TS Đặng Việt Dũng chuyên đề 'Kiến tạo thể chế' và 'Hành động địa phương' tại Hội thảo khoa học

17:32 - 22/06/2024

Chiều 20/6, Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương" tiếp tục phiên thảo luận với hai nội dung "Kiến tạo thể chế" và "Hành động địa phương". Tại phiên thảo luận TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra một số gợi ý định hướng, giải pháp để giúp Ninh Bình phát triển bền vững

 

Ngày 20/6/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học"Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Đầu tư vào các đô thị có yếu tố di sản không chỉ mang lại hiệu quả và lợi nhuận về kinh tế, mà còn là đầu tư cho hình ảnh, vị thế, vai trò của cả một quốc gia, một địa phương. Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có những giá trị đặc sắc, nổi trội, riêng có về lịch sử - văn hóa và tự nhiên.


Các đại biểu thảo luận tại phiên chuyên đề.

Với gần 60% diện tích của đô thị Ninh Bình - Hoa Lư là quần thể Danh thắng Tràng An (trong đó có Cố đô Hoa Lư) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì vai trò của di sản là rất quan trọng trong định hướng, định hình phát triển của đô thị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm đã được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng, vận dụng tổ chức triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, khẳng định và tin tưởng: "Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới".

Đánh giá về tiềm năng của Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch -Hoàng Đạo Cương cho biết: Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, công tác nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực,thể hiện trên tất cả các mặt như nghiên cứu khoa học, củng cố bộ máy tổ chức, tuyên truyền và phổ biến giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng và thực thi các cơ chế, kế hoạch quản lý, đầu tư nguồn lực để bảo vệ di sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ Di sản thế giới Tràng An vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu giải quyết trong thời gian tới. Do đó, Hội thảo khoa học "Quản lý và phát triển thành phố Di sản cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương" sẽ là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế cho công tác bảo tồn, quản lý Di sản UNESCO vì mục tiêu kết nối các thành phố sở hữu Di sản thế giới ở Việt Nam với các thành phố Di sản.

Trong buổi sáng, các đại biểu thảo luận 2 chuyên đề: Chuyên đề 1 về Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO; chuyên đề 2: Nhận thức lý luận. Buổi chiều sẽ là chuyên đề Kiến tạo thể chế và hành động địa phương.


TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trao đổi tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận với hai nội dung "Kiến tạo thể chế" và "Hành động địa phương". TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng hướng đi của Ninh Bình theo hướng phát triển đô thị di sản, tập trung phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh là đúng đắng.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý thực tiến TS. Đặng Việt Dũng nêu ra những khó khăn, thách thức Ninh Bình sẽ phải đối diện. Đầu tiên là thiếu khái niệm, định nghĩa về đô thị di sản, điều này sẽ gây khó cho Ninh Bình trong trình quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, khi trình quy hoạch phải lấy trọng tâm là gì?

Thứ hai, do thiếu thể chế lại là địa phương tiên phong theo hướng phát triển đô thị di sản, đòi hỏi sự nỗ lực của cả bộ máy chính quyền Ninh Bình. Bên cạnh đó, Ninh Bình cần phải chuẩn bị nguồn lực lớn, bởi bên cạnh việc bảo tồn di sản, Ninh Bình còn rất nhiều lĩnh vực phải đầu tư, điều này đòi hỏi nguồn lực lớn.

Thứ ba, khi xác định phát triển đô thị di sản nhưng mô hình chưa có, điều này đặt ra chất lượng đội ngũ con người làm sao có thể đáp ứng được những nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ đạo đặc biệt tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai. Do đó cần có kế hoạch để đào tạo đội ngũ nhân sự để phù hợp với nội dung đang dự kiến triển khai.

Trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương". Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, Ninh Bình đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng nhằm bổ sung những luận cứ khoa học làm sáng tỏ hơn những lợi thế nổi trội, riêng có để hoạch định những chiến lược dài hạn cho Ninh Bình phát triển.

Các ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học trong các phiên thảo luận chuyên sâu đã giúp cho tỉnh Ninh Bình hiểu rõ hơn khái niệm về đô thị dựa vào thiên nhiên, giống như đô thị dung hòa với nông thôn, đây cũng chính là triết lý mà Ninh Bình đang theo đuổi. Đồng thời, tỉnh cũng nhìn nhận rõ hơn những thách thức, lợi thế cạnh tranh trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ; việc lựa chọn phương thức tiếp cận hiệu quả khi thực thi chính sách; đồng thời xác định rõ hơn vị trí, vai trò của Ninh Bình trong tiến trình phát triển của quốc gia, từ đó nhận thức rõ mục tiêu xây dựng Hoa Lư trở thành Thành phố di sản thiên niên kỷ là nhiệm vụ mang yếu tố lịch sử, là trách nhiệm với quốc gia và dân tộc.

Tiến Dũng

Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng kỷ niệm 25 năm thành lập (21:18 - 16/01/2025)
Thông báo kế hoạch tổ chức Vietnam Construction Awards 2025 và Diễn đàn Triển vọng ngành Xây dựng Việt Nam (lần 2) (15:31 - 16/01/2025)
Hội thảo “Công nghệ thi công cầu bản bê tông cường độ cao trên cọc BRC cho đường cao tốc” (15:38 - 14/01/2025)
Tạp chí Người Xây dựng tặng quà Tết cho đồng bào nghèo tại Lào Cai (11:17 - 13/01/2025)
Danh sách cấp chứng chỉ đợt 5 năm 2024 (10:24 - 12/01/2025)