Đô thị biển Việt Nam và một số vấn đề

10:35 - 12/05/2021

Bài báo của TS. Nguyễn Hồng Hạnh Trưởng Ban TVPB & GĐXH Viện trưởng Viện nghiên cứu KTXD & ĐT Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại Tọa đàm “Tổng quan và thực trạng đô thị biển Việt Nam - một số quan điểm về kiểm soát phát triển”.

Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, được cha ông chúng ta dầy công khai phá, quản lý từ hàng trăm năm trước và truyền lại cho chúng ta cho đến ngày nay. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình để phát triển đất nước…”. Đó là ý chí, quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và chúng ta biết rằng, cách đây chừng 70 năm, thanh niên Việt Nam đã hát với khát vọng tự chủ cháy bỏng tâm can, ý chí vươn ra đại dương như một tiềm thức ngàn đời và niềm tự hào giống nòi chan chứa:

“Việt Nam minh châu trời đông

Việt Nam nước thiêng tiên rồng

Non sông như gấm hoa uy linh một phương

Xây vinh quang sáng trưng lên Thái Bình Dương”.

Biển và đại dương luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Bước vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khoa học - công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, cho phép con người sử dụng và vươn tới những vùng biển sâu và xa bờ để khai thác tài nguyên. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đó, các quốc gia ven biển ban hành luật lệ mở rộng phạm vi quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa.

Trong khi các quốc gia có năng lực khác nhau, sẽ làm chủ các vùng biển và thềm lục địa khác nhau, nếu không có một văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh phạm vi cũng như chế độ triển khai các hoạt động trên biển và đại dương phù hợp với xu hướng phát triển chung, đồng thời duy trì an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế, sẽ dẫn đến tình trạng bất công, nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường biển. Với cách tiếp cận nói trên, Malta - một quốc gia ven biển nhỏ bé ở châu Âu, mà đại diện là Đại sứ Arvid Pardo, một luật gia có tầm nhìn sắc sảo đã khởi xướng đề nghị Liên Hợp Quốc bảo trợ một Hội nghị quốc tế soạn thảo Công ước Luật Biển (năm 1967).

Sau hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế (kể cả các tổ chức phi chính phủ) Hội nghị đã thông qua văn kiện cuối cùng là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển vào ngày 30/4/1982 và ngày 10/12/1982 được ấn định là ngày mở ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica (gọi tắt là Công ước luật biển - UNCLOS 1982). Công ước Luật biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật biển 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Công ước Luật biển 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế, bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hoá các quy định mang tính tập quán. Công ước Luật biển 1982 thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay là nước đang phát triển… Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi các quốc gia phê chuẩn hoặc tham gia Công ước phải có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.

Khái quát về biển đảo Việt Nam

Căn cứ quy định của Công ước luật biển 1982, ngày 21/6/2012 Quốc Hội đã ban hành Luật Biển số 18/2012/QH13, tại Điều 3 đã xác định “Vùng biển Việt Nam bao gồm đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”, đây là cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế biển; quản lý, bảo vệ quốc phòng an ninh biển, đảo, trong đó có sự phát triển của các đô thị ven biển và đô thị hải đảo. Từ Điều 8 đến Điều 21 Luật Biển năm 2013 quy định cụ thể về cách xác định và chế độ pháp lý của từng vùng biển, cụ thể:

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Ở những khu vực chưa có đường cơ sở sẽ được Chính phủ xác định và công bố sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý, tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m.

Đồng thời, tại Điều 12, chế độ pháp lý của lãnh hải của Luật Biển số 18/2012/QH13 đã quy định cụ thể:

“1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam”.

Biển Đông và một số vấn đề liên quan biển đảo Việt Nam

Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược quan trọng trên thế giới, Biển Đông trải rộng từ vĩ tuyến 03 độ Nam đến vĩ tuyến 23 độ Bắc với diện tích bề mặt khoảng gần 4.000.000 km2 và được bao bọc bởi 9 nước và 1 vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Theo Công ước 1982, Biển Đông có tất cả các nội dung liên quan đến Công ước luật biển 1982. Biển Đông chứa đựng những tranh chấp có mức độ phức tạp nhất trên thế giới. Các tranh chấp Biển Đông chủ yếu xung quanh tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển trên Biển Đông.

Như chúng ta đã biết, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông được người Việt khai thác từ rất sớm, gọi chung một tên nôm là Bãi Cát Vàng. Từ thế kỷ XVII đến nay, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình. Tuy nhiên, trên Biển Đông hiện có 5 nước 6 bên đang tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trong đó:

- Trung Quốc đòi chủ quyền, quyền chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bao gồm 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển trên Biển Đông.

- Phillippines đòi 1 phần quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh gần với thềm lục địa của nó.

- Malaysia đòi chủ quyền các hòn đảo và khu vực mặt nước gần thềm lục địa của nó.

- Brunei cũng đòi chia phần ít nhất 2 hòn đảo và vùng mặt nước kẻ vuông góc từ 2 bờ biên giới của nó ra tận ngoài khơi trong khu vực Trường Sa.

- Ngoài ra, trên Biển Đông có Malaysia, và Singapore tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pulau Batu Putch; Campuchia yêu sách về một phần Vịnh Thái Lan.

Các tranh chấp trên Biển Đông khiến cho khu vực này nằm trong vùng bất ổn vì sự gia tăng sức mạnh quân sự giữa các bên.

Vào ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines làm đơn tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) kiện Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò đối với Biển Đông .

Vào ngày 11 tháng 12 năm 2014, Việt Nam tham gia vào vụ kiện nộp lên 3 tuyên bố: Việt Nam ủng hộ vụ kiện của Philippines; Việt Nam không chấp nhận đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra và đề nghị toà án ghi nhận về những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam về một số đảo như Quần đảo Hoàng Sa . Để bảo vệ quyền lợi của mình, Việt Nam đã cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng đang diễn ra của vụ kiện liên quan đến Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tòa án Trọng tài thường trực đã xác định thẩm quyền xét xử của mình về vụ kiện này cho dù Trung Quốc từ chối tham dự cuộc phân xử. Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Tòa án tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông .

Tòa nhất trí rằng Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “ đường chín đoạn ”. Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

Vào rạng sáng ngày 14.7.2020 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố lập trường của Mỹ về các yêu sách ở Biển Đông: “Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank - ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar) - ngoài khơi Indonesia. Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là phi pháp”.

I. KHÁI QUÁT VỀ ĐÔ THỊ BIỂN VIỆT NAM

1.1. Sự hình thành các đô thị biển Việt Nam

Trong bài viết này, về đô thị biển, cần làm rõ hai dạng là đô thị trên bờ biển và đô thị hải đảo, đây là hai hình thái đô thị đã được hình thành từ rất lâu đời và được xếp hạng như các đô thị khác trong hệ thống đô thị Việt Nam trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên các quy định này còn chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện.

Theo lịch sử Việt Nam, vùng ven biển là nơi sinh sống chủ yếu của ngư dân làm nghề cá và làng chài là điển hình của cuộc sống “có thì ăn, không có thì nhịn”, đất ven biển là nơi ở của người nghèo làm nghề đánh bắt hải sản. Trong suốt hàng chục năm sau giải phóng, chúng ta chỉ biết đến biển khi đi nghỉ mát như: Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang, Vũng Tàu.

Về hình thái đô thị, cho đến nay hầu hết các đô thị thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ, cho dù đó là Đô thị - cảng thị như Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn; hay Đô thị Biển với tiềm năng khai thác Dầu khí như Vũng Tàu, Quảng Ngãi, hay Đô thị biển được ưu đãi về cảnh quan, bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Nha Trang, Phan Thiết.

Năm 2007 Chiến lược Biển của Việt Nam ra đời và chúng ta quen dần với cụm từ “Biển đảo”, “Tiến ra Biển Đông”,… nhưng thực sự chưa nhìn thấy rõ ràng một Chiến lược cho các đô thị ven biển và hải đảo. Sự rõ ràng nhất có thể thấy là sự phát triển việc khai thác các bãi biển đẹp để làm du lịch, bằng những dự án nghỉ dưỡng suốt dọc chiều dài đất nước và theo một nguyên tắc chung là chỗ nào dễ, ít tốn công sức thì làm.

Trong thực tế phát triển đô thị Việt Nam, với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260km, trong suốt tiến trình lịch sử với sự giao thương qua đường biển (mặc dù còn rất ít), các đô thị ven biển - đô thị vùng duyên hải hay đô thị trên bờ biển (Urban Coastal Areas) cũng từ đó hình thành nên, với một số ít đô thị ven biển đã được xuất hiện và phát triển như:

- Vân Đồn (Quảng Ninh) tồn tại từ thời Lý sang thời Trần;

- Hội An (Haifo - 1653 và Faifo -1686) là đô thị cảng sông, kề biển với khu trung tâm nằm bên mép nước, nhà cửa san sát, sầm uất nối hai bờ sông Hoài. Hội An hình thành và phát triển gắn với kinh tế ngoại thương Đàng Trong, từ cuối thế kỷ XVI đầu XVII, là nơi thương thuyền Trung Quốc, Nhật, Xiêm, Philippines, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp đến buôn bán với nhà Nguyễn.

- Từ nửa sau thế kỷ XIX, đô thị ven biển gắn với hải cảng được hình thành là Đà Nẵng (Tourane), Hải Phòng, tiếp đến là Vũng Tàu và Nha Trang,...

Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước các đô thị ven biển Việt Nam có khoảng gần 40 đô thị ven biển, trong đó các đô thị gắn liền với dải đất ven bờ biển gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Thuận An, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cam Ranh, Tuy Hòa, Sông Cầu, Quy Nhơn, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Rí Cửa, Vũng Tàu, Hà Tiên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau,… và các

đô thị từ hình thái kề bờ biển đang chuyển sang tiếp cận biển như: Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh,…

Các đô thị duyên hải và đô thị hải đảo đã được thành lập như Phú Quốc (UBND tỉnh Kiên Giang đang trình CP thành lập TP. Phú quốc - Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày 31/7/2020), thành phố thông minh phía Đông TP. HCM (quận 2, quận 9 và Thủ Đức); Gò Găng - Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu; Chu Lai, Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam,

Vân Phong - Khánh Hòa, Vạn Tường - Quảng Ngãi, Chân Mây - Thừa Thiên Huế, Kỳ Anh - Hà Tĩnh; Nghi Sơn - Thanh Hóa; Quảng Yên - Quảng Ninh; Phát Diệm - Ninh Bình,… các đô thị đảo như Côn Đảo, Cát Bà và các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong một tương lai không xa rất có thể sẽ trở thành đô thị hải đảo tiền tiêu, với chức năng quốc phòng an ninh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và trung tâm kinh tế biển mới của Việt Nam.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã được cấp phép đầu tư cho rất nhiều khu đô thị trên dải đất ven biển và trên các hòn đảo trong phạm vi lãnh hải, đây cũng có thể là tiền đề cho việc thành lập các đô thị biển trong tương lai.

Như vậy, phải nói rằng mặc dù chưa có đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng các đô thị trên bờ biển, đô thị hải đảo Việt Nam đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ, chỉ theo thống kê chưa đầy đủ, sau khoảng hơn 100 năm Việt Nam từ chỉ có 3 đô thị ven biển (Vân Đồn - thời Lý, Hội An - cuối thế kỷ XVI, Đà Nẵng - 1888) đến nay đã trở thành một hệ thống với gần 40 đô thị ven biển và 01 đô thị hải đảo (Phú Quốc) đã thành lập và được Chính phủ công nhận.

1.2. Một số vấn đề của đô thị biển Việt Nam

Đô thị Biển - Trung tâm kinh tế và du lịch

- Tất các cường quốc đều có Đô thị Biển là trung tâm kinh tế bên cạnh một Thủ đô là trung tâm hành chính. Với Việt Nam, Hải Phòng đã từng được người Pháp lên kế hoạch phát triển là “Thủ đô kinh tế của Đông Dương”, nay Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng , trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý gắn liền với biển Đông, có nhiều bãi biển đẹp, có núi, có sông,… chính là cửa ngõ mà người Pháp đến với “Đàng Trong” và cũng đã là cửa ngõ giao thương quốc tế của nhà Nguyễn. Ngày nay Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thành phố New York không có bãi biển đẹp nhưng có Manhattan là trung tâm thế giới; Hong Kong không có bãi biển đẹp nhưng là trung tâm tài chính của Châu Á; Singapore không có bãi cát trắng, không có tiềm năng dầu khí nhưng vẫn là trung tâm tài chính của khu vực.

Những Manhattan, Hong Kong, Thẩm Quyến hay Singapore không ào ạt xây dựng các khu biệt thự triệu đô ven biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch, mà họ làm các trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ vận tải, hàng hải, căn hộ cao cấp với mật độ dày đặc, các công trình cao tầng để tối đa hóa không gian, chứa đựng nhiều tiện ích đan xen và thuận tiện… tạo ra nền tảng hạ tầng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng biển và thương mại biển.

Những chức năng cốt lõi này sẽ tạo ra nhu cầu về ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, ở và du lịch. Các trung tâm này luôn chiếm những vị trí giá trị nhất, có nghĩa là ven biển thay vì lùi vào trong đất liền thì các trung tâm này đã trở thành những điểm đến du lịch xuất sắc và đô thị biển đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ vì các cơ sở tạo thị như vậy.

- Biến đổi khí hậu có biểu hiện ngày càng bất thường tại các đô thị ven biển. Song vấn đề mấu chốt là hầu hết các đô thị ven biển của Việt Nam chưa có quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.

Vậy với Việt Nam, các đô thị trên bờ biển, đô thị hải đảo hiện nay đã tạo nên được các trung tâm kinh tế - tài chính tầm cỡ quốc tế để làm hạt nhân, kết hợp với các lợi thế có bờ biển, bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới để phát triển các đô thị biển như thế nào?

II. QUAN ĐIỂM VỀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BIỂN VIỆT NAM

2.1. Tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên biển

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới có gió mùa, có ánh nắng chan hòa, lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao, có 3.260 km bờ biển, nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Lăng Cô, Non Nước, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên… Có nơi núi ăn lan ra biển tạo thành vẻ đẹp kỳ thú như vịnh Hạ Long, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Giữa vùng biển Việt Nam còn có hệ thống đảo và quần đảo gồm hàng ngàn đảo lớn nhỏ nằm rải rác từ Bắc đến Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi đang có các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia.

Có thể thấy rằng, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, còn tương đối nguyên vẹn đặc biệt là tài nguyên biển với hơn 1 triệu km2. Từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang đều có những đặc thù riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên nhân văn, lịch sử, văn hóa nhưng nhìn chung đều có các điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, phù hợp với hình thức du lịch tham quan, nghỉ mát và nghỉ dưỡng theo hướng văn hóa và sinh thái và các ngành kinh tế biển khác như khai thác, chế biến dầu khí, nuôi trồng đánh bắt hải sản,…

Ngoài những thuận lợi nêu trên, vùng miền Trung với những bất lợi về khí hậu nắng nóng và khô hạn như ở Ninh Thuận, Bình Thuận,… lại tạo nên những hướng đi bất ngờ: nắng nóng quanh năm, độ khô, sự sa mạc hóa và những bãi biển trong xanh vô cùng tận và thủy sản tươi sống là xuất phát điểm lý tưởng cho ngành du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và các sản phẩm du lịch khác gắn với biển. Đây là cơ hội biến miền Trung thành vùng giàu có chính là bằng ngành kinh tế du lịch cùng với công cuộc đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững.

2.2. Các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước

a) Các chủ trương chính sách của Đảng

Đảng và Chính phủ đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, rồi đến các khu kinh tế ven biển với mục tiêu chính là khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, các tiềm năng kinh tế biển và giao thương hàng hóa bằng đường biển,… để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, tạo sự đồng đều giữa các vùng miền và phát triển đất nước đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện các mục tiêu đó cũng là một động lực quan trọng để hình thành các khu định cư mới, cải tạo các khu dân cư hiện hữu và các đô thị biển đã và sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa.

Nghị quyết 36/NQ-TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, định hướng tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh; đảm bảo các khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng... Mục tiêu đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển đóng góp 15% - 20% tổng GDP của cả nước, tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người, đảm bảo đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65% - 70% GDP cả nước, cụ thể như sau:

Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/3/2020, Nghị quyết đã xác định mục đích là cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã được đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/8/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Nghị quyết số 26/NQ-CP đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Trong đó về phát triển kinh tế ven biển đã xác định các nội dung, giải pháp; kế hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể như sau:

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo,…; xây dựng cơ chế chính sách, thuận lợi để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch,…

- Về kinh tế hàng hải: phát triển hệ thống cảng biển trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,… phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao,…

- Các ngành công nghiệp ven biển được xác định: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường; các ngành sửa chữa, đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo,…

- Các ngành kinh tế như khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng khai thác thủy hải sản đã được đưa ra các giải pháp cụ thể…

- Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: hình thành trung tâm nghiên cứu KHCN, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc, công nghệ sinh học biển, công nghiệp vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu,…đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước, quốc tế,…

b) Các văn bản pháp luật hiện hành

- Luật đô thị 2009 đã xác định: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa…”.

- Luật Du lịch số 44/2005/QH11 lần đầu tiên đã đã đưa ra khái niệm về Đô thị du lịch, đó là: “Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển du lịch và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị”. Tuy nhiên quy định chi tiết về Đô thị du lịch chưa được cụ thể hóa bằng bất cứ băn bản dưới luật nào.

Đến năm 2017 Luật Du lịch số 09/2017/2017/QH14 ngày 19/6/2017 ra đời thay thế cho Luật Du lịch số 44/2005/QH11, đã xác định các nội hàm về du lịch là: khách du lịch, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, chương trình du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch, cơ sở lưu trú du lịch... Tuy nhiên khái niệm về Đô thị du lịch không còn trong luật này nữa.

- Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH về Phân loại đô thị, trong đó tại Điều 9 đã quy định về một số đô thị có tính chất đặc thù, gồm có: Đô thị là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo; đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo. Đối với đô thị ở hải đảo, văn bản này đã quy định tiêu chí “trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội tối thiểu đạt 30% mức quy định của loại đô thị tương ứng”.

Như vậy chúng ta đã có quy định của luật pháp đối với đô thị ở hải đảo, và các tiêu chí quy định cho các đô thị này chỉ là thấp hơn so với các đô thị khác. Nhưng các quy định riêng đối với các đô thị trên bờ biển thì vẫn chưa có.

- Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, nhằm phát triển, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

- Quyết định số 77/QĐ-TTg Ngày 05/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định ưu tiên phát triển mạnh du lịch biển đảo, với một trong các giải pháp đầu tư hỗ trợ phát triển là xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng tàu du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch,..

2.3. Các trung tâm kinh tế lớn

a) Các khu kinh tế ven biển

Trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sau hơn 10 năm kể từ khi Khu Kinh tế mở Chu Lai được thành lập (2003) đến nay, cả nước đã có 18 Khu kinh tế ven biển trải dài suốt từ Bắc đến Nam, đã được quy hoạch, thành lập và được hưởng những cơ chế ưu đãi, với tổng diện tích là 697.800ha. Trong đó, khu vực miền Trung có 12 khu, miền Bắc có 3 khu và miền Nam có 3 khu.

Nhóm các khu kinh tế ven biển được lựa chọn đều có lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ hậu cần logistics, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung… Cùng với đó, các khu kinh tế ven biển cũng được tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, hệ thống sân bay, cảng biển… đồng bộ. Các chính sách cũng là động lực tác động quan trọng để tạo đà cho các khu kinh tế ven biển phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Sự phát triển các khu kinh tế ven biển cùng với lợi thế về vị trí địa lý của khu vực ven biển VN chính là động lực quan trọng cho việc phát triển các đô thị ven biển trong giai đoạn vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT đến cuối năm 2019, cả nước có 17 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha, ngoài ra KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT, nhưng chưa được thành lập.

Lũy kế đến cuối năm 2019, cả nước có 38 KCN nằm trong KKT với tổng diện tích khoảng 15,5 nghìn ha; trong đó 20 KCN đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 8,2 nghìn ha và 18 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích khoảng 7,3 nghìn ha.

Ước tính trong năm 2019, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 934 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 14,9 tỷ USD, nâng tổng số dự án vốn ĐTNN lên khoảng 9.487 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 195 tỷ USD.

Đối với các dự án đầu tư trong nước (ĐTTN), các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 814 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 355,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án ĐTTN lên khoảng hơn 9.486 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2.340 nghìn tỷ đồng.

Ước tính đến cuối năm 2019, có khoảng 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT trên cả nước, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%

b) Hệ thống cảng biển Việt Nam

Cảng biển là cửa sổ nhìn ra thế giới, như Đại thi hào A. Puskin gọi là “đục thủng cửa sổ vào châu Âu” cho việc xây dựng thành phố Sankt - Peterburg ngay trên vùng đầm lầy trên bờ biển Baltic, bởi quyết định thiên tài của Hoàng đế Nga Pie đệ nhất vào thế kỷ XVIII. Chiêm nghiệm lịch sử, các quốc gia biển bao giờ cũng phát triển nhanh hơn các quốc gia lục địa và đô thị - cảng biển không chỉ là đầu mối, mà là cầu nối trong sự phát triển của mỗi quốc gia với quốc gia khác.

Thực trạng hệ thống cảng biển Việt Nam: Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, đã xác định Việt Nam có 45 cảng biển được chia thành 6 nhóm:

- Nhóm 1: Cảng biển phía bắc từ Quảng Ninh tới Ninh Bình.

- Nhóm 2: Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh;

- Nhóm 3: Trung Trung bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi;

- Nhóm 4: Nam Trung bộ từ Bình Định đến Bình Thuận;

- Nhóm 5: Đông Nam bộ;

- Nhóm 6: Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, các nhóm cảng biển đang hoạt động bao gồm:

- 02 Cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế);

- 12 Cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực);

- 18 Cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương);

- 13 Cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi).

- Cảng biển loại I gồm: Cảng Quảng Ninh, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Khánh Hòa (định hướng phát triển là cảng trung chuyển quốc tế - loại IA), cảng TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ. Các cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 - 50.000 tấn, thực hiện vai trò đầu mối khu vực.

Một số điểm hạn chế của cảng biển Việt Nam: Hiện nay, kết nối các cảng biển lớn trên thế giới đều sử dụng phương thức vận tải lớn như đường sắt và đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ có cảng Hải Phòng được kết nối với đường sắt (cảng Cái Lân đã đầu tư nhưng chưa thể khai thác do thiếu đồng bộ về khổ đường), chưa có đường cao tốc riêng dành cho vận tải hàng hóa. Giao thông kết nối đường thủy bị hạn chế bởi tĩnh không các cầu vượt sông. Do đó, hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa tới cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian, chi phí vận tải. Bởi vậy, một vấn đề đặt ra là cần gắn cảng biển với vận tải đa phương thức để hệ thống cảng phát triển bền vững, chi phí logistics được kéo giảm.

Định hướng mới phát triển hệ thống cảng biển: Ngày 13/01/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 77/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cảng biển và tạo động lực cho phát triển các đô thị - cảng biển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về phát triển hệ thống cảng và quy hoạch hệ thống cảng của VN không thấy rõ các nội dung liên quan đến phát triển đô thị biển..

2.4. Quan điểm của một số nhà khoa học

- GS.TS. KTS. Nguyễn Việt Châu trong bài tham luận: Đi tìm bóng dáng đặc thù của Đô thị biển đã lưu ý: “Đối với đô thị biển thì nơi tập trung nhiều người nhất, dễ lưu lại bóng hình của mình nhất, phát triển nhanh chóng và sôi động nhất, nhưng cũng xâm chiếm thiên nhiên nhiều nhất chính là tuyến không gian ven biển - trục trung tâm của đô thị biển”. Về hình thái và bản sắc thì đô thị biển thì ông đã nhận xét “nếu lược bỏ phần cảnh quan ven biển, chúng sẽ bị lẫn ngay vào vô vàn các khuôn mặt, dáng hình của đô thị vùng đồng bằng khác;. Hình thái đó được tạo ra với mục đích khai thác nhiều hơn là tạo dựng, bởi quan điểm: mở đường lớn, có hạ tầng để thu hút đầu tư, khai thác lợi thế biển cho phát triển du lịch. Nhưng với các đô thị ven biển, việc làm trên nếu không cân nhắc kỹ sẽ làm cứng hoá nét mềm mại, duyên dáng của bờ biển, hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển, làm mất đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa biển và đô thị và cảnh quan...

- GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính đã có những nhận định các vấn đề trong việc phát triển đô thị biển Việt Nam trong giai đoạn vừa qua như sau:

Vấn đề thứ nhất: Việc xây dựng tổng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng duyên hải, trong đó có việc nghiên cứu và quy hoạch hệ thống các đô thị biển, chưa được chú trọng. Chẳng hạn, cần phải xác định hợp lý sự phân bố các cảng và đô thị cảng, sự lựa chọn ưu tiên trong khai thác tài nguyên bờ biển, sự xác lập những khu vực và những tuyến bờ biển cho các hoạt động kinh tế du lịch hiệu quả nhất…

Vấn đề thứ hai: Sự lạm dụng quá mức đất đai, sự xâm hại các giá trị cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc, nạn ô nhiễm môi trường bởi xây dựng và chất thải…

Vấn đề thứ ba: Quy hoạch xây dựng các khu du lịch - nghỉ mát hoặc chưa có hoặc có mà không được tuân thủ. Bờ biển bị chia nhỏ vụn thành lô, thửa. Bãi biển vô giá này chung số phận của các đô thị, nơi người sở hữu quyết định thay nhà quản lý. Nhà nghỉ mát thì có, kiến trúc của khu nghỉ mát không thành, đô thị lại càng không ra đô thị biển.

- PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh đã đề nghị xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện và một quy hoạch tổng thể phát triển vùng nhằm tổ chức lại lãnh thổ vùng ven biển theo các cấp quốc gia, cấp vùng, cấp huyện, cấp xã, các đô thị biển mới và các đô thị hải đảo. Việt Nam không thiếu Đô thị Biển, thậm chí ở những vị trí rất trọng yếu nhưng cần có những chiến lược riêng cho các đô thị này cả về kinh tế, xã hội và quy hoạch xây dựng thì mới tạo nên một thế mạnh của một Quốc gia biển.

MỘT VÀI ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên nhưng chưa biến những lợi thế này trở thành cơ hội để phát triển kinh tế biển và đô thị biển.

- Tuy đã có chủ trương về phát triển kinh tế biển của Đảng, Chính phủ nhưng các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

- Hiện nay, tuy đã có quy định của pháp luật về đô thị hải đảo nhưng chỉ là quy định giảm các chỉ tiêu so với đô thị cùng loại, không nêu lên được những yếu tố đặc thù cần phải phát huy hoặc cần phải bảo vệ.

- Các đô thị ven biển hiện nay đang được nhìn nhận như các đô thị đồng bằng, đô thị núi với tư duy phát triển tổng hợp đa chức năng, chưa thấy rõ tư duy phát triển các ngành kinh tế hướng biển là động lực phát triển của các đô thị có tiềm năng biển đảo.

- Vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển chưa thấy rõ là động lực cho phát triển đô thị biển.

- Chưa hình thành được các trung tâm kinh tế - tài chính lớn để tạo sức hút, làm nền tảng hạ tầng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế biển, du lịch, dịch vụ,… và hệ thống cảng biển trong các đô thị biển.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở các đánh giá về những vấn đề đã nêu, tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

- Xây dựng một Chiến lược phát triển đô thị biển gắn kết chặt chẽ với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của BCHTW Đảng;

- Bổ sung định hướng phát triển hệ thống đô thị biển đảo là nội dung lớn trong Điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2021 - 2045;

- Trong quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị cần xác định yếu tố cốt lõi tạo thị là một hoặc vài trung tâm kinh tế - tài chính - giáo dục đào tạo - y tế,… các ngành kinh tế du lịch - dịch vụ, song hành với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các khu dân cư để phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo;

- Xây dựng các quy định của pháp luật, làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và xây dựng phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo.

Trên đây là một vài nét chấm phá về đô thị biển Việt Nam, một số vấn đề đã và đang diễn ra trên bình diện quốc tế, vùng và quốc gia liên quan đến phát triển đô thị biển Việt Nam và xu hướng tiến ra biển, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế mà quỹ đất ven biển và không gian biển có thể mang lại cho phát triển các đô thị trên bờ biển và đô thị hải đảo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Đó là lý do chính để Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Tổng quan và thực trạng đô thị biển Việt Nam - một số quan điểm về kiểm soát phát triển” ngày hôm nay, nhằm làm rõ những vấn đề chính cần giải quyết trong thời gian tới, là cơ sở để Tổng hội XDVN có kiến nghị với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.

Tài liệu tham khảo

1. Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982.

2. Luật Quy hoạch 2017.

3. Luật Quy hoạch đô thị 2009.

4. Điều chỉnh định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

5. Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2009 - 2020.

6. Bộ Xây dựng (12.8.2020) - Những nguyên tắc cần thiết trong Quy hoạch và phát triển đô thị biển.

7. Báo Đại biểu nhân dân (23.7.2019) - Cảng biển Việt Nam phát triển mạnh sau hai thập kỷ quy hoạch.

8. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (2017) Đô thị biển Việt Nam - Tiếp cận vấn đề và suy ngẫm về đường hướng phát triển.

9. GS. Chu Hồi - Phát triển chuỗi đô thị biển, hướng đột phá trong sử dụng không gian biển Việt Nam.

10. GS. Mai Trọng Nhuận - Đô thị biển dễ tổn thương.

11. TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn - Quy hoạch đô thị và nhà cao tầng ven biển, bài học từ các đô thị ven biển Braxin.

12. Bùng nổ đô thị ven biển miển Trung - Báo Người Lao động (2019).

TS. Nguyễn Hồng Hạnh

Trưởng Ban TVPB & GĐXH

Viện trưởng Viện nghiên cứu KTXD & ĐT

Tổng hội Xây dựng Việt Nam

tonghoixaydung.vn

Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng (00:14 - 22/10/2022)
Phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (14:33 - 15/06/2022)
Công tác tư vấn phản biện là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam – cần tiếp tục duy trì phát huy (11:46 - 11/04/2022)
Tác động của đô thị hóa và đổi mới hệ thống quy hoạch đối với đường sắt (10:11 - 16/09/2021)
Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phát triển (14:32 - 10/08/2021)