Tham nhũng qua “nhóm thân hữu”

16:16 - 11/05/2021

50% doanh nghiệp (DN) được hỏi đã nói rằng nhóm các doanh nghiệp có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong hoạch định chính sách.

Trước thực trạng này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) đã xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu mối quan hệ (MQH) không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp (DN) để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng, chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Đề tài đang được lấy các ý kiến góp ý để hoàn thiện.


Thi tuyển cán bộ, công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác tổ chức là những giải pháp phòng ngừa MQH không bình thýờng giữa quan chức với DN để trục lợi.

Quan hệ với quan chức = sức mạnh DN

UBKTTƯ nhận định: “Trong sản xuất, kinh doanh, ngoài MQH với khách hàng, cổ đông, người lao động…, DN còn phải có một MQH rất quan trọng với hệ thống chính trị các cấp mà thực chất là quan hệ với cán bộ, đảng viên có chức quyền. DN càng lớn thì MQH này càng rộng. Hiện nay, một số DN còn tổ chức một bộ phận trực thuộc giám đốc hoặc HĐQT với chức năng duy nhất là duy trì và mở rộng MQH với chính quyền và cán bộ, đảng viên của chính quyền đó”.

Theo đó, MQH với quan chức trong hệ thống chính trị được nhìn nhận là một lợi thế trong cuộc chạy đua cạnh tranh trên thương trường. “Các DN còn lấy thước đo sự quen biết với số lượng cán bộ có chức vụ quan trọng, những cán bộ liên quan đến những quyết sách về tài chính, đất đai, ngân hàng, dự án… thì càng có vị thế và cơ may giành thắng lợi trong kinh doanh càng nhiều. Đáng lưu ý là MQH này đang nhuốm màu “lợi ích”” - nhóm nghiên cứu của UBKTTƯ nhận xét.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng: Nếu quan chức và DN thực sự muốn tìm MQH với nhau dựa trên lợi ích chung của cộng đồng thì điều đó lại mang sự tích cực. Nó sẽ giúp cho hai bên (chính quyền và DN) hiểu nhau hơn. DN có cơ hội chỉ ra những khiếm khuyết của chính sách qua quá trình thực thi. Cán bộ quản lý nhà nước từ đó kịp thời điều chỉnh những sơ hở trong quản lý. Còn quan chức muốn thực sự thu hút DN về đầu tư tại địa phương thì họ có nhiều thiện chí hỗ trợ, ủng hộ và sẵn lòng tạo điều kiện cho DN phát triển.

Chi phối phát triển kinh tế

UBKTTƯ chỉ ra rằng bản chất của MQH không bình thường giữa quan chức với DN để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt dẫn đến “lợi ích nhóm”. Nó có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Tác hại của MQH này sẽ làm cản trở quá trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững vì nó tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, không bình đẳng. MQH này sẽ bóp méo các chính sách của Nhà nước thay vì ban hành để phục vụ đại bộ phận nhân dân thì nó lại quay hướng để phục vụ cho một số ít DN hình thành và phát triển “lợi ích nhóm”.

“Kiểu làm ăn như vậy không sớm thì muộn sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh. Nếu chúng ta không cải thiện thì “cỏ dại sẽ mọc lấn hết lúa (“lúa” ở đây được hiểu là các DN kinh doanh đàng hoàng)” - nhóm nghiên cứu nhận định và dẫn chứng bà Virginia Foote - Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt-Mỹ đã từng cảnh báo: “Nếu cứ tiếp tục kinh doanh không giống ai như vậy, DN Việt Nam sẽ khó có thể làm ăn toàn cầu”.

Ngoài ra, tác hại của MQH không bình thường còn làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về kinh tế. MQH này sẽ dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, nó làm mất lòng tin của nhân dân.

Nhiều quan chức có DN vây quanh

Đề tài của nhóm nghiên cứu cũng “điểm mặt”: Hiện nay, các DN đã bắt đầu quan tâm đến nhóm lợi ích trong vận động điều hành chính sách. Đã có dấu hiệu manh nha của “nhóm thân hữu”. Xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước đã thấp thoáng sự hiện diện của các DN thuộc các loại hình khác nhau.

“Cũng có hiện tượng một nhóm DN nào đó dưới sự bảo trợ của một số cá nhân quan chức đã có điều kiện thuận lợi hơn và có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, những DN khác phải nhờ cậy DN thân tín với quan chức đó. Thậm chí đang có những DN có thể dễ dàng ra vào nhà của một số nhân vật quyền lực ở trung ương và địa phương”.

Theo đó, “nhóm thân hữu” này có quan hệ hai chiều trong việc quan chức dàn xếp để DN nhận được ưu đãi. Ngược lại, DN hoặc là phải đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức, hoặc cung cấp cho quan chức các phương tiện có thể leo cao hơn, để lo lót, chạy chọt. Hiện tượng các DN bao cấp cho một số quan chức dưới hình thức cung cấp các dịch vụ VIP như chơi golf, massage, du lịch, du học cho con cái… đã xuất hiện. Những xôn xao về những doanh nhân có quyền lực ngầm trong quan hệ với quan chức không phải là ít.

Nhóm nghiên cứu UBKTTƯ cũng cho hay đang có hiện tượng lợi ích cục bộ ở nhóm cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước. Thay vì sử dụng quyền lực nhà nước để giữ trật tự, kỷ cương thì họ lại sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với DN. Trong khi đó, DN nhà nước có vị trí đặc biệt, vừa độc quyền, vừa quản lý tài sản khổng lồ, vừa tự chủ rộng rãi… lại không đi kèm trách nhiệm giải trình cao nên nhiều DN nhà nước là đầu mối để nhiều quan chức thiết lập các đường dây vụ lợi cho mình.

Biểu hiện dễ thấy nhất là nhiều quan chức tạo ô dù để bổ nhiệm người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt. Đặc biệt, nhiều DN đã chuyển các cổ phần béo bở cho một số quan chức nhưng cho người khác đứng tên, đổi lại là họ được nhận những chế độ, chính sách riêng...

Chống “tư duy nhiệm kỳ” và “hiệu ứng 59”

Nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp phòng ngừa MQH không bình thường giữa quan chức với DN để trục lợi gồm: Lấy phiếu tín nhiệm quan chức (kể cả tại tổ dân phố); công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ; tăng cường sự giám sát; thi tuyển cán bộ; tăng cường thanh kiểm tra…

Nhưng đáng quan tâm hơn là các biện pháp phát hiện và xử lý quan chức tham nhũng. Theo nhóm nghiên cứu phải xử lý và đề nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thực hiện không nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và để người thân trong gia đình vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm cả DN có quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức quyền. Tịch thu tài sản do MQH không bình thường với DN mà có, kể cả khi người đó đã nghỉ hưu hoặc đã chết. Mặt khác, đảng viên vi phạm tham nhũng chưa đến mức độ xử lý hình sự cũng không được giữ các chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các cấp.

Chưa hết, phải ban hành quy định về kiểm tra đối với quan chức chủ trì ở các cấp trước khi kết thúc nhiệm kỳ để chống “tư duy nhiệm kỳ”, “hiệu ứng 59”(59 tuổi, sắp về hưu - PV). Sửa đổi luật hình sự theo hướng coi tham nhũng là giặc nội xâm và bổ sung các hình phạt đối với hành vi chiếm hữu tài sản không kê khai; di chuyển tài sản cho người khác hoặc ra nước ngoài; chiếm hữu tài sản mà không giải thích được nguồn gốc…

Theo Pháp Luật TPHCM

Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 (09:40 - 01/11/2022)
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)