"Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi"
11:12 - 14/05/2021
Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng lõa cùng hội cùng thuyền. Tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực - ĐBQH Lê Như Tiến.
Phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường sáng nay:
Tham nhũng lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành đồng lõa cùng hội cùng thuyền. Tham nhũng là ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, tiền công thành tiền tư, nhà công vụ thành nhà tư vụ, gây thất thoát lãng phí cả trăm nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Quốc nạn tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin, suy kiệt nhựa sống xã hội. Hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng thất thoát, do năng lực quản trị kém thì hoặc đột quỵ hoặc chết lâm sàng. Công ty giải thể kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao, ở công ty mất việc làm, về quê mất đất. Đi vướng núi về mắc sông, không chừng sa vào cạm bẫy trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội và thành tội phạm.
ĐBQH Lê Như Tiến: 60 năm đã qua, song bài học chống tham nhũng, lãng phí của Hồ Chí Minh vẫn còn tươi mới. Ảnh: Quang Khánh
Chưa tính các tập đoàn, tổng công ty khác, riêng Vinashin đã thất thoát 107 nghìn tỷ đồng, trên 40 nghìn tỷ nợ nước ngoài, hơn 60 nghìn tỷ nợ trong nước. Trong khi đầu tư một phòng học theo chương trình kiên cố hóa chỉ là 500 triệu. Suất đầu tư 1 nhà văn hóa là 1 tỷ đồng. Nếu không thất thoát như vậy sẽ xây thêm 214 nghìn phòng học, 107 nghìn nhà văn hóa 53 nghìn trạm xá xã. Trong khi cả nước có 11 nghìn xã phường thì mỗi xã phường có thêm 20 phòng học, 10 nhà văn hóa và 5 trạm xá và chúng ta không phải lùi hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa qua, đã thanh tra trên 62 nghìn vụ, chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% tổng số thanh tra
ĐBQH rất quan tâm đặt câu hỏi liệu có xu hướng hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng hoặc nắn dòng bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra.
Thưa QH, nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Ta thường lên án gay gắt mạnh mẽ hành vi tham nhũng nhưng thất thoát do lãng phí lên tới rất nhiều thì ta lại nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí.
Tham nhũng bị coi là tội phạm trong khi lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm. Đầu tư lãng phí cả trăm ngàn đôla vào khu công nghiệp, sân bay, khu chế xuất không hiệu quả thì chỉ bị nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm.
Lãng phí muôn hình vạn trạng ở khắp nơi.Lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản, trong sử dụng đất đai, mua sắm tài nguyên. Đó là lãng phí hữu hình.
Rồi lãng phí vô hình trong khai thác nguồn nhân lực, lãng phí chất xám. Như hàng trăm nghìn luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đóng bìa cứng hoành tráng, xếp ngăn nắp như vật trang trí trong các viện nghiên cứu. Chưa đầy 1/3 kết quả được áp dụng vào thực tế.
Rồi lãng phí trong quy hoạch do thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Bao nhiêu xi măng sắt thép đang nằm ế ẩm dãi dầu trong các kho bãi chờ lưu thông. Rồi đất sản xuất bị hoang hóa nhiều năm nay. Hàng trăm ngàn tỷ lẽ ra được sinh sôi từ đất thì lại lãng phí chôn vùi ở trong đất.
Thưa QH, đúng 60 năm về trước, Hồ Chủ tịch có bài phát biểu quan trọng với đội ngũ cán bộ cao cấp về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí.
Người nói, tham ô lãng phí là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ. Nó không mang gươm mang súng mà nó nằm ngay trong tổ chức ta. Vì vậy chống tham ô lãng phí cũng cần thiết như đánh giặc.
60 năm đã qua, song bài học chống tham nhũng, lãng phí của Hồ Chí Minh vẫn còn tươi mới, vẫn mang tính thời sự và nguyên giá trị thực tiễn. Tham nhũng, lãng phí, thất thoát ở các khoản như chi phí ngoại giao, chi phí lót tay, bôi trơn, động thổ, khai trương khánh thành. Trăm dâu đổ vào đầu giá thành nên giá cả sản phẩm của ta cao hơn nhiều so với giá trị. Hệ số ICOR đầu tư của ta cao gấp đôi các nước trong khu vực, nghĩa là càng đầu tư càng thất thoát, lãng phí.
Chúng tôi xin nhắc lại, 60 năm sau, bài học của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và còn tươi mới.
Theo Vietnamnet
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)