Chặng đường 36 năm Giải thưởng Loa Thành ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên ngành Xây dựng
22:40 - 22/11/2024
Chặng đường hình thành và phát triển 36 năm của Giải thưởng Loa Thành (GTLT) đã khẳng định vai trò, ảnh hưởng và sự cần thiết của giải đối với các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên các trường đại học có chuyên ngành Xây dựng và Kiến trúc.
I. Bối cảnh ra đời
Cuộc thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường đại học Xây dựng & Kiến trúc được bắt đầu từ năm 1988 do sáng kiến của Hội Xây dựng Việt Nam (nay là Tổng hội Xây dựng Việt Nam). Tháng 1 năm 1989 Bộ trưởng Bộ Đại học, THCN và DN và Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam đã ký thông báo chung về chủ trương tổ chức cuộc thi “Đồ án tốt nghiệp xuất sắc” hàng năm cho sinh viên các trường đại học ngành Xây dựng và Kiến trúc trong cả nước. TƯ Đoàn TNCS HCM đã ủng hộ chủ trương này và đã tham gia tích cực trong suốt 36 năm qua. Năm 2000 và năm 2001 lần lượt Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng đã đồng hành và đã có nhiều đóng góp tích cực cho cuộc thi. Từ năm 2007 Giải thưởng đã được Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam bảo trợ hàng năm.
Giải thưởng được tổ chức hàng năm, cơ quan điều hành cao nhất là Hội đồng giải thưởng mà Chủ tịch Hội đồng luân phiên là đại diện từ các cơ quan chủ trì và Ban Tổ chức giải do Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm thường trực.
Trao giải các đồ án xuất sắc tại Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 – 2022
II. Kết quả
Tháng 3 hàng năm, Ban Tổ chức giải do Tổng hội Xây dựng Việt Nam làm thường trực có thông báo về kế hoạch tổ chức giải gửi về các trường, tiến hành tiếp nhận các đồ án dự thi từ tháng 5 đến tháng 9, thành lập Hội đồng chấm giải và tổ chức chấm giải, báo cáo Hội đồng giải thưởng tổ chức trao giải vào tháng 12 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Lễ trao giải hàng năm thực sự là ngày hội của sinh viên các trường đại học, với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các đơn vị chủ trì, bảo trợ giải thưởng, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông quan tâm, lãnh đạo, thầy cô và đông đảo sinh viên các trường kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc trên cả nước.
Từ khi ra đời đến nay, Giải thưởng Loa Thành (GTLT) đã có gần 4000 đồ án được tuyển chọn từ các đồ án tốt nghiệp xuất sắc thuộc các chuyên ngành: Kiến trúc – Quy hoạch, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Công trình giao thông, Công trình thủy, Kỹ thuật hạ tầng & Môi trường đô thị, Kinh tế và quản lý xây dựng của tất cả các trường có đào tạo ngành Kiến trúc & Xây dựng trên cả nước.
Hội đồng chấm giải chuyên ngành do ban Tổ chức giải thành lập gồm các GS, PGS, KTS là các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, các doanh nhân giàu kinh nghiệm và có uy tín. Hàng năm Hội đồng chấm giải đã làm việc nghiêm túc, công tâm và dân chủ, giúp Hội đồng GTLT chọn ra những đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất để trao giải. Cho đến kỳ trao giải lần thứ 35 (năm 2023) Hội đồng Giải thưởng đã trao tổng cộng 137 Giải nhất, 427 Giải nhì, 573 Giải ba và 590 Giải khuyến khích.
Các đồ án tham gia dự thi hàng năm được tuyển chọn cẩn thận, chặt chẽ từ hàng trăm đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên của mỗi trường. Các đồ án rất đa dạng về thể loại đề tài, phong phú về cách tiếp cận, theo xu hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước và cập nhật các xu hướng phát triển kiến trúc & xây dựng, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại trên thế giới, thể hiện sự khao khát sáng tạo của tuối trẻ. Và điều đáng mừng là trong vài năm gần đây nhiều đồ án của sinh viên đã chuyển hướng tập trung vào các vấn đề của xã hội như: bền vững, xây dựng môi trường xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, không chỉ mang tính thực tiễn cao, phù hợp với xu thế của thế giới mà còn thể hiện được thái đô trách nhiệm của tuổi trẻ đối với môi trường sống của con người. Nhiều đồ án có phương pháp nghiên cứu, phân tích khoa học, trình bày chuyên nghiệp rất có tiềm năng trong nghiên cứu khoa học. Một số đồ án được giải đã trở thành ý tưởng cho dự án đầu tư triển khai trên thực tiễn.
Nhiều sinh viên đoạt giải Loa Thành hàng năm đã và đang làm việc hiệu quả tại các đơn vị Tư vấn thiết kế, Thi công, Quản lý, hay tiếp tục thành công trên con đường học tập nâng cao, nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành giám đốc các Công ty tư vấn thiết kế, thi công, là TS, ThS, giảng viên đại học, là cán bộ quản lý cấp Vụ, Viện ngành Xây dựng, Kiến trúc ở TƯ và địa phương.
Giải thưởng Loa Thành không chỉ là sân chơi cho sinh viên mà còn là nơi để các Thầy cô và các trường cùng kiểm chứng kết quả đào tạo, tìm tòi đổi mới nội dung đào tạo và truyền ngọn lửa tinh thần nghề nghiệp cho sinh viên. Giải thưởng Loa Thành cũng là nơi để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động gặp gỡ trao đổi với các sinh viên tiềm năng, trở thành nơi ươm mầm cho sinh viên khởi nghiệp.
TS Đặng Việt Dũng phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Loa Thành 2023
III. Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức giải thưởng
Qua chặng đường 36 năm tổ chức giải thưởng, một số bài học kinh nghiệm được rút ra, gồm :
1. Vai trò, tâm huyết của những đơn vị tổ chức Giải thưởng
Giải thưởng Loa Thành được tổ chức bởi 04 đơn vị gồm : Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng và đơn vị bảo trợ là Liên Hiệp Hội Việt Nam. Đây là một giải thưởng luân phiên đăng cai hàng năm được phân công cho 04 đơn vị thực hiện, trong đó nòng cột là Tổng hội Xây dựng Việt Nam với tư cách là đơn vị thường trực. Thành công của giải đến hôm nay có được trước hết là nhờ tâm huyết của các đơn vị tham gia tổ chức, các đơn vị đã có sự phân công phân nhiệm cụ thể, có sự hỗ trợ tài chính kịp thời và thường xuyên có nhiều đổi mới trong tổ chức giải. Tuy nhiên, do điều kiện hoạt động của các đơn vị khác nhau, việc tổ chức giải trong thời gian dài vì vậy gần đây gặp khá nhiều khó khăn. Hầu hết các nhân sự tham gia đều mới, mức đô quan tâm đến giải chưa nhiều vì vậy thời gian để xin ý kiến triển khai thường kéo dài, công việc tổ chức bị động.
2. Sự tham gia của các trường
Sự thành công của Giải thưởng cũng được quyết định bởi sự tham gia tích cực của các trường trong khối Xây dựng và Kiến trúc, các khoa có giảng dạy chuyên ngành liên quan đến xây dựng ở các khối trường khác. Trong nhiều năm qua, nhận thấy đây là sân chơi bổ ích, có tác dụng động viên khuyến khích sinh viên hiểu thêm về nghề nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, lãnh đạo các trường đã tạo điều kiện về vật chất, thời gian để các thầy cô và sinh viên của trường tham gia tích cực vào quá trình lựa chọn đề tài, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và tuyển chọn các đồ án có chất lượng tham gia dự thi.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của thị trường và trong điều kiện phát triển của ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, nhiều trường đại học đã mở rộng lĩnh vực đào tạo sang nhiều ngành nghề khác và có trường đã thoát ly hẳn khỏi ngành đạo tạo truyền thống. Một số khoa của một số trường gần đây đã không tuyển được sinh viên hoặc tuyển khá hạn chế. Mặt khác đầu vào của sinh viên một số ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng khá thấp. Điều đó dẫn đến số lượng các trường và số lượng sinh viên tham gia Giải thưởng trong những năm gần đây không tăng, số lượng các đồ án được giải cao không nhiều. Một vài trường đã gửi các đồ án dự thi với số lượng không nhỏ, nhưng số đồ án đoạt giải lại rất khiêm tốn cho thấy chất lượng các đồ án và khâu tuyển chọn tham gia chưa tốt.
3. Nguồn tài chính đảm bảo hoạt động của Giải thưởng
Trong nhiều năm nguồn tài chính đảm bảo cho các hoạt động của Giải thưởng bao gồm các hoạt động chấm giải, tổ chức trao giải, tiền thưởng cho các sinh viên đoạt giải và các hoạt động hành chính khác có được từ nguồn đóng góp của các đơn vị tham gia tổ chức giải, các trường có sinh viên tham gia dự giải, của Liên Hiệp Hội Việt Nam và từ kết quả vận động các nhà tài trợ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Nguồn tài chính tuy không nhiều nhưng đã giúp công tác tổ chức Giải thưởng hàng năm thành công.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, nguồn tài chính tổ chức Giải thưởng rất khó khăn do nguồn tài trợ huy động từ các doanh nghiệp hạn chế, mức phí tham gia giải của sinh viên nhiều năm không tăng, kinh phí bảo trợ sụt giảm.
4. Mô hình hoạt động của Giải thưởng
Mô hình tổ chức của Giải thưởng được duy trì từ năm 1988 là năm thành lập Giải thưởng. Mô hình này thích hợp đối với giai đoạn đầu tổ chức giải, khi số lượng các giải thưởng cho sinh viên chưa nhiều, số lượng các trường có chuyên ngành đào tạo liên quan đến xây dựng không lớn, chủ yếu tập trung ở các trường lớn, chuyên sâu. Mặc dầu quy chế của giải đã được sửa đổi vào năm 2020, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về số chuyên ngành dự thi, loại đồ án dự thi, hạn chế trong loại hình giải thưởng, và phí tham gia giải của sinh viên. Bên cạnh đó thời gian thu đồ án, chấm đồ án, thời gian trao giải trùng với thời gian sinh viên đã tốt nghiệp dẫn đến sự huy động sự tham gia của sinh viên gặp khó khăn. Tiền thưởng cho sinh viên đoạt giải khá thấp không đủ chi phí bù đắp để sinh viên được giải và thầy cô có sinh viên đoạt giải tham dự lễ trao giải.
IV. Một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giải thưởng nhằm khơi dạy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ
Chặng đường hình thành và phát triển 36 năm của GTLT đã khẳng định vai trò, ảnh hưởng và sự cần thiết của giải đối với các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên các trường đại học có chuyên ngành Xây dựng và Kiến trúc. Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới phương pháp và nội dung giáo dục đại học và yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp, cần phải có những đổi mới toàn diện Giải thưởng Loa Thành thông qua một số giải pháp cụ thể như sau :
1. Nâng cao chất lượng đồ án dự thi
Thực tiễn quá trình lựa chọn các đồ án tốt trong số các đồ án tốt nghiệp xuất sắc đã được công nhận ở các trường cho thấy vẫn còn những đồ án chưa thực sự có sự đầu tư cả về nội dung và hình thức, nội dung của đồ án còn nghèo nàn, “kế thừa” nhiều các nội dung từ các đề tài dự án hoặc nội dung của các đồ án của những năm trước, một số đồ án vi phạm “liêm chính” khi sao chép, cóp nhặt nhưng thiếu trích dẫn nguồn, một số đồ án chưa bám sát thực tiễn, nặng hình thức, nhiều đồ án trình bày cẩu thả. Thực trạng này đặt ra yêu cầu đối với các trường cần làm tốt khâu giao nhiệm vụ đề tài cho sinh viên tốt nghiệp, kiểm soát việc đánh giá chất lượng đồ án tốt nghiệp ngay tại nhà trường, quan tâm tổ chức tốt khâu tuyển chọn đồ án tham dự giải hàng năm.
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bà Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư trao giải cho các sinh viên có đồ án đạt giải Nhì Giải thưởng Loa Thành lần thứ 35, năm 2023
2. Cải tiến nội dung và phương thức tổ chức tổ chức giải
Rà soát, điều chỉnh quy chế tổ chức giải đã được ban hành năm 2020, trong đó tập trung điều chỉnh về : Số lượng chuyên ngành tham dự giải, các yêu cầu cơ bản theo chủ đề hàng năm như các xu hướng mới của công nghệ và môi trường, quy mô về giải thưởng, mở rộng hình thức giải thưởng...
Thay đổi hình thức thi tuyển, áp dụng công nghệ số, tổ chức cho sinh viên bảo vệ đề tài trực tuyến, ban tổ chức tham gia lựa chọn đề tài tiêu biểu ngay tại thời gian các sinh viên tham gia bảo vệ.
Giám sát và cải thiện quy trình đánh giá lựa chọn các đồ án tốt để trao giải, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình chấm giải, công bố kết quả và phản hồi.
3. Thay đổi mô hình tổ chức giải
Với sự tham gia của nhiều bên để thực hiện giải thưởng dẫn đến sự cồng kềnh về tổ chức, thời gian chờ đợi về thủ tục hành chính quá dài. Giải thưởng chỉ là sáng kiến của hội nghề nghiệp không phải là giải thưởng được công nhận trong hệ thống giải chính thức vì vậy tính hấp dẫn và mức đô lan tỏa có hạn chế nhất định. Mặt khác hiện nay cũng đang tồn tại khá nhiều giải thưởng dành cho sinh viên hàng năm như: Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka là giải thưởng thường niên do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn và các tổ chức khác tổ chức, Giải thưởng Kiến trúc Xanh Sinh viên được bảo trợ bởi Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam và hàng trăm giải cấp trường khác, làm hoạt động của GTLT gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này yêu cầu cần có tính thống nhất chung về nội dung và các hình thức giải để hoạt động tôn vinh đi vào chiều sâu, chất lượng.
4. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giải
Tập trung truyền thông đến nhà trường và lực lượng sinh viên về quy mô, yêu cầu, nội dung, quyền lợi của giải thưởng ngay tại thời điểm sinh viên nhận và bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Mở rộng đối tượng truyền thông đến lực lượng đoàn thanh niên các trường, đến các đơn vị tham gia tổ chức giải thưởng để nâng cao nhận thức về mục tiêu, hiệu quả của giải thưởng. Tạo các câu lạc bộ hoặc diễn đàn cho các sinh viên từng đạt giải đang thành công trong các hoạt động nghề nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.
Thay đổi và mở rộng hình thức truyền thông, đặc biệt quan tâm quảng bá giải thưởng qua mạng xã hội, qua các hoạt động thường nhật của nhà trường. Xây dựng nền tảng trực tuyến để thu hút thêm người tham gia và theo dõi.
Tổ chức các sự kiện gặp gỡ, hội thảo định kỳ với sự tham gia của các cựu thí sinh và chuyên gia.
Tạo các hoạt động phụ trợ như workshop, triển lãm liên quan đến giải thưởng để thu hút thêm sự tham gia và lan tỏa giá trị giải thưởng.
5. Nâng cao giá trị giải thưởng và hỗ trợ sinh viên lâu dài
Tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước và quốc tế để bảo trợ giải thưởng lâu dài, tạo thêm cơ hội việc làm và thực tập nghề nghiệp cho sinh viên. Kết hợp trao học bổng và cơ hội nghiên cứu cho người đoạt giải. Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo từ các ý tưởng đạt giải. Thu thập ý kiến từ sinh viên và giám khảo để cải thiện quy chế và phương thức tổ chức cho các lần sau.
TS. Đăng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
66 đồ án giành Giải thưởng Loa Thành năm 2024 (14:19 - 23/11/2024)
Đô thị Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Nền tảng cho sự phát triển bền vững (11:18 - 11/11/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (11:56 - 07/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị (16:49 - 05/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong Quý III năm 2024 (10:50 - 23/10/2024)
Đô thị Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Nền tảng cho sự phát triển bền vững (11:18 - 11/11/2024)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (11:56 - 07/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị (16:49 - 05/11/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong Quý III năm 2024 (10:50 - 23/10/2024)