Sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật tạo cơ chế gỡ khó cho thị trường bất động sản
16:47 - 25/11/2021
Phát biểu tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 25/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản cần sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản còn chưa phù hợp, đồng thời tập trung giải quyết 4 chính sách về kinh doanh bất động sản.
Theo Thứ trưởng Sinh, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực nghiên cứu trình Thủ tướng chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, cũng như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 2 bộ Luật quan trọng là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong đó đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các chính sách nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp; đẩy mạnh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Cụ thể, đối với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Bộ đã đưa ra các quan điểm, mục tiêu tổng quát, đặc biệt là mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 đối với phát triển từng loại hình nhà ở như: Nhà ở thương mại, Nhà ở xã hội, Nhà ở cho công nhân, Nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Nhà ở công vụ, Cải tạo chung cư cũ, Nhà ở tái định cư.
Cùng với đó là các giải pháp phát triển các loại hình nhà ở làm cơ sở cho các địa phương xây dựng Chương trình, kế hoạch và thực hiện triển khai các dự án phát triển nhà ở trên cả nước.
Đối với Luật Nhà ở, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, trong đó tập trung giải quyết 8 nhóm chính sách lớn, bao gồm:
Chính sách về sở hữu nhà ở; Chính sách về Chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; Chính sách về phát triển nhà ở; Chính sách nhà ở xã hội; Chính sách về tài chính cho phát triển nhà ở; Chính sách chung quản lý, sử dụng nhà ở; Chính sách về quản lý, sử dụng nhà chung cư; Chính sách quản lý nhà nước về nhà ở, nhằm quản lý tốt hơn việc phát triển nhà ở theo Chiến lược, chương trình, kế hoạch; hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhà ở cho các đối tượng khó khăn như công chức, lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, trong đó tập trung giải quyết 4 chính sách.
Cụ thể, chính sách về kinh doanh bất động sản; Chính sách về kinh doanh dịch vụ bất động sản; Chính sách về điều tiết thị trường bất động sản; Chính sách về quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.
Đặc biệt là các công trình dịch vụ, thương mại (du lịch, nghỉ dưỡng) hình thành trong tương lai; hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án bất động sản; hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản qua sàn giao dịch;
Hoạt động của các tổ chức hành nghề môi giới bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin giúp minh bạch thị trường bất động sản và đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, giải pháp đồng bộ để thực hiện điều tiết thị trường bất động sản.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật hiện hành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Ngoài ra, cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, về phía các địa phương cần lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Mặt khác, khẩn trương thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân và góp phần xây dựng đô thị văn minh hiện đại.
Tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thông tin về việc sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; thông tin về đầu tư phát triển hạ tầng của địa phương nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.
Đặc biệt, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.
Ngoài ra cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đánh giá cao Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản. Đồng thời, đây sẽ là những đóng góp quan trọng, để Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đã được đưa ra trao đổi, thảo luận đánh giá, nhận định những khó khăn, thách thức và cơ hội của thị trường bất động sản trong tình hình hiện nay, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp mang tính đột phá nhằm khôi phục, phát triển ổn định thị trường bất động sản, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế đất nước. Đây sẽ là những đóng góp quan trọng, để Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị giải pháp cụ thể để báo cáo với các bộ, ngành và Chính phủ.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Tạp chí xây dựng)
Hướng đến ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chuẩn quốc tế (11:14 - 19/05/2022)
TRỰC TIẾP: Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” (09:45 - 31/12/2021)
Hội thảo Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân (08:52 - 30/12/2021)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao theo mô hình mới (15:53 - 24/11/2021)