Phát huy hiệu quả công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội

11:18 - 15/07/2021

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhu cầu của xã hội, là trách nhiệm của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp công sức, trí tuệ của mình trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan. Là hình thức để trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cở sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho nhà nước và các cơ quan có thầm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức. Là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đối với đất nước.

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Quyết định số 22/2002/QĐ-TT, ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ và được thay thế bằng Quyết định 14/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg “về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”; Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ban hành năm 2003, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21/4/2010 trong đó quy định rõ tại Điều 23 khoản 7 và Điều 23 khoản 9.

Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành tham gia vào “ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức”. Trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai thực hiện 3 dự thảo Quy hoạch lớn của ngành giao thông vận tải theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, đó là: “Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức góp ý, phản biện dự thảo "Thông tư Quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030", dự thảo "Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”. Các buổi hội thảo, tọa đàm góp ý, phản biện trên đều có lãnh đạo Bộ cùng với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia chủ trì và trực tiếp trao đổi, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học.

Để triển khai kế hoạch hỗ trợ các hội thành viên và đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2021, Liên hiệp Hội Việt Nam đã gửi văn bản thông báo tới các đơn vị được nhận kinh phí năm 2021 và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ. Đã gửi văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổng kết 5 năm triển khai thực hiện thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động TV,PB&GĐXH theo Quyết định số 501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ KH&CN tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản mới để tiếp tục triển khai diễn đàn trong những năm tới.

Để nâng cao năng lực tư vấn, phản biện cho các Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp Hội Quảng Trị tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư” cho Liên hiệp Hội các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”; phối hợp với Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế tổ chức hội thảo “Xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Nhằm nâng cao hoạt động tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội giúp các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu về sự cần thiết phải có tư vấn, phản biện.

Thực hiện tốt chức năng đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các nhà lãnh đạo quản lý thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội bao gồm cả những người làm việc chuyên trách và đã nghỉ hưu có tâm - có tầm tham gia vào Hội đồng khoa học của Liên hiệp Hội để tham gia góp ý kiến, tư vấn, phản biện đối với các vấn đề nóng mà xã hội quan tâm, các công trình, dự án, đề án quan trọng của tỉnh…; Xây dựng mạng lưới chuyên gia gồm các nhà khoa học thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học trong cả nước có uy tín, trách nhiệm để thuận lợi cho quá trình lựa chọn chuyên gia phản biện đối với từng nhiệm vụ cụ thể.

Tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác tư vấn phản biện; Tổ chức các diễn đàn khoa học, các hội thảo theo chủ đề đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đồng thời nghiên cứu biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ tư vấn phản biện; tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Theo HT/VUSTA

Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng (00:14 - 22/10/2022)
Phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (14:33 - 15/06/2022)
Công tác tư vấn phản biện là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam – cần tiếp tục duy trì phát huy (11:46 - 11/04/2022)
Tác động của đô thị hóa và đổi mới hệ thống quy hoạch đối với đường sắt (10:11 - 16/09/2021)
Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phát triển (14:32 - 10/08/2021)