Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước
09:22 - 10/10/2024
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Tọa đàm diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý với nhiều ý kiến có giá trị khoa học.
Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước.
Tham dự và chủ trì Tọa đàm có TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Cùng tham dự về phía Tổng hội Xây dựng Việt Nam có các Phó chủ tịch Tổng hội GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; TS. Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng đại diện lãnh đạo các Viện nghiên cứu; Hội chuyên ngành, Hội Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học là các hội viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Về phía cơ quan quản lý có lãnh đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng; lãnh đạo các phòng cấp thoát nước...
Cùng dự Tọa đàm còn có các doanh nghiệp liên quan đến cấp thoát nước tại 3 thành phố lớn gồm: Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội (HSDC); Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Đô thị TP.HCM; Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng và Công ty TNHH SAMSUNG E&A Việt Nam.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Trước nhiều vấn đề về cấp, thoát nước đặt ra hiện nay Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Để hoàn thiện văn bản đóng góp ý kiến cho Bộ Xây dựng theo Công văn của Bộ về việc lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, Thoát nước trình Chính phủ theo quy định. Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Toạ đàm về Dự thảo Luật Cấp, thoát nước để tổng hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp.
"Các ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ được Tổng hội tập hợp để trình lên Bộ Xây dựng", Chủ tịch Tổng hội Việt Nam đề cập.
Cách hỗ trợ quan trọng hơn tiền hỗ trợ
Là người nêu ý kiến thảo luận đầu tiên tại Tọa đàm, TS. Hoàng Văn Thắng đưa ra các lưu ý cần xem xét lại trong dự luật.
TS. Hoàng Văn Thắng nêu ra 8 điểm lưu ý trong đó cần làm rõ phạm vi, khái niệm tiêu – thoát nước. "Trong luật này và tiêu thoát nước, trong các luật Thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai vì chính sách và chủ thể quản lý nhà nước, quản lý vận hành khác nhau", TS. Thắng đề cập.
TS. Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Thảo luận về giá nước và chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch Tổng hội đưa ra lưu ý từ bài học của các địa phương và cho rằng "cách hỗ trợ quan trọng hơn lượng tiền hỗ trợ".
Về nước sạch quy mô hộ gia đình, Cục bộ nước sạch cho Vùng sâu vùng xa, nên có một chương riêng, vì:
- Không thể quản lý bằng quy hoạch;
- Tiêu chuẩn về nước sạch cũng có thể khác;
- Chính sách và vốn đầu tư của dự án vùng sâu kể cả quản lý vận hành từ nước sạch nông nghiệp;
- Quản lý phần lõi dựa vào cộng đồng.
"Về quản lý nguồn nước nên ghi rõ vai trò Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn (chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng quy chế - tài chính, kiểm tra giám sát) và tổ chức sự nghiệp cho NSNT...", TS. Hoàng Văn Thắng nêu ra.
Cần xem xét lại nhiều điều trong dự thảo... nước cần phải sạch
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Trong phần thảo luận góp ý của mình, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên đưa ra rất nhiều điểm cần lưu ý đối với các điều khoản trong dự thảo luật.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kể câu chuyện thực tiễn về nước sạch có được từ khi công tác ở các nước phát triển, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên cho rằng, có thể nước sạch còn phụ thuộc vào công nghệ nhưng chúng ta cũng phải đặt ra mục tiêu để nước ngày càng phải sạch hơn.
"Điều 42, đơn vị thoát nước là đơn vị gì? Cần phải ghi rõ ra...", Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tiếp tục tục phân tích từng điều trong dự luật qua đó kiến nghị cần nghiên cứu lại để Luật được rõ ràng.
Luật ra đời tháo gỡ cho doanh nghiệp
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, ông Phan Hoài Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng việc ra đời của Luật Cấp, thoát nước là điều tất yếu. "Luật ra đời giúp tháo gỡ nhiều cho doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận được nhiều điều kiện về nước sạch", ông Minh đề cập.
Ông Phan Hoài Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phát biểu.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Thống nhất cho rằng dự thảo được chuẩn bị rất công phu.
"Chúng ta có khái niệm về an toàn cấp nước nhưng chưa có khái niệm về an toàn thoát nước và xử lý nước thải, điều này cần làm rõ thêm.
Đến nay lĩnh vực bùn thải về thoát nước chưa có tiêu chuẩn. Hiện nay chúng ta vẫn đang chôn lấp, đưa vào các bãi rác để chôn...Mong sao trong thời gian tới chúng ta có khu liên hiệp xử lý bùn thải về thoát nước. Tiếp đó cần các cơ chế linh hoạt để ứng phó với các thiên tai, dịch họa...", ông Minh nói.
Xem xét thêm về chiến lược
Góp ý về Dự thảo luật, TS. Lê Văn Cư - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần xem xét về vấn đề chiến lược của Luật. Tiếp theo cần xem lại quy hoạch về chuyên ngành cấp thoát nước.
TS. Cư cũng chỉ ra các từ ngữ, thuật ngữ không được rõ ràng trong dự thảo Luật và cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải xem lại để sử dụng từ ngữ rõ ràng hơn, tránh sự định tính, cảm tính trong Luật.
TS. Lê Văn Cư chỉ ra các thuật ngữ cần sửa đổi trong dự luật.
Nhiều ý kiến thảo luận
Tọa đàm tiếp tục nhận được nhiều ý kiến thảo luận, phản biện, góp ý về dự thảo Luật Cấp thoát nước của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Hội chuyên ngành; Hội Xây dựng tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương.
Trong đó có các ý kiến đi sâu phân tích từng điểm dự thảo của KS. Nguyễn Huy Khôi - Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam...
Các đại biểu dự tọa đàm.
KS. Nguyễn Huy Khôi - Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam đưa ra những góp ý cùng dự thảo.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến theo hình thức trực tuyến.
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam nêu ý kiến về dự luật.
Buổi tọa đàm có ý nghĩa đóng góp lớn
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng cho biết: Đã có 12 ý kiến được các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội phát biểu trực tiếp và trực tuyến. "Đây đều là những góp ý có giá trị khoa học, kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết rộng. Sau đây Tổng hội sẽ giao bộ phận chuyên môn Tổng hợp lại các ý kiến để gửi đến Bộ Xây dựng và các cơ quan soạn thảo để làm sao chúng ta có Luật Cấp, thoát nước một cách đầy đủ và toàn diện nhất". Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Ban Tư vấn Phản biện LHHVN có mặt tại Tọa đàm cũng khẳng định, buổi tọa đàm do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội, của doanh nghiệp hôm nay đều rất đúng, rất trúng vấn đề, phân tích rất dễ hiểu.
"Chúng tôi cũng sẽ Tổng hợp và tham mưu cho Bộ cũng như cơ quan quản lý. Có lẽ chúng ta cũng cần thêm các buổi tọa đàm, thảo luận như thế này để có nhiều ý kiến hơn qua đó xây dựng luật cho chặt chẽ", đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) kết luận.
Trần Việt
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)
Giải pháp quy hoạch hành lang xanh và công viên ven biển Cửa Đại (16:32 - 05/12/2024)