Tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Những bài học của người trong cuộc

10:22 - 12/05/2021

GS-TSKH. Đặng Vũ Minh (Viện sĩ, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận xét cuốn sách Tư vấn, phản biện và giám định xã hội - kinh nghiệm và tổ chức thực hiện của kỹ sư Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) là “những bài học vô cùng quý báu mà tác giả đã trăn trở và thu thập được sau gần nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực...”

GS-TSKH. Đặng Vũ Minh kể, ông biết kỹ sư Trần Ngọc Hùng từ những ngày ông Hùng còn công tác ở Văn phòng Quốc hội, và nhất là trong vòng mười năm gần đây, GS. Minh lại có may mắn thường xuyên được cùng ông Hùng tham gia các hoạt động của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tốt nghiệp đại học và được phân công về ngành xây dựng, kỹ sư Trần Ngọc Hùng đã có hơn ba mươi năm “nếm mật nằm gai” trong ngành. Dấu chân của ông đã in trên nhiều công trình xây dựng trọng điểm ở khắp mọi miền đất nước. Tiếp đó trong suốt mười năm liền trên cương vị Phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội, ông đã có dịp học hỏi những bài học kinh nghiệm ở tầm vĩ mô.

Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác tại Tổng hội Xây dựng Việt Nam, và từ năm 2008 đến nay ông được các bạn đồng nghiệp tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trên lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.

 

Từ trái: GS-TSKH. Đặng Vũ Minh (Viện sĩ, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và kỹ sư Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) 

“Chính trong giai đoạn này, với những kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm quản lý phong phú, được tích lũy trong suốt quá trình công tác, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của một cán bộ lão thành trong ngành xây dựng, kỹ sư Trần Ngọc Hùng đã cùng với các hội thành viên, các hội viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và đã đóng góp nhiều ý kiến độc lập, khách quan, dựa trên cơ sở khoa học cho nhiều văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, các dự án đầu tư trên lĩnh vực xây dựng. Những ý kiến tư vấn, phản biện nói trên đã được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao, được dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông quan tâm”, GS. Minh nhận xét.

Trong cuốn sách Tư vấn, phản biện và giám định xã hội - kinh nghiệm và tổ chức thực hiệnphát hành mới đây, kỹ sư Trần Ngọc Hùng đã tập hợp và giới thiệu một số bài viết của ông trên lĩnh vực tư vấn, phản biện, giám định xã hội đã được công bố trong vòng mười năm qua. “Thực tế đây là những bài học vô cùng quý báu mà tác giả đã trăn trở và thu thập được sau gần nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đây là một tài liệu tham khảo rất cần thiết cho các hội thành viên của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội”, GS. Minh đánh giá.

Kỹ sư Trần Ngọc Hùng cho biết, tư vấn, phản biện, giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các hội thành viên. Trải qua hơn 36 năm hoạt động, đặc biệt từ giai đoạn 10 năm gần đây (2008 - 2018), công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội đã đạt nhiều kết quả, được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, được xã hội quan tâm, được các phương tiện thông tin truyền thông thuộc lĩnh vực đầu tư - xây dựng - môi trường coi là đối tác quan trọng để thực hiện nhiệm vụ.

Một số kết quả điển hình như: tư vấn, phản biện các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xây dựng (bản kiến nghị “Đổi mới cơ chế trong đầu tư xây dựng” được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao; các ý kiến về quyền lập hội; chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xem xét...); tư vấn, phản biện và giám định xã hội liên quan đến các quy định pháp luật (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị; cơ chế thu hồi, cấp đất, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng trong Luật Đất đai..., được các cơ quan quản lý nhà nước, ban soạn thảo, ủy ban thẩm định tiếp thu khi tiến hành xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định); tư vấn, phản biện liên quan đến các dự án lập và quản lý quy hoạch (văn bản tư vấn, phản biện dự án “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” của Tổng hội được Bộ Chính trị đánh giá cao; nhiều kiến nghị về quy hoạch xây dựng công trình công cộng, cao tầng nơi đô thị... được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xem xét xử lý); tư vấn, phản biện các dự án đầu tư xây dựng (dự án “Đường cao tốc Bắc - Nam”, với kết quả không được thông qua; các dự án sân golf, mà từ đó chính phủ đã cho rà soát đình chỉ hàng loạt sân golf không phù hợp...)

Từ góc nhìn của người trong cuộc sau gần nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ông Hùng đúc kết, để thực hiện được tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội, cần có những yếu tố sau (ông gọi là “bài học kinh nghiệm”):

Một là, nghiên cứu kỹ mọi tác động của cơ chế chính sách, mọi quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, đặc biệt luôn nghiên cứu vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của các chủ thể mà cơ chế chính sách quy định của pháp luật tác động.

Hai là, trên cơ sở các thông tin thu nhập được qua các cơ quan quản lý, các chủ thể bị tác động, các thông tin từ báo chí, dư luận, từ các hội thành viên, hội viên, các chuyên gia, các nhà khoa học... cần sàng lọc, lựa chọn một cách khách quan, khoa học. Từ đó đề xuất các vấn đề để thực hiện tư vấn, phản biện.

Ba là, nội dung tư vấn, phản biện cần tập trung vào các kiến nghị kèm theo giải pháp một cách khách quan, trung thực, khoa học, tâm huyết, tránh tình trạng nặng “đứng ngoài” phê phán, không thấy trách nhiệm của ngành, của tổ chức mình bởi Bức xúc không làm ta vô can (tên một cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang).

Văn bản tư vấn, phản biện dự án “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” của Tổng hội Xây dựng Việt Nam được Bộ Chính trị đánh giá cao, đã yêu cầu ban soạn thảo trực tiếp sửa, chỉnh lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau

Bốn là, tận dụng tối đa các diễn đàn lớn, có các nhà quản lý là cán bộ cao cấp chủ trì, tham dự như các buổi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…; các đại hội, hội nghị tổng kết năm của bộ, các ban chỉ đạo nhà nước…

Năm là, tận dụng tối đa phương tiện truyền thông, thông qua các buổi tọa đàm trực tuyến, phỏng vấn, bài viết để thể hiện chính kiến một cách công khai, nghiêm túc, với tinh thần xây dựng.

Sáu là, cần giữ mối liên hệ và hợp tác với các cơ quan để được tạo điều kiện, phối hợp triển khai tư vấn, phản biện, như với các cơ quan của Quốc hội, liên hiệp hội, các bộ và các tổ chức hữu quan khác.

Bảy là, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe các kiến nghị, các giải pháp của các hội thành viên, hội viên, các nhà khoa học, quản lý; khi cần thiết, tổ chức tọa đàm tranh luận, để lựa chọn các tư vấn phản biện khách quan, khoa học nhất.

“Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức hội là nhiệm vụ rất quan trọng, được thể hiện tại các quy định trong điều lệ hội được các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương hoặc địa phương phê duyệt”, ông Hùng nói.

tonghoixaydung.vn

Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng (00:14 - 22/10/2022)
Phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (14:33 - 15/06/2022)
Công tác tư vấn phản biện là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam – cần tiếp tục duy trì phát huy (11:46 - 11/04/2022)
Tác động của đô thị hóa và đổi mới hệ thống quy hoạch đối với đường sắt (10:11 - 16/09/2021)
Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phát triển (14:32 - 10/08/2021)