Phát huy giá trị di sản kiến trúc trong phát triển đô thị bền vững theo định hướng kiến trúc mới

14:14 - 06/10/2021

Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trường Tiểu học SenTia nằm tại khu Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, với diện tích thiết kế 3.826m2 . Công trình do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thiết kế, là tác phẩm của KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự thực hiện từ năm 2018.

1. Một trong những mục tiêu mà Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, đó là “Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, đồng thời quảng bá kiến trúc Việt nam ra thế giới”. Đây là mục tiêu có tính nguyên tắc, xuyên suốt quá trình phát triển nền kiến trúc nước nhà, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Phải khẳng định rằng, trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng, dù bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, trong chiến tranh giải phóng dân tộc hay trong công cuộc kiến thiết đất nước, Đảng ta luôn đề cao và đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa đối với thành công của Cách mạng, của dân tộc. Bác Hồ đã từng nói “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Mà kiến trúc, trong đó có kiến trúc đô thị là một phần quan trọng tạo nên nền văn hóa ấy.

Trải qua 65 năm đô thị hóa (1955 - 2020), đặc biệt là từ khi nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, mở cửa và hội nhập quốc tế, thì hệ thống đô thị của nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Hiện cả nước đã có 863 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%. Đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo đất nước theo hướng văn minh, hiện đại, là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, trở thành nhân tố có tính quyết định của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của đô thị hóa và hệ thống đô thị những năm qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong tầm nhìn, trong tư duy quản lý, quản trị, trong đầu tư phát triển, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước. Các đô thị chưa đáp ứng được thực tế vận động phức tạp của đời sống xã hội trong nền kinh tế thị trường, như bùng nổ dân số thiếu kiểm soát; nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, về việc làm; về hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe; môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông phát triển chưa đồng bộ, thiếu kết nối giữa các đô thị và giữa các đô thị với các trung tâm kinh tế, đô thị lớn của cả nước…; sự đầu tư nguồn lực phát triển không cân đối giữa các đô thị, các vùng, miền; sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội theo mức sống ngày càng tăng; mâu thuẫn giữa bảo tồn, phát huy giá trị của di sản kiến trúc truyền thống với phát triển kinh tế diễn ra gay gắt; kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững mới chỉ là những điểm sáng, mạnh về truyền thông, nhưng chưa đủ để trở thành xu hướng chỉ đạo, dẫn dắt xã hội mà thậm chí còn bị chìm đi trong cái làn sóng kiến trúc đô thị hỗn tạp với các trường phái quốc tế du nhập, nhưng lại thiếu bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương, bản sắc vùng, miền… tất cả đang là những thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

 

Nhà ga xe lửa cổ nhất Đông Dương ở Đà Lạt.

Thực tế diễn ra trong quá trình đô thị hóa của nước ta đã cho thấy, sự phồn vinh về đời sống vật chất, về tiện nghi vẫn chưa đủ để mang lại chất lượng sống cho cư dân đô thị, lại càng không phải là điều kiện tiên quyết duy nhất để đô thị trở thành đô thị có bản sắc, hạnh phúc và đáng sống. Từ trước đến nay, vấn đề đô thị hóa thường được xem xét dưới dưới lăng kính của kinh tế - kỹ thuật.

Nói đến đô thị, là nghĩ ngay đến hình ảnh những tòa nhà cao vài chục tầng có kiến trúc hiện đại; các khách sạn, nhà hàng sang trọng; các trung tâm thương mại, siêu thị long lanh biển hiệu và đầy ắp hàng hóa; các đường phố rộng rãi, rực sáng ánh đèn cao áp, ngày đêm ồn ã bởi hàng ngàn vạn xe máy và ôtô các kiểu đời mới; các khu đô thị mới với hàng trăm, hàng ngàn tòa chung cư hiện đại, mang phong cách kiến trúc quốc tế, đầy đủ tiện nghi, v.v và v.v…

Nhưng đấy mới chỉ là nền tảng vật chất, còn phía sau nền tảng đó là nền tảng tinh thần, là những giá trị đóng vai trò chi phối, điều tiết cái nền tảng vật chất ấy. Đó là giá trị Văn hóa. Trong đó, vai trò của văn hóa truyền thống là cực kỳ quan trọng. Cách đây hơn 20 năm, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu đầy tâm huyết “Mọi sự phát triển xã hội phải gắn liền với việc kế thừa và phát huy những truyền thống và bản sắc dân tộc.

Phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa. Đi vào kinh tế thị trường, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị truyền thống sẽ làm mất bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác” (Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, khóa VIII). Và với Kiến trúc, một ngành nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật tạo dựng không gian sống cho con người, lại càng thấm hiểu tư tưởng đó.

2. Việt Nam là đất nước có chiều dày lịch sử vẻ vang hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, với kho tàng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) giàu có, đặc sắc và phong phú. Dẫu trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài tàn phá, bị thời gian, thiên tai và khí hậu khắc nghiệt bào mòn, hủy hại… thì những gì còn lại đến hôm nay vẫn mãi là di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là minh chứng sống động của một nền văn hóa, văn hiến và văn minh rực rỡ do ông cha ta với tài năng sáng tạo đã tạo dựng nên.

Theo thống kê của ngành bảo tồn di tích, chỉ tính riêng di tích kiến trúc (văn hóa vật thể) thì cả nước ta hiện còn hơn 41.000 di tích (có 4.000 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có 112 di tích cấp Quốc gia đặc biệt và 8 di sản Thế giới; hơn 9.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố). Mật độ di tích nhiều nhất tập trung ở 10 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 56% số di tích cấp Quốc gia và chiếm hơn 40% số lượng di tích của cả nước). Trong lòng các đô thị Việt Nam đều chứa đựng những di tích quý giá như đền chùa, miếu mạo, các khu phố cổ, khu phố cũ, hay những công trình kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho các thời kỳ xây dựng và phát triển của dân tộc, đặc biệt là ở Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Hội An, TP.HCM.

Kiến trúc nông thôn Việt Nam.

Các di tích không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc truyền thống, mà nó còn là cuốn sử viết bằng đá, gạch, gỗ phản ánh trung thực nhất sự hình thành và phát triển về kinh tế, về kỹ thuật xây dựng, về văn hóa, nghệ thuật, về đời sống của cư dân, của xã hội đương thời. Đó còn là gạch nối đậm nét giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, để lịch sử phát triển của đô thị, của dân tộc không bị đứt gẫy. Di sản văn hóa kiến trúc đã góp phần hình thành nên bản sắc, hồn cốt cho mỗi đô thị nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc nói chung.

Nền văn hóa ấy với giá trị được sàng lọc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã trở nên bền bỉ và có sức sống mãnh liệt, được bảo tồn và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam và con người Việt Nam hôm nay. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, lịch sử phát triển của dân tộc ta gắn liền với nền văn minh lúa nước, chứ không phải văn minh công nghiệp. Các di tích kiến trúc lịch sử như đình chùa, đền miếu… được người nông dân tạo dựng ngay trong làng quê của mình.

Chính vì vậy mà đô thị Việt Nam, vốn ra đời rất muộn khoảng giữa thế kỷ XIX (trừ Thăng Long, Hội An), đều được hình thành trên nền tảng của làng quê truyền thống. Đó là lý do vì sao đô thị Việt Nam lại có nhiều di sản, di tích kiến trúc như vậy. Đây là nét đặc sắc của đô thị nước ta. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã biến nhiều làng quê thành đô thị. Hôm qua là làng, là xóm, hôm sau là phố, là phường. Trước khi Luật Di sản văn hóa ra đời (năm 2001), làn sóng đô thị hóa đã cuốn đi hàng trăm làng nghề, làng cổ và rất nhiều di tích kiến trúc. Những làng cổ có nghề truyền thống hiện còn cũng rất mong manh trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, đang dần bị mai một, mất đi, như nghề làm giấy dó (làng Bưởi), nghề trồng hoa (làng Ngọc Hà), nghề đúc đồng (làng Ngũ Xá), nghề dệt lụa (làng Vạn Phúc)... ở Hà Nội.

Hay làng cổ Đường Lâm (di tích lịch sử cấp Quốc gia), nơi sinh sống của 1.500 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu, nơi có 37 ngôi nhà cổ từ 200 đến 400 năm, cùng một hệ thống gồm 50 kiến trúc rất giá trị như đình, chùa, đền thờ, giếng cổ, những cổng nhà, tường nhà xây bằng đá ong cùng cấu trúc đường làng ngõ xóm và không gian cảnh quan truyền thống đặc trưng của làng quê Bắc bộ… cũng đã từng trải qua những cơn vật vã giữa bảo tồn làng cổ và nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống.

Thậm chí, cách đây vài năm, hàng chục hộ dân Đường Lâm đã từng đệ đơn lên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lại danh hiệu “Di tích cấp Quốc gia” để được tự do cải tạo nhà cổ đang bị xuống cấp thành nhà tầng nhằm giải quyết nhu cầu có thực của cuộc sống hiện tại, mà không bị ràng buộc bởi Luật Di sản (?!). Tại các đô thị, như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Lạt, những nơi có hàng ngàn di tích kiến trúc có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, phong phú và đa dạng về loại hình (nhà ở, công trình văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...) cũng không tránh khỏi sự đe dọa của lợi ích kinh tế.

Ngay Hà Nội, kiến trúc khu phố cổ và khu vực Hồ Gươm đã được chính quyền quan tâm chăm sóc, lại có cả một Quy chế quản lý đặc biệt của Chính phủ, nhưng giờ cũng không còn giữ được trọn vẹn hồn cốt của khu phố cổ xưa nữa. Theo thời gian, rất nhiều ngôi nhà 1 - 2 tầng lô xô, mái ngói thâm nâu như tranh “phố Phái” dần biến mất, mà thay vào đó là những công trình kiến trúc xa lạ, kệch cỡm cao đến 5 - 6 tầng làm phá vỡ cảnh quan vốn rất hài hòa, đặc trưng của khu “phố hàng” có cách đây vài thế kỷ.

Hàng trăm biệt thự vườn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, mang phong cách kiến trúc tân cổ điển châu Âu, kiến trúc Đông Dương hay kiến trúc hiện đại rất có giá trị về nghệ thuật kiến trúc ở Hà Nội, Đà Lạt bị hư hỏng, xuống cấp, bị phá hủy để xây dựng công trình mới phục vụ cho mục đích kinh tế, hay sử dụng không đúng chức năng… làm hao hụt quỹ di sản văn hóa của dân tộc, gây tiếc nuối và bức xúc trong xã hội. Còn ở TP.HCM, với việc phá hủy cảng Ba Son vào năm 2015, để thay vào đó là một khu đô thị mới với những chung cư cao tầng hiện đại vào loại bậc nhất cả nước, đã xóa sổ một di sản công nghiệp độc đáo có lịch sử kéo dài hơn hai thế kỷ, minh chứng xác thực về bước khởi đầu của ngành đóng, sửa chữa tàu biển ở nước ta, vốn bắt đầu từ xưởng Chu Sư (hay còn gọi là xưởng Thủy) do chúa Nguyễn lập ra cuối thế kỷ XVIII, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu Ba Son của người Pháp ở thế kỷ XIX và giữa thế kỷ XX rồi tiếp tục phát triển cho đến khi bị xóa sổ với cái tên quen thuộc Tổng công ty Ba Son (?!).

Cũng tại thành phố này, đã có biết bao biệt thự độc đáo lặng lẽ "ra đi" và gần đây, Dinh Thượng Thơ, một công trình kiến trúc thuộc loại lâu đời nhất thành phố cũng đã từng bị cân nhắc để “xóa bỏ” vì người ta thấy nó ít có giá trị, để thay thế bằng công trình mới hiện đại đáp ứng cho nhu cầu phát triển (?!). Lâu nay, trong nhận thức của nhiều cấp chính quyền, di tích kiến trúc chưa bao giờ được coi là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế mà vốn đầu tư hàng năm cho việc tu bổ, tôn tạo di tích rất ít ỏi, chủ yếu dựa vào sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước… mà ta gọi là xã hội hóa.

Công tác tu bổ di tích ít được quan tâm, khi thực hiện lại không tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản, nên nhiều nơi, người ta đã xã hội hóa cả việc thực hiện bảo tồn, trùng tu di tích, một công việc đòi hỏi chuyên môn cao với kỹ thuật bảo tồn, trùng tu chuyên biệt mà chỉ các tổ chức và kiến trúc sư, kỹ sư trong lĩnh vực bảo tồn di tích mới thực hiện được, dẫn đến việc thi công không đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt, làm sai lệch yếu tố gốc, làm biến dạng di tích, thậm chí có nơi còn làm mới di tích một cách rất tùy tiện… làm mất đi hồn cốt, giá trị của kiến trúc truyền thống, như việc tu bổ chùa chùa Bổ Đà, đình Ngọ Xá (Bắc Giang); chùa Hương, chùa Trăm Gian, Khúc Thủy; bê tông hóa đình Lương Xá (Hà Nội)… là một số thí dụ điển hình.

3. Trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến giữ gìn những giá trị truyền thống được lưu giữ qua các di sản, di tích kiến trúc. Cách đây 75 năm, chỉ hai tháng sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65/ SL/1945 ngày 23/11/1945 về “Ấn định nhiệm vụ Phương Đông Bác Cổ Học viện” có trách nhiệm bảo tồn các cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Trong sắc lệnh nêu rõ vai trò của di sản văn hóa, coi “việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước nhà” và “nghiêm cấm việc phá huỷ những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn.

Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính tôn giao hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”. Kể từ đó đến nay, dù trong hoàn cảnh nào, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm, Nhà nước ta vẫn dành một nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo tồn và tu bổ di tích. Với sự quan tâm đó, cùng sự tham gia của xã hội, của kiến trúc sư… hàng trăm di tích, di sản văn hóa kiến trúc có giá trị lớn về kiến trúc - nghệ thuật đã được tu bổ, tôn tạo và hồi sinh theo từng cấp độ khác nhau, trở thành những sản phẩm kiến trúc - văn hóa hoàn chỉnh, độc đáo có sức hấp dẫn khách tham quan ở trong và ngoài nước, góp phần vào phát triển du lịch, tạo ra nguồn thu đáng kể, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, cho kho tàng kiến trúc của dân tộc, như Đình Tây Ðằng, Ðình Bảng, Đình Hàng Kênh, Mông Phụ, Tường Phiêu, Thụy Phiêu, Lâu Thượng, Sùng Văn, An Cố; các Chùa như, Chùa Mía, Chùa Dâu, Chùa Bối Khê, Chùa Keo Thái Bình, Chùa Keo Hành Thiện; các Đền như, Ðền Nghè, Ðền Ða Hòa, Ðền Ðào Lâm..., Khu di tích Yên Tử, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Tháp Bà Ponagar, Ðịa đạo Củ Chi, Núi Bà Ðen, Ðền Bà chúa Xứ... hay Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thắng cảnh Hương Sơn (di sản thiên nhiên). Nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến cũng được tu bổ, phục hồi, như Khu ATK Ðịnh Hóa, ATK Hiệp Hòa, Khu căn cứ Tân Trào, Pác Bó, Sở chỉ huy Mường Phăng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðường Hồ Chí Minh thuộc các tỉnh miền Trung, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam…

Chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững trong thời kỳ mới chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới. Sẽ xuất hiện nhiều hơn các đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương. Chúng ta ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật để ứng dụng vào quản trị, vận hành đô thị, vào bảo tồn di sản, di tích, vào thiết kế kiến trúc đô thị, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đời sống, để người dân sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, để đô thị trở thành ngôi nhà chung hạnh phúc, đáng sống, bản sắc và bền vững. Bên cạnh các giá trị của kiến trúc truyền thống tiếp tục được giữ gìn và phát huy, thì cần quan tâm phát hiện, đánh giá và bảo tồn các kiến trúc mới có giá trị đặc biệt về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tiêu biểu cho từng thời kỳ phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kiến trúc là văn hóa, là một phần quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Kiến trúc phục vụ phát triển kinh tế, nhưng kiến trúc củng phải tham gia vào nâng cao dân trí và nhận thức văn hóa cho cộng đồng, làm giàu thêm kho tàng kiến trúc văn hóa của dân tộc. Bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến của nền văn hóa phải được thấm đượm không chỉ trong công tác văn hóa - nghệ thuật mà còn cả trong mọi hoạt động xây dựng, sáng tạo vật chất. Để Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 đi vào thực tế cuộc sống, thì rất cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm sáng tạo trước xã hội, trước nhân dân của giới kiến trúc sư, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, của ngành Xây dựng và sự quan tâm đồng hành của toàn xã hội.

Kiến trúc dù theo trường phái nào như tân cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại hay kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững… thì vẫn phải là kiến trúc Việt Nam, mang bản sắc văn hóa Việt Nam, chứ không phải là thứ kiến trúc du nhập, ngoại lai. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn chiến lược đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc”. Và phải chăng, đấy cũng là nhiệm vụ, là mục tiêu mà Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam hướng đến.

Theo Tạp chí Xây dựng số 09/2021

Thành phố Hồ Chí Minh - nơi giao thoa văn hóa kiến trúc Đông và Tây (14:57 - 29/11/2021)
Bảo tồn giá trị di sản kiến trúc đô thị (14:49 - 23/11/2021)
Hà Nội chi 139 tỷ đồng tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp 122 di tích giai đoạn 2021 – 2022 (15:25 - 19/11/2021)
Tuyên ngôn độc lập và Nhà nước pháp quyền (15:40 - 02/09/2021)
Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội (15:05 - 26/08/2021)