Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Giữ nguyên Điều 10 là khẳng định bản chất giai cấp của Đảng

11:05 - 14/05/2021

Ngày 3.6 - ngày đầu tiên Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội trường - đã có hàng chục ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị giữ nguyên Điều 10 quy định về tổ chức Công đoàn trong Hiến pháp.

Bằng các phân tích xác đáng, lập luận sắc bén, cũng như thực tiễn về vai trò của tổ chức Công đoàn, các ĐBQH cho rằng, nếu công đoàn không được đặt đúng vị trí sẽ là điều bất lợi.

Vai trò của CĐ không thể thiếu trong Hiến pháp

ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) là người đầu tiên đăng đàn phân tích, đề nghị giữ nguyên Điều 10 trong Hiến pháp hiện hành quy định về tổ chức CĐ. Theo ĐB Tư thì CĐ là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và ngay từ Hiến pháp năm 1980 đã quy định rõ điều này. Hiện nay trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, vai trò của CĐ ngày càng được củng cố và lớn mạnh. Vì vậy, “vai trò của CĐ không thể thiếu trong Hiến pháp”, ĐB Trần Văn Tư kết luận và nhấn mạnh: Cần phải giữ Điều 10 về tổ chức CĐ không chỉ để bảo đảm hoạt động của CĐ, mà còn sự lớn mạnh của giai cấp công nhân - một tổ chức bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người lao động. “Nếu không có tổ chức CĐ và CĐ không được đặt đúng vị trí thì điều đó là điều bất lợi” — ĐB Trần Văn Tư khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Văn Tư, các ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) trong phát biểu của mình ngay sau đó cũng đưa ra các phân tích sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đề nghị giữ nguyên Điều 10 về vai trò của giai cấp công nhân trong xã hội.

Phân tích tỉ mỉ những vấn đề xung quanh Điều 10 trong Hiến pháp hiện hành, ĐB Y Khút Niê (Đắc Lắc) cho rằng, trước hết giữ nguyên Điều 10 theo như dự thảo trình xin ý kiến của nhân dân, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “rộng lớn” sau cụm từ “chính trị xã hội”, bởi các lý do: Một, cụm từ “rộng lớn” sẽ phản ánh đầy đủ, rõ nét hơn bản chất của giai cấp công nhân, của tổ chức CĐ là lực lượng hùng hậu, nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào tổ chức CĐ. Hai, giữ nguyên Điều 10 về vai trò, chức năng của tổ chức CĐ. Tức là quán triệt nhất quán quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rằng chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, thực tiễn đã chứng minh là đúng, đã có đủ cơ sở; còn những vấn đề chưa rõ, chưa cần thiết sửa đổi cũng được, không sửa cũng được thì không sửa.

ĐB Y Khút Niê phân tích: Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng VN, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, mà tổ chức đại diện cho GCCN là tổ chức CĐ. Như vậy, quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ tại Điều 10 trong Hiến pháp hiện hành là hợp lý, là đúng đắn, là khẳng định bản chất giai cấp của Đảng, là kế thừa và phát triển theo hướng tích cực. Trên cơ sở đó, CĐ tiếp tục làm tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nghị quyết của Đảng. Điều đó phù hợp với tinh thần Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai), với những lập luận từ lịch sử và thực tế, khẳng định “Về Điều 10, tôi đồng ý chọn phương án 2, bởi lẽ thực tiễn đã chứng minh CĐ là một tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị-xã hội khác. Vì vậy, CĐ đã được ghi nhận trong Hiến pháp VN gần 55 năm qua. CĐ luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động. Trong đó, giai cấp công nhân là đội quân tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, việc giữ lại Điều 10 quy định về tổ chức CĐ Việt Nam như dự thảo đã công bố để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức CĐ là hoàn toàn đúng đắn.

Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Kỳ Anh

“Bàn giữ Điều 10” sôi nổi bên hành lang Quốc hội

Trò chuyện với phóng viên Lao Động trong giờ nghỉ giải lao, ĐB Trần Văn (Cà Mau) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH - chia sẻ: Cần phải giữ nguyên Điều 10 trong Hiến pháp hiện hành vì có nhiều lý do, trong đó có lý do Điều 10 đã ổn định trong Hiến pháp nước ta gần 55 năm nay. Tình hình càng phức tạp, vấn đề về bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân, người lao động càng đặt ra cấp bách hơn. Vì thế, không có lý do gì bỏ Điều 10.

Cũng theo ĐB Trần Văn: Tổ chức CĐ Việt Nam là tổ chức đại diện của giai cấp công nhân. Kinh tế càng phát triển, giai cấp công nhân càng phát triển, lớn mạnh thì vai trò của tổ chức CĐ ngày càng quan trọng. Vì vậy, hiến định địa vị pháp lý để nâng cao vị thế vai trò của tổ chức CĐ là vô cùng cần thiết. Bình luận về ý kiến muốn đưa cả tổ chức CĐ gộp chung với các tổ chức xã hội khác vì để “bình đẳng”, ĐB Trần Văn cho rằng, vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là điều đã được lịch sử và thực tiễn cách mạng cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước khẳng định. Việc các bản hiến pháp có điều riêng quy định về tổ chức CĐ không chỉ chứng minh điều đó, mà còn khẳng định bản chất giai cấp của Đảng, của Nhà nước.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng dành phần lớn thời gian nghỉ giải lao giữa phiên thảo luận sáng 3.6 để chia sẻ với phóng viên báo chí điều ĐB tâm đắc. ĐB Trần Ngọc Vinh khẳng định: Giữ Điều 10 là một trong những vấn đề lớn và nhiều người ủng hộ, không nên gộp Điều 10 vào Điều 9. “Có nhiều ý kiến cho rằng, có 6 tổ chức chính trị-xã hội thì mỗi tổ chức có nhiệm vụ chức năng, tổ chức nào cũng quan trọng, nhưng CĐ là một trong những thiết chế hết sức quan trọng. Đảng là của giai cấp công nhân, công nhân là tiền phong. CĐ được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân... Vì vậy, không thể gộp Điều 10 quy định về tổ chức CĐ vào với tổ chức khác” - ĐB Trần Ngọc Vinh nói.

ĐB Vinh phân tích, theo chỉ đạo Ban sửa đổi HP, nói rằng những gì ổn định thì để nguyên. CĐ ta đang phát triển, sao phải gộp vào? Trước đây cũng đã lý luận nhiều rồi mới để riêng. Nay sao phải xóa đi ? Một số thế lực thù địch đã xiên xỏ về Điều 4, không được thì quay ra nói tới CĐ. “Đảng như cây, có nhiều rễ, CĐ là rễ lớn, nếu bỏ sẽ suy yếu” - ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh và thiết tha đề nghị giữ nguyên Điều 10 quy định về tổ chức CĐ trong Hiến pháp hiện hành.

Giữ nguyên Điều 10 và bổ sung chức năng phản biện

Ghi nhận của phóng viên Lao Động, trên diễn đàn Quốc hội ngày 3.6, có một vài ý kiến cho rằng không nên giữ lại Điều 10 về tổ chức CĐ trong Hiến pháp hiện hành, mà nên gộp vào khoản 2, Điều 9; tuy nhiên, các ý kiến này đều chỉ nêu ra đề nghị như vậy mà không có bất kỳ sự phân tích, lý giải nào cho đề nghị đó. Trả lời thắc mắc của chúng tôi, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, một số có ý kiến như vậy do nghiên cứu không sâu, chưa ý thức được về tính chất đại diện cho một phương thức sản xuất, cũng như vai trò khác hẳn của giai cấp công nhân VN. ĐB Đặng Ngọc Tùng cũng chia sẻ với báo chí rằng, các đại biểu ở thành phố công nghiệp rất quan tâm đến CĐ, đều chọn giữ Điều 10 trong Hiến pháp vì nhiều lý do xác đáng, nhất là khi ở VN đang phát triển nhiều thành phần kinh tế. Hiến pháp đã nói rõ, hơn ai hết, bảo vệ quyền lợi của công nhân phải có CĐ. “Ta định hướng đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, mà việc đẩy mạnh CNH, HĐH không có công nhân thì không thể làm được? Giữ lại là Điều 10 là hoàn toàn cần thiết và cần bổ sung chức năng phản biện.”- ĐB Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

tonghoixaydung.vn

Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 (09:40 - 01/11/2022)
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)