Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Xây dựng Quảng Nam tìm giải pháp phát triển đô thị
21:47 - 27/03/2024
Chiều 25/3, Đoàn công tác của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) về các nội dung liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh và thành phố Tam Kỳ.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc cùng Sở Xây dựng và lãnh đạo các huyện, thành phố tại Quảng Nam bàn về việc phát triển đô thị.
Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam do TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội làm Trưởng đoàn, đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ và Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam).
Về phía Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam có ông Nguyễn Phú - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng; ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở Xây dựng; ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ; lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, Phú Thịnh, Phú Ninh và đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn.
Tại buổi làm việc, Ts. Đặng Việt Dũng thay mặt Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nêu ra những nội dung chính, cần tập trung bàn thảo như: Tình hình phát triển đô thị của địa phương, trong đó đi sâu phân tích những vướng mắc, bất cập trong phân loại đô thị nhất là các chỉ tiêu về quy mô dân số, mật độ dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng; Những vướng mắc của tỉnh và thành phố Tam Kỳ trong quá trình đô thị hóa; Mô hình phát triển đô thị và mạng lưới đô thị đã phù hợp chưa?;
Chương trình phát triển đô thị ở địa phương (nguồn lực thực hiện; sự chồng lấn giữa các chương trình mục tiêu như chương trình nông thôn mới quốc gia…); Mối quan hệ giữa các khu đô thị mới với các khu công nghiệp, khu kinh tế (quản lý dân số, quan hệ với chính quyền địa phương; chia xe quyền lợi khi sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung);
Vướng mắc trong việc lấy ý kiến của cộng đồng cho các đồ án quy hoạch (đối tượng; hình thức và quyền quyết định?); Sự cần thiết khi phủ kín quy hoạch phân khu cho các đô thị loại III, loại IV;
Mô hình chính quyền đô thị (2 cấp) có phù hợp với phân loại đô thị và phân cấp đô thị; vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn; Cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành, UBND các huyện có phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về phát triển đô thị; Việc triển khai các chương trình cải tạo, nâng cấp tái thiết đô thị được thực hiện như thế nào? Hình thức huy động nguồn lực? Sự tự chủ của địa phương; Các bất cập, chồng chéo, khoảng trống pháp luật trong quản lý đô thị giữa các Luật khi triển khai áp dụng tại địa phương.
Một số ý kiến chia sẻ tại buổi làm việc cho thấy, tại Quảng Nam nhất là tại các huyện của tỉnh, các chỉ tiêu về dân số, về hạ tầng kỹ thuật rất khó đạt được theo quy định của Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên nhân được xác định là do không có nguồn lực đầu tư, các huyện miền núi dân cư thưa thớt chủ yếu là làm nông nghiệp, vì vậy không nên đánh đồng các đô thị khi sử dụng chung một bộ tiêu chí. Đầu tư hạ tầng ở huyện chủ yếu tập trung vào các dự án phục vụ dân sinh với nguồn kinh phí hỗ trợ thấp nên cần phải có sự phân loại cho từng loại hình đô thị; lược bỏ hoặc coi là những tiêu chuẩn “mềm” không bắt buộc khi xét phân loại cấp đô thị.
Ngoài ra, ở tỉnh còn có sự bất cập giữa phân loại đô thị với phân cấp hành chính. Vì vậy, lực lượng cán bộ công chức tham gia vào công tác quản lý phát triển đô thị không đáp ứng yêu cầu; Nguồn lực phát triển đô thị chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách của tỉnh được thực hiện theo Luật Ngân sách. Huyện chỉ được tự chủ từ nguồn thu của địa phương.
Chưa phân định rõ mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị và Chương trình nông thôn mới Quốc gia nên việc đầu tư theo các chỉ tiêu còn dàn trải, chồng lấn, do đó dẫn đến cần điều chỉnh phạm vi của từng chương trình.
Mô hình chính quyền đô thị chưa có sự khác biệt giữa cấp xã và thị trấn. Biên chế các cơ quan được thực hiện theo Luật Công chức, chủ yếu phân bổ theo đơn vị hành chính. Đối với các khu đô thị mới cũng chưa phân biệt rõ ràng đơn vị quản lý hành chính. Hiện ở Quảng Nam, các chủ đầu tư khi xây dựng xong sẽ bàn giao cho địa phương quản lý như là một dạng đầu tư công.
Việc lấy ý kiến cộng đồng chủ yếu vẫn áp dựng theo Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Quy hoạch và Nghị định 35. Tuy nhiên, cần phân định rõ áp dụng cho loại đồ án quy hoạch nào, đối tượng nào được hỏi ý kiến, hình thức xử lý sau khi có ý kiến của cộng đồng.
Về chương trỉnh cải tạo, chỉnh trang đô thị thường được thực theo Nghị quyết của tỉnh và Thành phố theo tiêu chí 35% vốn đối ứng của địa phương và 65% vốn ngân sách Thành phố, ngoài ra còn kêu gọi xã hội hóa trong cải tạo đường, điện ngõ, hẻm.
Về quản lý trật tự đô thị chủ yếu hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, nhân lực mỏng, đôi khi lại không có quyền xử phạt dẫn đến xây dựng sai phép, không phép vẫn tồn tại.
Một số bất cập về văn bản quy phạm pháp luật
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số bất cập, khó khăn hiện nay của văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đô thị. Đơn cử như, thể chế cho công tác quản lý phát triển đô thị còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu thực tế; chưa được luật hóa, thiếu các hướng dẫn cụ thể.
Một số tiêu chí phân loại đô thị chưa phù hợp, khó khả thi ở các địa phương nhất là các đô thị miền núi, nên cho phép giảm chỉ tiêu đối với các đô thị đặc thù xuống 70%.
Các đại biểu cho ý kiến về giải pháp phát triển đô thị tại Quảng Nam.
Việc phân định, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, chưa tính đến các yếu tố đặc thù. Cần có quy định cụ thể về phân loại đô thị gắn với phân cấp hành chính. Hiện các đô thị ở Quảng Nam đều gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, như vậy, ở tỉnh sẽ khó các đô thị loại II, loại III.
Mô hình phát triển đô thị thông minh chưa có những tiêu chuẩn quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cần có quy định về loại hình đô thị được phép thành lập cơ quan quản lý trật tự đô thị: chức năng, quyền hạn; mô hình hoạt động.
Luật Đấu thầu quy định quá cứng về lựa chọn tư vấn dẫn đến kéo dài thời gian, không hiệu quả do không đáp ứng yêu cầu.
Đề xuất xây dựng mô hình dịch vụ công để giảm áp lực cho các cơ quan quản lý ở địa phương về công tác quản lý phát triển đô thị.
Thay mặt Đoàn công tác, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cảm ơn lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo UBND TP. Tam Kỳ và UBND các huyện, phòng, ban chuyên môn đã chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn, cũng như những bất cập trong công tác quản lý đô thị của địa phương. Các ý kiến sau buổi làm việc sẽ được tổng hợp và báo cáo cáo gửi Bộ Xây dựng, nhằm góp ý tham gia đề án xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới.
Trần Thị Thanh Ý
Thông báo mới về tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (19:22 - 09/12/2024)
Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại (16:36 - 08/12/2024)
Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL (18:27 - 07/12/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương-Mê Kông 2024 (10:38 - 07/12/2024)