Tổng hội Xây dựng Việt Nam hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao theo mô hình mới

15:53 - 24/11/2021

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng nước nhà là một trong những mục tiêu mà Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam hướng tới.

Sáng ngày 23/11/2021, Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam (VASECT) đã tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Đào tạo thí điểm chương trình theo mô hình mới của luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung). GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch VASECT chủ trì toạ đàm.

Buổi toạ đàm được kết nối từ điểm cầu chính toà CONINCO TOWER – trụ sở văn phòng Hội với sự tham gia trực tuyến của TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASECT, Chủ tịch HĐQT CONINCO, PGS. TS Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng đào tạo Đại học Thuỷ Lợi, ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam...cùng đại diện các trường đào tạo, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp (CONINCO, VNCC, CDC, HBC…).

GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch VASECT phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc toạ đàm, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch VASECT nêu rõ mục đích của buổi toạ đàm nhằm mở ra hướng đi mới, mô hình mới trong đào tạo giáo dục đại học phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tham luận tại toạ đàm, các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học hàng đầu và đại diện các doanh nghiệp chuyên ngành nhận định mô hình đào tạo cần có sự thay đổi, định hướng về cấu trúc, ưu tiên chất lượng, đảm bảo đầu ra tạo nhiều cơ hội việc làm cho cử nhân/kỹ sư/kiến trúc sư cũng như để cách doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển của Công ty.

Với mô hình đào tạo mới được triển khai, sẽ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao ở hầu hết các ngành/chuyên ngành hiện đang đào tạo với các bậc trình độ đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động cũng như kế hoạch học tập của từng sinh viên. Với định hướng xây dựng Chương trình đào tạo tiếp cận CDIO, cập nhật, tham khảo chương trình của các nước phát triển để hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên nền tảng truyền thống của Trường đào tạo, mô hình đào tạo chuyển đổi theo Khung trình độ Quốc gia là cơ sở nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, định hướng hoạt động đào tạo chuyển sang một giai đoạn phát triển mới tương xứng với vị thế cơ sở giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc của Việt Nam.

Các chuyên gia tham dự trực tuyến buổi hội thảo

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi về một số bất cập trong các trường đào tạo ngành nghề; chất lượng đào tạo của các trường.... và cùng nhau đưa ra các giải pháp để khắc phục những vấn đề tồn tại.

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Tham dự trực tuyến buổi tọa đàm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng đánh giá buổi tọa đàm này là một trong những sáng kiến rất cấp thiết và hữu ích: Chúng ta có truyền thống đào tạo từ lâu, nhưng từ đào tạo nhà trường đến thực tế làm việc còn phải đào tạo thêm vì hầu như sinh viên ra trường không làm việc được ngay. Hiện nay đã có sự điều chỉnh của Luật Giáo dục Đại học, có quy định khung trình độ quốc gia... nên các trường trong khối, ngành cũng dễ thống nhất được khung đào tạo chuẩn hơn. "Điều này có nhiều ưu điểm. Vấn đề nữa của chúng ta là làm sao tạo ra được mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước." Song, ông Dũng cũng băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng đào tạo trong các nhà trường: làm sao để người học có thể trau dồi được kiến thức tốt nhất nhằm khi ra trường có thể làm được việc.

TS. Đặng Việt Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà trường, các đơn vị quản lý thúc đẩy thêm nhiều hội thảo tương tự để bàn sâu hơn về các giải pháp giải quyết vấn đề chênh lệch từ học lý thuyết - áp dụng thực tế này; các vấn đề chưa phù hợp giữa chương trình đào tạo của Việt Nam so với nước ngoài; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển dụng để điều chỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đơn vị tiếp nhận...

Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam mong muốn sẽ có thêm những tọa đàm bàn sâu hơn về việc điều chỉnh các điều luật có liên quan đến đào tạo và sử dụng lao động sau này chứ không chỉ riêng Luật Giáo dục Đại học.

Tham dự buổi tọa đàm, với vai trò là một trong những doanh nghiệp Tư vấn xây dựng hàng đầu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CONINCO - ông Nguyễn Văn Công - đã đưa ra những ý kiến về việc đào tạo chuyên sâu trong ngành xây dựng đồng thời khẳng định hàng năm CONINCO sẽ tài trợ ít nhất 5 học bổng toàn phần chuyên sâu tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Kết thúc buổi toạ đàm, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên khẳng định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành xây dựng thì phải nâng cao năng lực của các trường đào tạo, tất cả vì sự phát triển lâu dài của ngành. Những trường kỹ thuật lớn hàng đầu Việt Nam như Xây dựng, Kiến trúc, thuỷ lợi, GTVT sẽ xây dựng, điều chỉnh mô hình đào tạo phù hợp với Việt Nam và dần tiệm cận phù hợp với thế giới, để nguồn nhân lực được đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu làm việc trong và ngoài nước.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam/Phạm Thành Huyên

Giải Pickleball 38 năm Tạp chí Người Xây dựng hướng về đồng bào vùng cao (10:25 - 16/12/2024)
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)