…
Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thẳng thắn nhìn nhận rằng: Thu hút đầu tư của 4 địa phương tương đối tốt, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logitics liên hoàn. Do đó, diễn đàn sẽ giúp các địa phương khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách; đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông vùng và liên vùng; giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên - môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam là diễn giả đầu tiên trình bày tham luận chỉ ra quá trình phát triển khu công nghiệp Việt Nam qua các thời kì.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, các khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, 4 địa phương trên trục cao tốc phía Đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) đều có thế mạnh phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn kiểu “mạnh ai nấy tiến”, thiếu sự liên kết.
Các địa phương gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh nằm trên trục cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh là 03 cực tăng trưởng trong tam giác phát triển kinh tế của khu vực.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song việc phát triển khu công nghiệp (KCN) thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch tổng thể phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội, chưa gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương cả nước; tính liên kết vùng còn yếu;
Công tác dự báo để xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập dẫn đến việc phải xin thay đổi quy hoạch nhiều lần, tỷ lệ lấp đầy của nhiều khu công nghiệp khá thấp, nhiều KCN chậm triển khai;
Mô hình phát triển KCN chậm đổi mới, thời gian qua chủ yếu phát triển theo mô hình tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động, chưa chú trọng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động làm cho đời sống công nhân một số KCN còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà ở và dịch vụ xã hội;
Quy hoạch khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, ở một số địa phương các KCN tập trung chủ yếu ven các tuyến quốc lộ dẫn đến sự quá tải cục bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương;
Phần lớn các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy, việc thực hiện các quy định về môi trường, yêu cầu về công nghệ còn lỏng lẻo, chuyển đổi sang mô hình phát triển các KCN tiên tiến còn chậm;
Còn có sự thiếu thống nhất, thậm chí chia cắt trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình KCN, KKT, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, giữa các ban quản lý và địa phương trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho lực lượng lao động.
Bài tham luận của TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận được sự đồng thuận, quan tâm của các đại biểu tham dự diễn đàn.
Theo TS. Đặng Việt Dũng, kết quả đánh giá rà soát quy hoạch các KCN cho thấy, bên cạnh những tồn tại về công tác quy hoạch quản lý KCN trong phạm vị cả nước, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố trên còn bộc lộ một số tồn tại như: Mặc dù là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế.
Mặt khác, phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh.
Cũng theo TS. Đặng Việt Dũng, nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các KCN.
Yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển các KCN từ mô hình hiện nay sang các mô hình KCN chuyên biệt, các mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị là hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không chỉ cần thời gian, nguồn vốn mà trên hết rất cần sự đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN. Nhà nước cũng rất cần những quy định về lộ trình chuyển đổi để đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững trong tương lai.
Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình KCN, KKT, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến liên quan đến việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái đã nhận được sự đồng thuận của đa số các đại biểu tham dự.
BTV
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: ‘Diễn đàn Triển vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ là nơi hợp tác của các doanh nghiệp xây dựng’ (11:16 - 05/10/2024)
TS. Đặng Việt Dũng đề xuất với Thủ tướng nhiều giải pháp trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia (16:53 - 03/10/2024)
Công bố thông tin chính thức về VIETNAM CONSTRUCTION AWARDS 2024 (17:44 - 25/09/2024)
Hai nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam được tôn vinh trí thức KHCN tiêu biểu 2024 (16:56 - 28/08/2024)