TRỰC TIẾP: Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
09:45 - 31/12/2021
Sáng 31/12, Bộ Xây Dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”.
Mời bạn đọc F5 để cập nhật những thông tin mới nhất...
11:56 THE BUILDER
TS. Đặng Việt Dũng phát biểu kết luận hội thảo
Hội thảo Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân đã diễn ra trong buổi sáng 31/12 với sự trao đổi sôi nổi của hơn 150 đại biểu ở 46 đầu cầu. Có 7 báo cáo trực tiếp, 24 bài đăng trong kỷ yếu. Sự tham gia tích cực, đông đảo của nhiều chuyên gia đã cho thấy tính thời sự và bức thiết của vấn đề đưa ra.
Hội thảo đã đề cập đến các nội dung chính:
1. Mô tả, nhận dạng thực trạng vấn đề nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
2. Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này.
3. Đưa ra một vài giải pháp, kiến nghị, đề xuất
- Chính thức hóa khái niệm đô thị công nghiệp
- Cần có hành động ngay để đáp ứng chỗ ở cho công nhân trong các khu CN hiện hữu và trong tương lai; đặc biệt bổ sung tích hợp ngay vào quy hoạch tỉnh trước mắt.
- Xác định trách nhiệm tham gia của người lao động, người sử dụng lao động, khuyến khích người dân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Căn cứ kết quả hội thảo, ông Dũng cho biết Tổng hội Xây dựng sẽ có văn bản gửi tới Chính phủ và các ban ngành liên quan đề xuất các vấn đề liên quan.
10:30 THE BUILDER
Ths. Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng trình bày tham luận "Một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp".
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Ngày 24/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê.
Với mục tiêu ngày càng hoàn thiện các chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, Quốc hội khoá XIII năm 2014 đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi (thay thế Luật Nhà ở 2005). Để triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP) và được điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021. Theo đó, ngoài các chính sách chung về nhà ở xã hội thì pháp luật về nhà ở đã có những cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-10 diễn biến phức tạp, trong thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 63/64 địa phương đã triển khai xây dựng Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà với nhiều giai đoạn khác nhau. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các chương trình của các địa phương, mục tiêu diện tích sàn nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 khoảng 12,5 triệu m2 sàn.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 cụ thể như sau:
- Nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng, bao gồm:
- Nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng
- Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở). Một số nguyên nhân chủ yếu là:
Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân KCN. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 . Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp lo nhà ở cho công nhân thì được tính toán chi phí vào giá thành (nhưng thực tế thì ưu đãi này cũng không đi vào cuộc sống do ít có doanh nghiệp tham gia lo nhà ở cho công nhân).
Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:
- Quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp (miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…) mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân;
- Sửa đổi pháp luật Thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở và Nghị định 100 (khoản 2 Điều 9) quy định mức thuế ưu đãi đối với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được ưu đãi hơn so với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua; cụ thể là được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp);
- Bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại;
- Đối với phần nhà ở xã hội cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội quy định chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; tuy nhiên trường hợp 2 năm liên tục không có đối tượng thuê thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được bán hoặc thuê mua.
- Sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
10:40 THE BUILDER
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy - Phó Tổng Giám đốc TCT Becamex Bình Dương trình bày tham luận "Phát triển nhà ở xã hội trong tổng thể quy hoạch công nghiệp - đô thị - dịch vụ"
Nhà ở là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của một quốc gia, do vậy nó đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, được thể hiện trong hiến pháp, trong chiến lược phát triển nhà ở, Luật Nhà ở và trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật kiên quan khác.
Kết quả đạt được trong những năm qua là số lượng và chất lượng nhà ở đã tăng lên không ngừng, bao gồm cả nhà ở nói chung và nhà ở cho công nhân của một số khu công nghiệp nói riêng, đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống công nhân (đặc biệt là trong thời gian bị dịch bệnh Covid - 19), phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế đất nước.
Để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đáp ứng cơ bản nhu cầu và có giá thuê nhà phù hợp với khả năng chi trả của công nhân khu công nghiệp thì chúng ta cần có các giải pháp liên quan đến tài chính nhà ở công nhân khu công nghiệp một cách đồng bộ, khả thi, như sau:
Thứ nhất, để giảm giá nhà ở công nhân khu công nghiệp bằng giải pháp tăng nguồn cung thì nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, cần có các chính sách khuyến khích người dân gần khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Thứ hai, giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân: hiện nay nhà nước đã có chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp, tuy nhiên thời gian và thủ tục liên quan để có đất xây dựng nhà ở công nhân (bao gồm cả xây dựng hệ thống hạ tầng) còn dài và nhiều, nếu rút ngắn thời gian và giảm các thủ tục này thì sẽ giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân.
Thứ ba, giảm chi phí liên quan đến xây dựng: để giảm các chi phí này chúng ta có thể giảm chi phí thiết kế và giảm chi phí xây dựng. Giảm chi phí thiết kế bằng cách áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; giảm chi phí xây dựng bằng việc có chính sách thưởng phù hợp cho nhà thiết kế khi thiết kế làm giảm giá thành xây dựng, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương với giá cả và chất lượng phù hợp, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng như sử dụng các cấu kiện sản xuất sẵn để lắp ghép,...
Thứ tư, giảm chi phí tài chính: bên cạnh việc cho vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng như hiện nay thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích để phát triển nhiều tổ chức cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như: Tổng công ty Tài chính phát triển nhà (kinh nghiệm của Ấn Độ), Quỹ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp (kinh nghiệm của Philippin, Hàn Quốc), Công ty đầu tư, hợp tác xã tín dụng, quỹ tiết kiệm địa phương (kinh nghiệm của Mỹ),…các quỹ này được tạo bởi tiền tiết kiệm của công nhân, hỗ trợ của chính phủ và các nhà tài trợ. Các hình thức cho vay cần linh hoạt (vay không thế chấp, thế chấp; thế chấp lãi suất cố định, hoặc điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát,…). Phương án trả nợ linh hoạt.
Thứ năm, miễn, giảm thuế: nhà nước cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xây dựng và quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Thứ sáu, giảm chi phí phát sinh do thủ tục hành chính rườm rà: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp.
10:30 - 10: 40 THE BUILDER
Hội thảo nghỉ giải giao, đoàn chủ tịch chụp ảnh kỉ niệm
Đoàn Chủ tịch chụp ảnh kỉ niệm hội thảo
10:15 THE BUILDER
Ông Đặng Đức Cường - Chuyên gia phát triển đô thị cao cấp - Ngân hàng thế giới trình bày tham luận "Đô thị hóa tại Việt Nam trước ngã rẽ"
Mức độ di cư tổng thể ở Việt Nam tương đối thấp và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của các quốc gia khác trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển tương tự điều này gây thách thức đáng kể đối với những vùng đô thị lớn liên quan đến quy mô và lực lượng lao động.
Hệ thống hộ khẩu từ lâu bất bình đẳng về cơ hội & khả năng tiếp cận dịch vụ công, điều kiện sống bấp bênh (78% công nhân công nghiệp hay 1,8 triệu người phải thuê nhà) làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của người di cư và không khuyến khích dịch chuyển lao động. Đồng thời thiếu thông tin về người di cư trong lập kế hoạch và thiếu hỗ trợ ngân sách để bù đắp cho dòng người di cư.
Ông Đặng Đức Cường - Chuyên gia phát triển đô thị cao cấp - Ngân hàng thế giới
Đô thị Hóa Việt Nam hiện đứng trước Ngã rẽ – thời điểm lựa chọn khó khăn. “Hoạt động Bình thường” – tiếp tục chính sách hiện tại, sử dụng mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động & hiệu quả thấp.
Lộ trình mới – dựa trên việc sử dụng đô thị hóa hiệu quả hơn làm động lực chính thúc đẩy năng suất, hiệu quả & tăng trưởng.
Việt Nam có thể thúc đẩy hiệu quả không gian để đạt tăng trưởng & bền vững mà không nhất thiết phải hy sinh công bằng về không gian.
Dịch chuyển lao động: Việc cải thiện dịch chuyển lao động phải được hỗ trợ bởi tiếp cận tốt hơn với dịch vụ xã hội và dịch vụ cơ bản để đảm bảo rằng đô thị hóa giữ được tính bao trùm.
Quy hoạch sử dụng đất: Kiểm soát và quy định về chuyển đổi và quy hoạch sử dụng đất chặt chẽ hơn cùng với điều phối tốt hơn theo chiều ngang và chiều dọc sẽ tạo điều kiện cho các khu vực đô thị tăng trưởng bền vững hơn.
Tài khóa & quy hoạch: Điều chỉnh lại các chính sách tài khóa để thúc đẩy tính kinh tế nhờ tích tụ và thúc đẩy liên kết vùng không nhất thiết là trò chơi được mất ngang nhau, và cũng không nhất thiết phải dẫn tới đánh đổi giữa công bằng và tăng trưởng. Bất bình đẳng về phúc lợi giữa các cá nhân dự kiến sẽ được cải thiện nhờ tăng trưởng dựa trên hiệu quả và năng suất, và việc Ɵếp cận sẽ được cải thiện nhờ dịch chuyển lao động tốt hơn.
10:05 THE BUILDER
Ông Trần Đức Lợi - Tổng giám đốc Công ty Cồ phần tâp đoàn Sakae Việt Nam trình bày tham luận "Đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình đô thị thích hợp các khu công nghiệp (4.0) và cư dân
Số lượng nhà ở công nhân có quy mô bài bản đang rất thiếu, khi phỏng vấn đa số công nhân cho biết họ chưa có nhà ở công nhân. Tuy nhiên thực tế, nhà ở công nhân hiện nay đã được triển khai một số nơi nhưng đối tượng mua lại không phải công nhân.
Một số nguyên nhân khiến các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu: Thiếu quỹ đất sạch, sẵn sang để triển khai dự án; Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng NOXH, do các quy định về định mức lợi nhuận; Đối tượng thuê, mua NOXH hạn chế; Tiêu chí để ở NOXH rất khắt khe, mức thu nhập của người lao động còn thấp nên không thể thuê, mua được NOXH; Nhiều dự án NOXH còn thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu HTXH (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị…), quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc.
Kiến tạo không gian mà nhiều hoạt động của con người có thể cùng được tổ chức và diễn ra và giao thoa với vác khu vực cây xanh và mặt nước; Hình thái đô thị cho phép nhiều công trình với các kích cỡ và hình dạng khác nhau có thể được xây dựng trong khu vực, tạo nên nguồn năng lượng cho các hoạt động tại các tuyến phố và sự linh hoạt trong công tác quy hoạch; Áp dụng các chỉ giới đường đỏ nhỏ hơn, khoảng lùi công trình giảm thấp hơn so với thông thường và hạ thấp chiều cao của vỉa hè nhằm hạn chế phương tiện cơ giới trong nội khu, thúc đẩy việc đi bộ; Đưa ra khái niệm mới về “mục đích sử dụng đất trắng” (nhiều mục đích sử dụng khác nhau); Bố trí các không gian xanh nhằm tăng cườnghoạt động cộng đồng, nâng cao giá trị, cải thiện môi trường sống.
Công ty Sakae Việt Nam kính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và cho phép việc nghiên cứu thí điểm mô hình quy hoạch phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư trong các đồ án Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch khu kinh tế cũng như Quy hoạch phân khu tại các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hưng Yên.
Việc áp dụng một mô hình phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư tương đồng như đã được thực hiện tại Singapore sẽ khả thi cao và đem lại lợi ích lớn cho các địa phương tham gia.
Mô hình quy hoạch tích hợp sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan tới nhà ở cho nguồn nhân lực thuộc các khu vực phát triển công nghiệp mới và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia vào lĩnh vực phát triển NOXH cho đối tượng này.
Việc áp dụng mô hình quy hoạch vào thực tiễn sẽ rất phù hợp để đáp ứng các yêu cầu của các lĩnh vực công nghiệp mới, đặc biệt là những ngành công nghiệp có sự tự động hóa cao và yêu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao hơn những ngành sản xuất thông thường (như các ngành công nghiệp công nghệ cao, logistics,…)
Quy mô và mức đầu tư sẽ được xác định cụ thể theo từng dự án/đề án, với sự phê duyệt, cũng như tham vấn với Bộ Xây dựng và các cơ quan chủ quản tại mỗi địa phương một cách phù hợp.
Việc triển khai thí điểm mô hình quy hoạch phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư tuân thủ theo các trình tự và quy định của Việt Nam có liên quan.
09:45 THE BUILDER
Ths. Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn trình bày báo cáo “Thực trạng tổ chức đời sống công nhân tại các KCN và vấn đề thiết chế công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”.
Ths. Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn
09:30 THE BUILDER
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam sẽ trình bày báo cáo: "Thực trạng và tồn tại trong quá trình quy hoạch, đầu tư khu công nghiệp và quá trình phát triển đô thị gắn với nhà ở công nhân"
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.
09:15 THE BUILDER
PGS. TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng trình bày tham luận “Đô thị hóa, công nghiệp hóa và vấn đề nhà ở công nhân”
Đô thị hóa ở Việt Nam, quy mô dân số được tính bằng tỷ lệ phần trăm của số dân nội thị, trên tổng số dân của toàn đô thị, hoặc tỷ lệ phần trăm dân số đô thị trên tổng số dân của một đơn vị lãnh thổ. Quy mô diện tích được tính bằng tỷ lệ phần trăm của diện tích nội thị, trên tổng diện tích của toàn đô thị.
Ở Việt Nam, sự gia tăng dân số đô thị và diện tích đô thị thường diễn ra tại các đô thị lớn, phù hợp với quy luật chung của các đô thị trên thế giới là dân số đô thị không ngừng gia tăng.
PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng trình bày tham luận “Đô thị hóa, công nghiệp hóa và vấn đề nhà ở công nhân”
Trong 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh dẫn đến sự hình thành và phát triển nhanh của các đô thị. Tính đến tháng 12/2020 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 39,3% với 862 đô thị các loại.
Quá trình đô thị hóa có tác động rất lớn đến các khu vực phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đô thị hóa nhanh đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực đô thị. Dân số khu vực đô thị năm 2020 ở Việt Nam là 35.932.700 người, chiếm 36,82%.
Đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh ở cả 3 vùng miền điển hình tại miền Bắc có Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, miền Trung có Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, miền Nam có TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu.
Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị được thể hiện rõ nét qua tỷ giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP của cả nước.
Về đô thị công nghiệp ở Việt Nam, tính đến tháng 12/2020 cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V.
Trong 10 năm qua (2010 - 2020), với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đô thị Việt Nam phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,3 %.
Cả nước có 350 KCN, KCX với khoảng 2,7 triệu công nhân lao động, chiếm 20% số công nhân lao động trên cả nước (đó là chưa kể 730/968 CCN đang hoạt động với trên 580.500 lao động).
Xu hướng đô thị hóa các khu công nghiệp Việt Nam có thể chia thành năm cấp mô hình, bao gồm: mô hình sơ khai (chỉ tập trung cho sản xuất, tách biệt với môi trường xung quanh), mô hình sản xuất kết hợp dịch vụ, mô hình KCN sinh thái gắn với nền kinh tế tuần hoàn, mô hình khu công nghệ cao gắn sản xuất và nghiên cứu khoa học, mô hình khu đô thị sáng tạo.
Tại các KCN đang ở mô hình sơ khai, phần lớn các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, lắp ráp, điện tử...) đã tạo ra lực hút, dẫn đến sự bùng nổ dịch cư nông thôn - Khu công nghiệp. Một số lượng lớn người lao động rời bỏ từ khu vực sản xuất nông nghiệp di chuyển đến khu vực sản xuất công nghiệp, hình thành các khu vực có mật độ dân cư cao, có tính trung tâm hóa, tạo ra nhu cầu dịch vụ như ăn, ở, sinh hoạt, học tập và đi lại, là tiền đề cho sự hình thành bước đầu là điểm dân cư công nghiệp, thị tứ công nghiệp và tương lai sẽ trở thành đô thị công nghiệp.
Vấn đề quản lý hành chính đối người lao động tại các điểm định cư công nghiệp còn đang bỏ ngỏ, chưa tương đồng với quản lý đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, quận, phường), quản lý nông thôn (điểm định cư của người nông dân làm nông nghiệp với huyện, xã) và vì thế chưa có khái niệm về “điểm dân cư công nghiệp”, “thị tứ công nghiệp” hoặc “đô thị công nghiệp”.
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển…
09:10 THE BUILDER
TS. Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
TS. Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
Về chủ đề Hội thảo, chúng ta có nên đặt ra vấn đề đô thi công nghiệp không? Hay chỉ là vấn đề tạo lập ra khu nhà ở cho công nhân một cách chủ đồng ở các khu công nghiệp, hoặc làm các khu đô thị mới, mở rộng khu đô thị hiện có. Theo định nghĩa chúng ta đô thị phải là địa giới hành chính như thị trấn, thị xã, thành phố...
Thực ra vấn đề tạo lập nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp trước đây đã từng đặt ra ngay từ thời bao cấp, nhà máy ở đâu có khu nhà ở cho công nhân, khu tập thể cho công nhân ở đó.
Khi đổi mới, xóa bỏ bao cấp nhà ở, xóa nhà ở công nhân thành dạng nhà ở xã hội được hình thành do thị trường thì khi đó mới dẫn đến thiếu nhà ở cho công nhân. Song song với đó khu công nghiệp phát triển mạnh nhưng lại không chủ động hình thành các nhà ở cho công nhân dẫn đến bức xúc.
Dịch COVID-19 vừa qua thể hiện càng mạng mẽ sự mất cân đối giữa khu công nghiệp và nhà ở công nhân.
Như vậy, có thể xem xét việc từ nhỏ đến lớn theo từng vấn đề:
Thứ nhất, lo quỹ nhà ở công nhân một cách chủ động có thể khu nhà ở cho công nhân sử dụng.
Thứ hai, hhình thành các khu đô thị mới, khu đô thị hiện có khi đó đặt vấn đề phải xây dựng mới hạ tầng xã hội tương ứng.
Thứ ba, hình thành một đô thị công nghiệp hoàn chỉnh.
Tính chất, thời gian ở của công nhân ở đâu cũng gần như chỉ mang tính tạm một thời gian do công nhân làm không phải suốt đời mà thường sẽ thay đổi sau 10-15 năm có thể đi nơi khác, có thể chuyển công việc khác.
Công nhân sẽ ở thuê hay mua? Nếu ở 10 năm chắc có lẽ chỉ thuê chứ không mua, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Thu nhập công nhân rất hạn chế, đặt vấn đề mua là không dễ, vấn đề tiếp ai tạo ra hệ thống nhà ở công nhân này? Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải có hệ thống nhà ở công nhân để doanh nghiệp khi vào hoạt động sản xuất có sẵn hay bản thân doanh nghiệp sử dụng lao động phải lo? Hay những doanh nghiệp bất động sản bắt tay đầu tư?
Vấn đề nữa quy hoạch vị trí nhà ở công nhân tập trung hay trộn lẫn nơi nhà, xưởng sản xuất của họ, khi lượng công nhân lớn phát sinh việc cải thạo, tạo lập các hoạt động xã hội phục vụ công nhân thế nào? Cuối cùng cơ chế chính sách, nguồn lực ra sao?
09:05 THE BUILDER
TS Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
TS Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo
09:00 THE BUILDER
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
08:55 THE BUILDER
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên tham luận
TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, TS Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và PGS. TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng. điều hành phiên thảo luận.
Theo chương trình, mở đầu phiên thảo luận PGS. TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng sẽ trình bày tham luận “Đô thị hóa, công nghiệp hóa và vấn đề nhà ở công nhân”
Tiếp đến, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam sẽ trình bày báo cáo: "Thực trạng và tồn tại trong quá trình quy hoạch, đầu tư khu công nghiệp và quá trình phát triển đô thị gắn với nhà ở công nhân".
Đại diện Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn, Ths. Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn trình bày báo cáo “Thực trạng tổ chức đời sống công nhân tại các KCN và vấn đề thiết chế công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”.
Mr. Marc Forni - Trưởng ban Điều phối, Chuyên gia về Khả năng Chống chịu Đô thị cho Đô thị, Đất đai và Khả năng thích ứng với Việt Nam trình bày tham luận “Đô thị hóa tại Việt Nam: Các thách thức và trở ngại chính đối với năng suất và phát triển đô thị”
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy - Phó Tổng Giám đốc TCT Becamex Bình Dương trình bày tham luận "Phát triển nhà ở xã hội trong tổng thể quy hoạch công nghiệp - đô thị - dịch vụ"
Ths. Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng trình bày tham luận "Một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp".
ThS. Đào Trọng Nghĩa Trưởng Ban Tư vấn phản biện - Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Bắc Giang trình bày báo cáo "Vấn đề hạ tầng xã hội và quản lý công nhân tại các KCN của tỉnh Bắc Giang".
Sau các bài tham luận, báo cáo của các chuyên gia, Hội thảo sẽ nghỉ giải lao trước khi bước vào phiên thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch đoàn, sau đó sẽ là phát biểu kết luận hội thảo của TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
08:45 THE BUILDER
Các khách mời tham dự Hội thảo
Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, kinh tế, xã hội ...
Về phía Bộ Xây dựng có:
TS. Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cùng đại diện các cục, vụ, viện của Bộ Xây dựng.
Về phía Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
TS Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
Cũng lãnh đạo Ban tư vấn phản biện, Ban Thông tin, Ban Hợp tác quốc tế; Ban KHCN…Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Về phía Tổng hội Xây dựng Việt Nam
TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Ông Đặng Đức Cường - Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới
08:05 THE BUILDER
Chuyên gia, nhà khoa học gặp gỡ trao đổi trước khi diễn ra Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (bên trái) trao đổi với chuyên gia, nhà khoa học trước khi Hội thảo diễn ra.
Phát triển khu công nghiệp tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ (kể cả số lao động của những hộ gia đình bị thu hồi đất) và lao động nhập cư, phát triển kinh tế địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách. Những năm gần đây, lực lượng lao động trong khu công nghiệp gia tăng mạnh mẽ gắn liền với sự gia tăng của các khu công nghiệp thành lập mới và mở rộng, các dự án hoạt động trong khu công nghiệp.
Mặc dù nhà nước đã có hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021).
Đại dịch Covid 19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều “ thời chiến” để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách và thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân, xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Nhằm tìm lời giải cho vấn đề nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, ngày 31/12/2021, Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”.
Hội thảo sẽ tập trung nêu rõ thực trạng quá trình quy hoạch, đầu tư và phát triển khu công nghiệp gắn với quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội của khu vực, của địa phương; thực trạng về công tác quản lý, tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang lan rộng, tác động mạnh mẽ đến đời sống của những người công nhân. Đồng thời giới thiệu một số mô hình quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp gắn với quản lý, tổ chức đời sống công nhân của các nước trên thế giới, đề xuất một số giải pháp quy hoạch phát triển công nghiệp, gắn với đô thị công nghiệp và quản lý, tổ chức đời sống của công nhân.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, kinh tế, xã hội ... đến từ các Ban, Bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia quốc tế.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Hướng đến ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chuẩn quốc tế (11:14 - 19/05/2022)
Hội thảo Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân (08:52 - 30/12/2021)
Sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật tạo cơ chế gỡ khó cho thị trường bất động sản (16:47 - 25/11/2021)
Tổng hội Xây dựng Việt Nam hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao theo mô hình mới (15:53 - 24/11/2021)