Nhìn lại một năm hoạt động nhiều dấu ấn từ sự thích ứng linh hoạt của Tổng hội Xây dựng Việt Nam

14:43 - 10/01/2022

Năm 2021 những tưởng rất khó khăn với hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng với sự đổi mới tư duy, thích ứng linh hoạt, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có một năm đáng nhớ với nhiều hoạt động hiệu quả. TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Người Xây dựng trước thềm năm mới 2022.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc những thành tích của Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong năm vừa qua?

TS. Đặng Việt Dũng: Năm 2021 là năm cả nước nói chung, ngành xây dựng nói riêng, trong đó có các Hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp muôn vàn khó khăn bởi đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ trí thức, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đoàn Chủ tịch, cùng với sự quan tâm phối hợp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Xây dựng, Tổng hội cơ bản hoàn thành chương trình công tác năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra, có nhiều bước tiến bộ với 10 dấu ấn quan trọng:

1 - Chủ động phối hợp hợp tác: Đây là năm đầu tiên Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã chủ động đề xuất và ký kết văn bản hợp tác với: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch, phát triển đô thị Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và cùng các Hội bạn phối hợp tổ chức đào tạo, hội thảo và có nhiều kiến nghị đến các cơ quan các cấp thẩm quyền đề xuất giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp như giá thép, gia hạn chứng chỉ hành nghề.v.v... Bên cạnh đó Tổng hội cũng chủ động làm việc với các Cục, Vụ và một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để phối hợp chặt chẽ trong công tác.

2 - Tổ chức thành công các hội thảo lớn quốc gia: Một trong các điểm nhấn trong năm 2021 là Tổng hội tổ chức thành công 02 cuộc hội thảo quốc gia gồm hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” phối hợp cùng với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hội An vào ngày 16.1.2021 và hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 31.21.2021 tại Thủ đô Hà Nội. Các cuộc hội thảo đều được tổ chức rất thành công, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước. Được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội và giới truyền thông. Kết quả của hội thảo được đánh giá cao.

Cuối năm 2021, Tổng hội Xây dựng kết nạp hội viên mới là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).

3 - Đại hội nhiệm kỳ và hoàn thiện thông tin tổ chức: Tiến hành rà soát, cập nhật lại quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự và đã cập nhật được thông tin của 13/13 hội chuyên ngành, 50/57 hội viên tập thể và 41/45 hội địa phương và 3/12 tổ chức trực thuộc. Năm 2021, đã có 4 Hội chuyên ngành thuộc Tổng hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Tổng hội kết nạp được 01 hội viên tập thể, bổ nhiệm 03 đồng chí phụ trách các ban KHCN, ban Kinh tế của Tổng hội và Tổng biên tập Tạp chí Người Xây dựng, bầu bổ sung 03 đồng chỉ vào Đoàn Chủ tịch. Kiện toàn tổ chức Tạp chí Người Xây dựng.

4 - Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư vấn phản biện, giám định xã hội: Với nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, Tổng hội đã xây dựng được ngân hàng chuyên gia gồm 100 vị đến từ các Hội thành viên của Tổng hội. Việc tổ chức lấy ý kiến tư vấn phản biện được tiến hành thường xuyên và theo phương thức thảo luận tập thể nên chất lượng công tác phản biện nâng lên rõ rệt. Nam 2021, Tổng hội đã tham gia phản biện nhiều quy hoạch ngành, đóng góp các ý kiến chuyên môn cho việc sử đổi bổ sung nhiều dự Luật, Nghị định.

5 - Bảo vệ thành công nhiều nhiệm vụ khoa học: Do có nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các vấn đề thời sự, các nhà khoa học là thành viên của Tổng hội đã bảo vệ thành công nhiều nhiệm vụ khoa học năm 2022 cấp Liên hiệp Hội (3 nhiệm vụ), cấp Bộ Xây dựng (2 nhiệm vụ) và ở nhiều địa phương (3 nhiệm vụ).

6 - Đẩy mạnh công tác truyền thông: Hệ thống báo chí thuộc Tổng hội vẫn duy trì đều đặn các số báo phát hành. Tuân thủ nội dung hoạt động đã được cấp phép, khai thác tối đa tuyến bài ở từng lĩnh vực chuyên môn cho cộng đồng bạn đọc riêng của mỗi báo, đồng thời bám sát, phát hiện các vấn đề nóng, thời sự phục vụ và định hướng dư luận xã hội. Các đơn vị truyền thông hợp tác, sử dụng bài, tin của nhau để truyền thông kịp thời các sự kiện và hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

7 - Tổ chức thành công Giải thưởng Loa thành: Mặc dầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không thể tập trung chấm giải, hạn chế tập trung khi trao giải, nhưng với uy tín của Giải thưởng, năm nay vẫn có rất nhiều trường, nhiều sinh viên tham gia dự thi. Kết quả, năm nay Ban tổ chức đã trao 64 giải thưởng, trong đó có 5 giải nhất.

8 - Duy trì và thay đổi phương thức hợp tác quốc tế: Tổng hội và các Hội chuyên ngành tiếp tục duy trì hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua các hội thảo trực tuyến, trao đổi thông tin.

9 - Hoạt động của nhiều Hội chuyên ngành, Hội địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng hội sôi nổi: Hoạt động của các Hội chuyên ngành tập trung vào công tác tư vấn phản biện xã hội, tổ chức hội nghị hội thảo khoa học, triển khai các đề tài nghiên cứu về các vấn đề môi trường, hạ tầng, chất lượng công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn..., tham gia viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, các báo cáo chuyên đề, tham gia giảng dạy và làm cộng tác viên các đề tài NCKH. Hoạt động của các Hội địa phương tham gia tư vấn phản biện các văn bản quản lý, các quy hoạch phát triển và các dự án đầu tư của địa phương. Các đơn vị trực thuộc Tổng hội tích cực tham gia các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

10 - Tạo ra số dư trong nguồn tài chính Tổng hội: Năm 2021, với nỗ lực thu hồi nợ và tiết kiệm chi tiêu, nguồn tài chính tài văn phòng Tổng hội đã có số dư, tạo ra một phần ổn định duy trì hoạt động của khối văn phòng Tổng hội.

Tình hình dịch Covid-19 dự báo sẽ còn rất phức tạp nhưng thế giới đang từng bước thích nghi. Năm 2022, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ có kế hoạch hoạt động như thế nào để thích nghi với tình hình?

TS. Đặng Việt Dũng: Năm 2022, được xác định là năm chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịnh bệnh. Mặc dầu virus không ngừng có chủng mới, tuy nhiên điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta hôm nay đã khác. Chúng ta đã chuyển từ chiến lược “xử lý triệt để” sang “thích ứng linh hoạt” đối với dịch bệnh, người dân cũng đã được tiêm vaccine trong một kế hoạch thần tốc, chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối phó. Đối với Tổng hội Xây dựng Việt Nam, năm 2022 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt, sự kiện Đại hội nhiệm kỳ IX (2022-2027), sự kiện Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Thành lập Tổng hội Xây dựng Việt Nam (1982-2022) và hàng loạt các sự kiện bên lề khác.

Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V khóa VIII vừa tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thống nhất thông qua Nghị quyết nhiệm vụ năm 2022 với 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiệm vụ sắp tới là rất nặng nề, đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi phương thức tổ chức thực hiện, vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo được tiến độ của công việc đã đề ra. Trước hết là mỗi người cần có ý thức và chủ động phòng ngừa, chấp hành nghiêm các qui định của Bộ Y tế. Đồng thời chủ động thay đổi cách thức tổ chức công việc đảm bảo sự tham gia của các thành viên và tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động.

TS. Đặng Việt Dũng cho rằng thích ứng linh hoạt chính là phương châm làm nên thành công của Tổng hội Xây dựng trong năm vừa qua.

Năm 2021 là năm khó khăn khi cả thế giới phải đối mặt với Đại dịch COVID-19, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến ngành xây dựng nói chung cũng như hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói riêng, thưa ông?

TS Đặng Việt Dũng: Từ hơn 2 năm nay, đại dịch Covid 19 đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước ta, trong đó có ngành Xây dựng. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự điều hành kịp thời của lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2021, ngành Xây dựng đã đạt được kết quả khá tích cực.

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý IV/2021, trong đó ngành Xây dựng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy vậy vì khó khăn do dịch bệnh gây ra nên có một số chỉ tiêu không đạt.

Cụ thể, giá trị gia tăng ngành Xây dựng quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý IV/2021 nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành Xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020.

Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng dự kiến tăng 0,2 - 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020).

Năm 2022, ngành xây dựng sẽ tập trung thực thiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của ngành xây dựng.

Đối với Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dịch bệnh đã làm đình trệ nhiều công việc. Nhiều chương trình công tác đã lên kế hoạch mà không thực hiện được. Một số hội thành viên không tổ chức được Đại hội mặc dù nhiệm kỳ đã hết. Hoạt động phối hợp công tác giữa các Hội thành viên cũng gặp nhiều khó khăn.

Thưa ông, Tổng hội Xây dựng Việt Nam với phạm vi hoạt động chuyên môn rộng rãi, thuận lợi cho công tác phát triển hội viên. Tổng hội có kế hoạch như thế nào trong việc phát triển hội viên và chia sẻ thông tin nhiều hơn với truyền thông, với công chúng?

TS. Đặng Việt Dũng: Quan điểm của chúng tôi là đảm bảo chất lượng. Vì thế cần phải củng cố và tăng cường hiệu quả, hiệu lực của những tổ chức, những đơn vị đã có, nhất là đối với các hội xây dựng địa phương. Chỉ phát triển những đơn vị mới khi có đầy đủ điều kiện.

Công tác tư vấn, phản biện là hoạt động thường xuyên của Tổng hội Xây dưng Việt Nam, tuy nhiên, có vẻ như công tác này chưa được chia sẻ thông tin ra với công chúng và báo chí. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ đầu tư phát triển hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền của Tổng hội.

Tổng hội hiện có Cổng thông tin điện tử, Tạp chí Người Xây dựng, cùng với nhiều tạp chí thuộc các hội, viện thành viên… thời gian tới sẽ được quan tâm đầu tư để liên kết, tạo ra hệ thống tuyên truyền mạnh mẽ các thông tin ra công chúng.

Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn. Chúc ông và gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc! Chúc Tổng hội Xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh!

Xuân Hải – Thành Huyên (Tổng hội Xây dựng Việt Nam)

Sở Xây dựng Hà Nội hưởng ứng Vietnam Construction Awards 2024 (15:26 - 17/04/2024)
Khai mạc triển lãm Quốc tế Contech Vietnam và EL Vietnam 2024 (15:06 - 17/04/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Từ thực tế quản lý của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đến dự thảo luật Quy hoạch đô thị. (14:50 - 17/04/2024)
Góp ý về Dự án Luật Quy hoạch Đô thị và Quy hoạch Nông thôn tại Quốc hội (11:17 - 16/04/2024)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (17:15 - 15/04/2024)