Góp ý cho bản Hiến pháp sửa đổi - Chuyên đề về đất đai
16:25 - 11/05/2021
Vì lợi ích quốc gia, Nhà nước được quyền trưng mua quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất theo giá không gây thiệt hại về kinh tế cho người đang sử dụng.Viết như vậy thể hiện dân là chủ, dân cho phép Nhà nước được quyền trưng mua vì lợi ích quốc gia. Như thế việc trưng mua của dân sẽ phải rất thận trọng, cân nhắc...
1. Một số nội dung chính về đất đai rút ra từ các quy định của Hiến pháp
- Hiến pháp 1946 không nêu gì về đất đai, Hiến pháp 1957 tuy không viết ra, nhưng ngầm hiều đất đai là đa sở hữu (lúc đó nước ta còn chia làm 2 miền, chưa thống nhất).
- Bắt đầu từ Hiến pháp 1980 cho đến nay đều khẳng định: Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Từ Hiến pháp 1992 đến nay cho phép tổ chức cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất.
- Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có 2 nội dung mới về đất đai:
a) Công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
b) Trong trường hợp thật cần thiết nhà nước thu hồi đất có bồi thường (Điều 58), trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường (Điều 56).
2. Kinh nghiệm quốc tế với vấn đề đất đai
Trên thế giới, ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba còn có một số nơi như Hồng Kông, Singapore... có chế độ công hữu đất đai; hay ở Anh, Úc, Canada có chế độ đất đai là của Vua, của Nữ hoàng... (Crown Land) nhưng không vì thế mà họ gặp trở ngại gì bởi đất đai dù là tư hữu hay công hữu được thể hiện ở quyền sử dụng đất đều được người ta quy vào tài sản. Quyền sử dụng đất chính là quyền tài sản vì thế khi đăng ký (gọi là Giấy đăng ký bất động sản), người ta ghi rõ ngôi nhà đó dài rộng, số tầng và chiều cao là bao nhiêu, có loại cây cối gì quan trọng, trên mảnh đất kích thước và diện tích bao nhiêu, đông tây nam bắc giáp đâu, khác với sổ đỏ, sổ hồng của ta ghi khá lòng thòng là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất”.
Trên thế giới, các nước dù là đất đai thuộc công hữu hay đa sở hữu, họ cũng thường xuyên gặp phải chuyện trưng mua, trưng dụng đất đai để làm các công trình phục vụ lợi ích quốc gia. Việc trưng mua, trưng dụng này theo luật định. Tên của luật có khác nhau, nhưng nước nào cũng có (ngay ở nước ta thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, thời chính quyền Sài Gòn cũ cũng đều có). Theo quy định của luật thì những người bị trưng mua đất vì mục đích quốc gia thường ít khi bị thiệt thòi. Với các dự án phục vụ cộng đồng không mang tầm quốc gia thì chỉ có một cách duy nhất là “thuận mua vừa bán” và kêu gọi tinh thần cộng đồng của người chủ sở hữu.
Do có những quy định rõ ràng như vậy nên ở các nước ít khi xảy ra chuyện kiện tụng hay phản ứng. Nói chung thì ít, nhưng không phải là không có. Như ở miền Nam ngày xưa, khi mở rộng con đường Sài Gòn - Biên Hoà, chính quyền Sài Gòn chỉ đền bù những ngôi nhà kiên cố, có giấy đăng ký bất động sản, những căn nhà tạm ven đường thì không đền bù; dân không chịu di chuyển, chính quyền dùng lực lượng vũ trang tưới xăng đốt nhà... Như ở Pháp, một con đường liên tỉnh đã làm xong, thông xe rồi mà ở giữa con đường vẫn tồn tại một ngôi nhà 2 tầng có người sinh sống, bị cắt điện nước, họ lấy nước từ stec, và chạy điện máy nổ. Ở Nga (Liên Xô trước đây), khi xây dựng một nhà máy thuỷ điện lớn, mọi người dân đã di dời hết, vẫn còn một vài gia đình không đi, cần cẩu, máy ủi bao quanh, ông chủ nhà leo lên ôm nóc nhà và công trường cũng phải bó tay, ở Mỹ cũng có những cuộc biểu tình phản đối việc trưng mua đất vì lợi ích mà họ cho rằng thực chất không phải là lợi ích quốc gia ...
3. Công luận về đất đai qua Hiến pháp sửa đổi lần này
Sau khi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đưa ra toàn dân góp ý thì nội dung về đất đai được đông đảo công dân tham gia góp ý. Vì quy định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nên một số ý kiến cho đó là nguyên nhân gây kiện tụng, tranh chấp, thiếu công bằng. Nhà nước chính là chính quyền địa phương được phân cấp, chủ yếu là cấp quận, huyện được giao quyền quản lý, quyền cấp, thu hồi đất. Đây là cơ hội cho các quan tham kết hợp với nhà đầu tư thoả sức hoành hành. Cho nên để giải quyết tận gốc vấn đề này đã có một số người đề nghị phải đa sở hữu đất đai như nó vốn có từ ngày dựng nước cho đến trước năm 1975. Lập luận của họ là nếu đa sở hữu đất đai thì các quan tham sẽ hết cửa ăn, sẽ không còn kiện tụng tập thể kéo dài, bởi đất của ai thì người ấy giữ.
Phần đông ý kiến có tính áp đảo và quyết liệt là phản đối việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bởi theo ý của mọi người thì người dân sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình vì lợi ích quốc gia, nhưng họ không chịu nổi cảnh bất công, tước đoạt quyền lợi chính đáng của họ để làm giàu cho các chủ đầu tư cũng như làm giàu cho các quan tham. Điều đó thể hiện ở chính sách và cách đền bù không thoả đáng ... (vấn đề này báo chí đã nói quá nhiều).
4. Suy nghĩ của chúng tôi
a) Về sở hữu toàn dân hay đa sở hữu về đất đai
Khác với các nước, Việt Nam có đặc thù riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, cải cách ruộng đất, giải phóng miền Nam, xây dựng CNXH. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, do công sức cải tạo, bồi bổ của nhiều thế hệ trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; vốn đất đai ngày nay là thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã bằng mồ hôi xương máu hy sinh cả tính mạng để giành lại từ tay đế quốc, phong kiến. Do đó đất đai không của riêng ai, không của một tầng lớp giai cấp nào mà phải thuộc về toàn dân tộc Việt Nam. Chỉ có Nhà nước Việt Nam mới đủ tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu toàn dân. Cũng cần phải khẳng định rằng mọi sự kiện tụng tranh chấp về đất đai không phải vì cụm từ sở hữu toàn dân, cũng không phải vì cụm từ Nhà nước quản lý, người dân không ai thắc mắc gì về 2 cụm từ này. Đất nước chậm phát triển cũng không phải vì 2 cụm từ này mà ngược lại nếu biết cách sử dụng thì 2 cụm từ này sẽ giúp cho đất nước ổn định và phát triển vượt bậc. Vì những lẽ trên, chúng tôi thấy những quy định của Hiến pháp là đúng, là tất yếu, phù hợp với điều kiện riêng củaViệt Nam. Thiết nghĩ cũng không cần bàn luận thêm.
b) Về thu hồi đất vì lợi ích công cộng, cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội
Vấn đề này cần được phân tích kỹ hơn. Nước ta là nước đang phát triển, đúng hơn là nước còn chậm phát triển, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn nên rất cần các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án công cộng. Ví như dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận, nhà máy thuỷ điện Sơn La, khu công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất, khu công nghệ cao, hoặc xây dựng một trường đại học mang tầm cỡ quốc tế... thì rõ ràng là Nhà nước phải thu hồi đất để xây dựng cho dù dự án đó có khi là của nước ngoài, của tư nhân. Không lẽ chỉ vì một vài gia đình không chịu di dời thì phải dừng dự án, làm chậm trễ sự phát triển của đất nước. Nhưng với những dự án công cộng như xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, phòng họp của tổ dân phố... thì chẳng lẽ Nhà nước cũng thu hồi đất của dân. Ở đây có một vấn đề quan trọng đặt ra là: Ai, cơ quan nào xác nhận đó là dự án thật quan trọng, thật cần thiết. Nếu như người giao đất, người thu hồi đất, người xác nhận trường hợp thật cần thiết đều cùng là một người, đều cùng là một cơ quan thì người dân chỉ còn cách chịu chết hoặc là phải làm giống như vụ Tiên Lãng, Văn Giang...
Đây chính là chỗ hở của dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này. Nhưng cũng khó, bởi Hiến pháp là luật gốc, không thể quy định chi tiết được, cho nên Luật Đất đai phải quy định chi tiết việc này. Ví như: Trường hợp thật cần thiết là những trường hợp nào, ai là người xác nhận đó thực là cần thiết; dự án phát triển kinh tế xã hội là những loại dự án nào, dự án công cộng là những loại dự án cỡ nào.
Có một nghịch lý là có giao đất thì có thu hồi đất khi cần thiết bởi đất là của toàn dân mà Nhà nước là đại diện quyền sở hữu. Nhưng Hiến pháp lại công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản, mà quyền tài sản thì không thể bị thu hồi nếu như người chủ không vi phạm pháp luật. Chính vì vậy để tránh sơ hở ngay từ khâu dự thảo Hiến pháp, để dễ dàng cho Luật Đất đai cụ thể hoá, tôi đề nghị viết lại Khoản 3 Điều 58 của Hiến pháp sửa đổi như sau:
Vì lợi ích quốc gia, Nhà nước được quyền trưng mua quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất theo giá không gây thiệt hại về kinh tế cho người đang sử dụng.
Viết như vậy thể hiện dân là chủ, dân cho phép Nhà nước được quyền trưng mua vì lợi ích quốc gia. Như thế việc trưng mua của dân sẽ phải rất thận trọng, cân nhắc. Lợi ích quốc gia có thể là an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, làm cầu làm đường, thậm chí kể cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tầm thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của vùng miền. Việc trưng mua có thể bằng tiền, bằng quyền sử dụng đất ở nơi khác, bằng cổ phần cổ phiếu, bằng nhà hoặc căn hộ tái định cư được quy đổi tương đương. Nếu đề nghị trên được chấp nhận thì cụm từ thu hồi quyền sử dụng đất vốn lâu nay ám ảnh và làm nhiều người lo sợ sẽ lùi vào dĩ vãng. Luật Đất đai sẽ phải cụ thể hoá vấn đề này. Tôi tin rằng với nội dung như vậy sẽ chấm dứt được việc phê duyệt dự án cũng như thu hồi đất tràn lan như những năm trước đây, gây nên tình trạng ứ đọng bất động sản, lãng phí tài sản cũng như khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Đất nước chúng ta sẽ đi vào kỷ nguyên xây dựng bền vững.
KS. Nguyễn Xuân Hải – UVBCH Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)