Thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ chỉnh trang đô thị: Những dòng kênh đen đổi màu xanh

11:28 - 06/08/2021

Những con kênh xanh mang lại cảm giác trong lành, thư thái luôn là niềm tự hào của những người dân đô thị. Nhưng nếu kênh bị ô nhiễm nặng nề sẽ là nỗi ám ảnh của bao người. TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải tạo những dòng kênh đen chảy trong lòng thành phố trong xanh trở lại...

Một đoạn kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (khu vực quận 4, TP Hồ Chí Minh) sau khi được cải tạo. Ảnh: Minh Tú

Hàng chục năm qua, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh sống dọc những con kênh, rạch ô nhiễm từng ngày chờ đợi các dự án cải tạo được triển khai. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, phần lớn các dự án đều không hẹn ngày hoàn thành. Ðể tạo đột phá trong chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống người dân, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân.

Hàng triệu người bị ảnh hưởng

TP Hồ Chí Minh có 156 tuyến kênh, rạch chằng chịt, tổng chiều dài hơn 700 km, có vai trò quan trọng về đa dạng hệ sinh thái, điều tiết nước, điều hòa không khí và làm sạch môi trường. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh, rạch huyết mạch của thành phố đang bị lấn chiếm và trở thành "điểm đen" ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài. Ðiển hình, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kênh Tham Lương) là tuyến kênh dài nhất TP Hồ Chí Minh (32,7 km) đi qua địa bàn bảy quận, huyện (Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh) nhiều năm qua bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người dân dọc tuyến kênh.

Bà Nguyễn Diệu Hiền, hơn chục năm nay sống gần khu vực kênh Tham Lương, thuộc phường Ðông Hưng Thuận (quận 12) than phiền: "Nhiều năm nay, nước kênh chuyển mầu đen đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc do nước thải từ các cơ sở sản xuất và các hộ dân nằm dọc bờ kênh. Mỗi khi trời nắng nóng, mùi hôi lại càng khủng khiếp hơn. Tôi từng thấy có mấy lần kênh được nạo vét, khấp khởi vui mừng, nhưng đến nay vẫn dang dở, dòng kênh ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Mới đây, đường bờ kênh gần đường Nguyễn Văn Quá được trải đá dăm tạo thành đường đi, người dân chúng tôi lại kỳ vọng việc cải tạo kênh Tham Lương nhanh chóng được khởi động trở lại".

Tương tự, rạch Xuyên Tâm xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) chảy đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) có chiều dài 6,2 km, tiếp nhận 40% lượng nước thải sinh hoạt của người dân quận Bình Thạnh với khoảng 40 nghìn m3/ngày chưa qua xử lý. Rạch Xuyên Tâm trở thành "điểm đen" ô nhiễm, nhưng dự án cải tạo vẫn chưa được thành phố triển khai khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Trong ký ức của những người sống lâu năm ở khu vực rạch Xuyên Tâm thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, xưa kia con rạch này rất trong xanh, có nhiều cá sinh sống. Còn bây giờ, ô nhiễm rác thải là nỗi ám ảnh của rất nhiều người sinh sống hai bên hoặc đi qua khu vực. Ông Ðặng Ngọc Trùng Dương, ngụ ở phường 12, quận Bình Thạnh, phản ánh: "Tình trạng người dân lấn chiếm rạch để xây nhà tạm trái phép cùng với việc vứt rác bừa bãi khiến con rạch này ô nhiễm nặng. Ðoạn rạch Xuyên Tâm qua cầu Bùi Ðình Túy lúc nào cũng nổi đầy rác bẩn cùng với bèo lục bình làm tắc nghẽn dòng chảy. Mỗi khi trời mưa hay triều cường, nước từ con rạch này tràn qua đường mang theo cả rác bẩn. Hàng chục năm nay, người dân ở đây chưa thấy dự án cải tạo nào được tiến hành để thay đổi tình hình. Nhìn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gần bên sau cải tạo hết ô nhiễm, mọi người có thể đi lại thảnh thơi tập thể dục hai bên bờ, người dân ở đây luôn ao ước rạch Xuyên Tâm sẽ được thành phố sớm quan tâm cải tạo được như vậy".

Thêm nhiều "Nhiêu Lộc - Thị Nghè"

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh đưa ra quyết tâm sẽ khơi thông, nạo vét kết hợp chỉnh trang đô thị cho hàng loạt tuyến kênh, rạch lớn, nhỏ trên địa bàn, trước hết là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm) Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, tổng mức đầu tư dự án hơn 9.300 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỷ đồng, còn lại là giải phóng mặt bằng. Mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường cho con rạch kết hợp xây dựng đường giao thông mới hai bên nhằm cải thiện giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố. Dự án gồm các hạng mục: nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km cùng ba tuyến nhánh dài gần 2 km gồm nhánh Cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; xây dựng tuyến đường hai bên; hệ thống thu gom nước thải,… Dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, giao thông, đáp ứng nhu cầu thoát nước cho lưu vực 703 ha. Ðể thực hiện dự án này, thành phố dự kiến cần di dời gần 2.200 hộ dân, trong đó, 950 hộ tại quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp phải di dời toàn phần. Riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, TP Hồ Chí Minh cần chi phí gần 5.000 tỷ đồng.

 

Rạch Ông Học (quận 12) sau khi được cải tạo nâng cấp.

Ðại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, quận đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để bố trí cho các hộ dân tại chung cư tái định cư phường 12 (khối A) và chung cư lô D (chung cư tái định cư khu vực đầu cầu Thủ Thiêm). Các hộ gia đình giải tỏa trắng trong dự án sẽ được lựa chọn một trong các phương thức tái định cư: Trường hợp người dân không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì nhận tiền tự lo chỗ ở mới, hoặc chọn căn hộ tái định cư tại chỗ, hoặc chọn căn hộ tái định cư tại vị trí khác. Ðối với các hộ nghèo, cận nghèo trong phạm vi giải tỏa của dự án sẽ được giới thiệu vay vốn Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; giới thiệu việc làm, học nghề cho những người có nhu cầu.

TP Hồ Chí Minh bố trí 8.200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương nhằm làm thay đổi bộ mặt đô thị, giao thông, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho hơn hai triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15 nghìn ha. Theo Hội đồng thẩm định TP Hồ Chí Minh, dự án này bảo đảm ba tiêu chí lớn là giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực tây bắc thành phố. Dự án còn giúp hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ Long An và đi các tỉnh miền Ðông Nam Bộ nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân. Ngoài hai dự án trọng điểm nêu trên, trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh cũng lên kế hoạch nạo vét, cải tạo hàng loạt tuyến kênh, rạch vốn đang ô nhiễm môi trường, làm tắc dòng chảy, như: dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3); rạch Bà Tiếng, rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Ðào, Ông Bé, Thầy Tiêu,...

Trong thời gian ngắn tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều tuyến kênh kiểu mẫu như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xóa tan định kiến về những con kênh ngày đêm bốc mùi xú uế nơi đô thị.

Theo Báo Nhân dân

Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 (09:40 - 01/11/2022)
Một số vấn đề trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp (08:59 - 10/10/2022)
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị (14:17 - 31/08/2022)
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (14:11 - 08/10/2021)
Sẽ tổ chức hội thảo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong tháng 10 (11:35 - 07/10/2021)