Ngành Giao thông 'hiến kế' tạo nguồn đất đắp thi công cao tốc Bắc-Nam
11:01 - 27/09/2021
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông, trong đó đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 60/CP.
Bỏ quy định “không tăng trữ lượng đã cấp phép”
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc Nam, nhất là nguồn đất đắp nền đường, đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ cho các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thực tế một số mỏ có thể tiếp tục nâng công suất khai thác, tăng trữ lượng để đáp ứng nhu cầu đất đắp nền đường cho các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam. Hiện, cả 9/11 dự án thành phần qua 11 tỉnh thiếu hụt nguồn đất đắp ở các mức độ khác nhau gồm: Mai Sơn - Quốc lộ (QL)45 (tỉnh Ninh Bình), QL45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).
Ngành Giao thông 'hiến kế' tạo nguồn đất đắp thi công cao tốc Bắc Nam.
Các dự án vẫn đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 đất đắp, gồm 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 tại các mỏ đã cấp phép khai thác, nhưng do chưa giải phóng mặt bằng hoặc cự ly vận chuyển xa, nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.
Điều này cho thấy, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị quyết 60 cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị lược bỏ quy định: “Không tăng trữ lượng đã cấp phép” tại điểm b khoản 1 Nghị quyết 60. “Việc lược bỏ quy định này nhằm tăng nguồn cung cấp cho dự án trong thời gian chờ các mỏ bổ sung làm thủ tục cấp phép”, Bộ GTVT nêu rõ Theo Nghị quyết 60 hiện hành, các mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng và khả năng khai thác thực tế.
Đơn cử, theo khảo sát của các Ban Quản lý dự áo giao thông (đơn vị chủ đầu tư) các dự án cao tốc, mỏ Hàm Trí (Bình Thuận có trữ lượng 93.000 m3, có thể tăng lên 400.000 m3, mỏ Hàm Cần (Bình Thuận) có trữ lượng 53.000 m3, có thể tăng lên 200.000 m3 hay mỏ Núi Ếch (Bình Thuận) có trữ lượng 384.000 m3, có thể tăng lên 600.000 m3...
Qua tìm hiểu tại các dự án, việc tháo gỡ quy định nêu trên trong Nghị quyết 60 là cần thiết. Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (đơn vị đang thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận) cho biết, dự án hiện có 22 mỏ đất, với trữ lượng 9,25 triệu m3. Trong đó, 6 mỏ đang khai thác, với trữ lượng 1,45 triệu m3; 5 mỏ đang hoàn chỉnh thủ tục cấp phép, với trữ lượng 1,77 triệu m3. Ban đã đề xuất bổ sung các mỏ mới không qua đấu giá để kịp tiến độ thi công. Tỉnh Bình Thuận cũng đã nâng công suất (tối đa 50%) đối với các mỏ được đề xuất, đang hoàn thiện thủ tục khai thác trong tháng 10...
Điều chỉnh công suất theo nhu cầu dự án
Một vấn đề nữa liên quan trực tiếp đến nguồn cung vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Bắc Nam cũng được Bộ GTVT "hiến kế" là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua được điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường theo nhu cầu của từng dự án thành phần tại địa phương và được cấp phép khai thác ngay, không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ khoáng sản phục vụ thi công dự án, tương tự khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và an toàn.
Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh, thành phố. Sau khi cung cấp đủ vật liệu san lấp cho các dự án thành phần thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản UBND các tỉnh, thành phố đã cấp trước đó.
Lý giải về đề xuất này, theo rà soát của Bộ GTVT cho thấy, nhiều mỏ đất đắp trong khu vực có điều kiện thuận lợi (chất lượng vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trữ lượng còn, cự ly vận chuyển hợp lý…), nhưng công suất khai thác ghi trong giấy phép mỏ thường chỉ từ 20.000 - 40.000 m3/năm, nên việc nâng công suất khai thác theo Nghị quyết 60 (thêm 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác) cũng không khai thác hết trữ lượng của mỏ trong thời gian thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam; đồng thời, không giải quyết được việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án để các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ triển khai.
Theo Báo Tin tức
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)