Ngành Xây dựng vượt nhiều chỉ tiêu, hướng đến tăng trưởng 7% năm 2024
13:04 - 22/12/2023
Tổng kết năm 2023, GDP ngành Xây dựng có tốc độ tăng đáng kể cùng với đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Sáng 22/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 58 điểm cầu của các Sở Xây dựng địa phương.
Dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng các Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nguyễn Văn Sinh, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Tường Văn; Tham dự Hội nghị còn có TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các hội, đơn vị cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Toàn cảnh hội nghị.
Năm 2023 có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, ông Đậu Minh Thanh - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết: Năm qua, các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, kế hoạch để triển khai các nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời, Bộ đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, trọng tâm, nhờ đó về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ đề ra, trong đó, có nhiều kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đối với công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023 với nhiều nội dung đổi mới. Đặc biệt là các quy định mới về chính sách NƠXH, phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân…
Thứ hai, Bộ Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng. Tích cực thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bình Định, Bình Thuận về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.
Thứ ba, để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng, chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Thứ năm, quyết tâm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ đạt kết quả cao nhất, Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng đã khẩn trương ban hành Nghị quyết chỉ đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kết quả tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Xây dựng đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung của Chính phủ là 10%.
Đánh giá về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao; 3 chỉ tiêu vượt, 2 chỉ tiêu đạt...
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng, kế hoạch năm là 7%, ước thực hiện 7,3-7,5%, vượt kế hoạch; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành, nội thị, kế hoạch năm là 42,6%, ước thực hiện 42,7%, vượt kế hoạch; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng, số giao dịch thanh toán của dịch vụ công, kế hoạch năm là 30%, ước thực hiện 59,8, vượt kế hoạch; Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh, kế hoạch năm là 10%, ước thực hiện 50%, vượt kế hoạch;
Mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2024
Triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm năm 2024, Bộ Xây dựng đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng về xây dựng dự kiến đạt 6,5% - 7%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 43,7%; Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực nội thành, nội thị ước đạt 43,9 - 44%;
Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ước đạt 15,5%;
Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom ước đạt 18%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt trên 26,5 m² sàn/người; Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 100 triệu tấn.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; quản lý quy hoạch, kiến trúc; quản lý phát triển đô thị; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS; quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý vật liệu xây dựng...
Cần chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Phát biểu tại hội nghị, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng: Trong năm vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn bủa vây nhưng ngành Xây dựng nhìn chung đã rất nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều thành tựu tích cực.
Tỷ lệ phát triển đô thị những năm gần đây liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh, điều này thể hiện sự đóng góp rất lớn của Bộ Xây dựng và các lực lượng trong ngành. Đáng chú ý, trong năm 2023, ngành Xây dựng cũng đã có nhiều đóng góp trong việc đã hoàn thiện các dự án luật để Quốc hội thông qua. “Riêng đối với Tổng hội Xây dựng Việt Nam từ lãnh đạo, chuyên gia và các hội viên đều đã tham gia rất tích cực trong công tác góp ý, phản biện các điều khoản về các dự án Luật”, TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị đến Bộ Xây dựng cùng các cơ quan quản lý, nhất là việc cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành.
“Giai đoạn 2022-2030, tình hình tuyển sinh các ngành kỹ thuật xây dựng rất thấp, tỷ lệ học sinh vào ngành này đáng ngại. Nay có thể đủ nhu cầu, nhưng một thời gian nữa với tốc độ phát triển, sản xuất sẽ không đủ nguồn nhân lực cho lĩnh vực ngành xây dựng. Do đó, chúng ta cần có giải pháp thúc đẩy cho việc đào tạo sinh viên ngành kỹ thuật đảm bảo nhân lực phát triển”, TS. Đặng Việt Dũng nêu vấn đề.
Ngoài ra, TS. Đặng Việt Dũng cũng cho rằng vấn đề cũng rất cần quan tâm tăng cường công tác chuyển đổi số cho ngành xây dựng.
Trần Việt
Thông báo kế hoạch tổ chức Vietnam Construction Awards 2025 và Diễn đàn Triển vọng ngành Xây dựng Việt Nam (lần 2) (15:31 - 16/01/2025)
Hội thảo “Công nghệ thi công cầu bản bê tông cường độ cao trên cọc BRC cho đường cao tốc” (15:38 - 14/01/2025)
Tạp chí Người Xây dựng tặng quà Tết cho đồng bào nghèo tại Lào Cai (11:17 - 13/01/2025)
Danh sách cấp chứng chỉ đợt 5 năm 2024 (10:24 - 12/01/2025)