Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị

15:33 - 09/11/2023

Hưởng ứng Ngày Quy hoạch đô thị thế giới và ngày Đô thị hóa thế giới, chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023".

 

Toàn cảnh Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023.

Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cùng nhiều diễn giả, chuyên gia đến từ các cơ quan Trung ương và Hà Nội, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng tham dự và đóng góp ý kiến tại diễn đàn.

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 sẽ gồm: 1 phiên khai mạc toàn thể và 3 hội thảo chuyên đề với các chủ đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”; “Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị”; “Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Diễn đàn đô thị Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, qua đó khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt còn thấp; Chất lượng đô thị hóa chưa cao; Mức độ tập trung kinh tế còn thấp; Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; Chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn..

Cùng với sự kiện thường niên "Ngày đô thị Việt Nam" (8/11), Diễn đàn là cơ hội để các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng đối thoại, chia sẻ, kết nối tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng đề xuất, định hướng trong phát triển bền vững đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại diễn đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thành tựu trong phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã được Nghị quyết tổng kết: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.

Tồn tại, bất cập trong phát triển đô thị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, vẫn còn nhiều bất cập cần tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa như: tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.

Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị…

Để khắc phục tồn tại và nhanh chóng đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.

Cùng với việc thể chế hóa, cơ bản hoàn thiện chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…, đưa kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; tăng chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao…

Chương trình hành động của Chính phủ cũng xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030; trong đó, đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể với 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Đây là căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các chính quyền đô thị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng Bộ, cơ quan và đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra” -Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.

Giải pháp phát triển đô thị bền vững

Tại Diễn đàn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị các diễn giả, chuyên gia và đại biểu trao đổi, làm rõ 5 vấn đề.

Thứ nhất là tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị hơn nữa.

Thứ 2 là chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị.

Thứ 3 là đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để quản lý phát triển đô thị bền vững.

Thứ 4 là thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ 5 là quán triệt quan điểm phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị. Thứ sáu là cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái phát biểu.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng nêu 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam mà Cục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng. Trong đó Chính sách về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, chính sách về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị và chính sách tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị được nhiều đại biểu quan tâm.

 

Hồng Lĩnh - Hữu Vỹ

Góp ý về Dự án Luật Quy hoạch Đô thị và Quy hoạch Nông thôn tại Quốc hội (11:17 - 16/04/2024)
Hành trình 20 năm của Văn phòng đại diện phía Nam Tổng hội Xây dựng Việt Nam (10:03 - 31/03/2024)
Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai và UBND Thành phố Pleiku (08:32 - 21/03/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh (18:45 - 19/03/2024)
Đoàn công tác Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM (18:12 - 19/03/2024)